Nghệ sĩ đàn tranh Hoa Xuân: Mong âm nhạc dân tộc lan tỏa trong giới trẻ Việt

21/02/2015 18:23 GMT+7

(TNO) Ngay từ ngày Mùng 1 Tết, nghệ sĩ đàn tranh Hoa Xuân đã tất bật lên sân khấu biểu diễn với lịch diễn dày đặc. Với chị, Tết là dịp để chị gửi gắm tình yêu qua âm nhạc dân tộc với khán giả một cách thăng hoa nhất.

(TNO) Ngay từ ngày Mùng 1 Tết, nghệ sĩ đàn tranh Hoa Xuân đã tất bật lên sân khấu biểu diễn với lịch diễn dày đặc. Với chị, Tết là dịp để chị gửi gắm tình yêu qua âm nhạc dân tộc với khán giả một cách thăng hoa nhất.

Nghệ sĩ đàn tranh Hoa Xuân 
* Với lịch biểu diễn khá kín như vậy, chị đã chơi Tết ra sao?
- Đúng là với Tết Ất Mùi năm nay, tôi được hưởng cái Tết đầm ấm bên gia đình tại TP.HCM dù thời gian ít ỏi nhưng cũng không quên nhiệm vụ biểu diễn và xem đó là thiên chức của người nghệ sĩ làm đẹp cho đời. Vì vậy tôi cũng cố gắng sắp xếp trọn vẹn Tết trong gia đình với công việc biểu diễn trong các ngày Tết và dù có bận rộn đến mấy, tôi cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Nghệ sĩ đàn tranh Hoa Xuân sinh năm 1985, là cựu thành viên CLB Tiếng hát Quê hương. Từng tham gia biểu diễn tại Thái Lan, Singapore, chương trình Khát vọng trẻ 8 tại Ukraine (2014), cùng nhiều chương trình ca nhạc dân tộc trên truyền hình và các sân khấu.
Tôi có thói quen thích đi phiên chợ chiều 30, đó là quãng thời gian tôi thường gợi nhớ lại quãng thời gian đã qua, những khó khăn xưa không của riêng ai, nhớ về ông bà, bố mẹ. Những kí ức thơ ấu cứ vậy ùa về. Tôi thích tự tay trang hoàng nhà cửa ngày Tết, tự tay chuẩn bị những món ăn cổ truyền đậm hương vị Việt Nam để chiêu đãi người thân và bạn bè. Ngoài ra tôi cũng thích đi chợ hoa, mua nhiều hoa đẹp bày biện trong nhà để mong năm mới nhiều may mắn.
* 23 năm theo đuổi học và chơi đàn tranh tới nay, theo chị cái khó nhất để giới trẻ thêm hiểu và yêu thích âm nhạc truyền thống là gì?
-  Thực ra tôi đến với đàn tranh, với nhạc cụ dân tộc như một cái duyên, vì trong gia đình tôi không có ai theo đuổi nghề âm nhạc. Với ước muốn con gái nhỏ của mình khi lớn lên trở thành một thiếu nữ dịu dàng, có khả năng chơi được âm nhạc truyền thống, cha tôi đã quyết định đưa tôi đi học nhạc cụ dân tộc từ khi tôi mới 7 tuổi và chính ông đã chọn cho tôi lớp đàn tranh. Sau này tới năm 2000, tôi lại may mắn được Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, người thầy đầu tiên đã dìu dắt tôi vào nghề cũng như phong cách trình diễn trên sân khấu, kèm cặp kĩ càng, tôi theo đuổi chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại Nhạc viện TP.HCM từ hệ trung cấp tới hết đại học, và quyết tâm chọn đây là nghề chính của mình.
 Vì vậy theo tôi, để giúp giới trẻ hiểu về âm nhạc truyền thống không phải là điều quá khó. Chủ yếu là cần có sự định hướng, giới thiệu của gia đình như cần cha mẹ có một sự hiểu biết nhất định, có gu thẩm mỹ nhất định về âm nhạc dân tộc. Ngoài ra cần có thày cô dạy nhạc tận tâm kèm cặp. Ngoài ra người học đàn cần kiên nhẫn khổ luyện, và cần thời gian để hiểu sâu về nhạc cụ cũng như dòng nhạc mà mình theo đuổi mới có thể chơi hay được.
* Theo chị có nên đưa âm nhạc truyền thống phổ cập vào hệ thống giáo dục đại chúng, chí ít ở cấp trung học phổ thông?
-  Đúng là âm nhạc đã được áp dụng phổ cập trong hệ thống giáo dục cơ sở nhưng có lẽ còn khá sơ sài để học sinh có thể hiểu được khái niệm về âm nhạc truyền thống cùng các nhạc cụ truyền thống cơ bản. Trẻ con bây giờ rất ít có thời gian vui chơi thực sự như chúng ta ngày xưa, và bị áp lực nhiều trong cuộc sống học tập. Tuy nhiên nếu đưa được âm nhạc dân tộc vào cấp tiểu học, trung học, đặc biệt từ cấp mẫu giáo, nhà trẻ để các bé làm quen, vui chơi, tiếp xúc với nhạc cụ dân tộc, để học mà chơi, chơi mà học thì việc thẩm thấu âm nhạc dân tộc sẽ dần dà như mưa dầm thấm lâu. Chỉ có đem âm nhạc dân tộc vào trường học mới có thể mong âm thầm vun đắp những hạt mầm tình yêu đối với âm nhạc dân tộc được nảy nở và lan tỏa trong giới trẻ Việt.
Nghệ sĩ đàn tranh Hoa Xuân 
* Chị mong ước điều gì trong đầu xuân mới này?
-  Tôi mong năm mới 2015 mang lại cho tôi nhiều năng lượng, được yêu thương nhiều hơn, được cống hiến nhiều hơn, được biểu diễn nhiều hơn để âm nhạc dân tộc có thêm nhiều cơ hội đến gần với công chúng.
* Cám ơn chị, chúc chị và gia đình một mùa Xuân an lành, nhiều may mắn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.