Nghệ sĩ Đức, Philippines tôn vinh môi trường bằng rác và mặt trời

Huệ Bình
Huệ Bình
16/02/2021 17:30 GMT+7

Nghệ sĩ người Đức Liina Klauss miệt mài tạo ra tác phẩm sắp đặt từ rác nhằm cảnh tỉnh về ô nhiễm môi trường . Cũng mong muốn dùng nghệ thuật thay đổi nhận thức, họa sĩ Philippines Jordan Mang-osan vẽ tranh bằng ánh nắng mặt trời.

Nghệ sĩ nghệ thuật sắp đặt Liina Klauss, hiện sống ở Hồng Kông, cho rằng “thứ “di sản” ô nhiễm chúng ta để lại cho thế hệ sau thật đáng sợ. "Mục đích của tôi là cho trẻ em cơ hội hoạt động sáng tạo về môi trường, nhìn và hiểu được tác động của ô nhiễm mà con người gây ra, từ đó tự tìm ra cách tiếp cận vấn đề này. Đó không phải giải pháp nhưng là một liều thuốc, một cách để thay đổi nhận thức của con người. Tôi làm những thứ xấu xí trở nên đẹp đẽ. Tôi biến rác thành “cầu vồng”. Và mọi người bắt đầu quan tâm tới vấn đề tôi muốn nói hơn”, Liina Klauss chia sẻ.

Hồi chuông cảnh tỉnh “đẹp đẽ”

Chính vì thế, Liina Klauss mới đây triển lãm nghệ thuật sắp đặt vì môi trường với nguồn chất liệu phong phú từ rác trên bờ biển. Dự án nghệ thuật có tên Involuntary Pairs: Man-made Lost in Nature, tổ chức tại Bảo tàng Hàng hải Hồng Kông. Triển lãm trưng bày những thứ nhặt từ các bãi biển Hồng Kông từ năm 2013, mỗi mẩu rác được đặt cạnh một vật thể trong thiên nhiên trông giống hệt. Chẳng hạn như Liina Klauss nhận thấy sự giống nhau nhất định giữa đầu lọc thuốc lá và nhánh xương san hô, hay mớ dây nylon với rong biển, đế giày và mai mực…

Đế giày giống với mai mực, đầu lọc thuốc lá giống nhánh xương san hô

Ảnh: SCMP

Liina Klauss đặt mấy thứ rác bỏ đi cùng với những gì có trong thiên nhiên, để gửi thông điệp về văn hóa tiêu dùng, khiến con người tự soi lại tác động của chính mình lên môi trường. Liina Klauss nói với tờ South China Morning Post: “Tôi nhận thấy nhiều thứ có cùng hình dạng, kết cấu bề mặt dù một vật có nguồn gốc từ quá trình sản xuất của con người, một thứ khác trong môi trường tự nhiên. Vậy là tôi nảy ra ý tưởng thực hiện dự án nghệ thuật về những thứ con người bỏ đi với thực vật, thiên nhiên. Chủ đích nêu bật tình trạng đáng buồn của các đại dương của chúng ta. Những thứ con người vứt trên bãi biển đã tác động tàn khốc tới các sinh vật biển vì lầm tưởng những vật thể nhân tạo là thức ăn”.

Mớ dây nylon giống với rong biển, trưng bày tại Dự án nghệ thuật ‘Involuntary Pairs: Man-made Lost in Nature’ ở Bảo tàng Hàng hải Hồng Kông

Ảnh: SCMP

Liina Klauss cũng đề cập đến chủ nghĩa tiêu dùng: “Chúng ta đang mắc kẹt trong một thế giới vật chất, nhưng chúng ta có thực sự cần nhiều thứ như vậy không? Những gì chúng ta vứt bỏ không biến mất một cách kỳ diệu, mà mọi thứ tích tụ lại”.

Sáng tạo từ thứ vàng quý giá nhất trên trái đất

Trong công cuộc đấu tranh vì môi trường giống như Liina Klauss, Jordan Mang-osan - họa sĩ người Philippines chọn cách vẽ tranh rất đặc biệt: vẽ tranh gỗ bằng ánh nắng mặt trời. Với một chiếc kính lúp, Jordan tập trung ánh sáng mặt trời thông qua chiếc kính, để nó đốt cháy tấm bảng gỗ tại các điểm khác nhau. Những vết gỗ cháy được tạo thành một cách khéo léo, đó chính là những chi tiết của bức tranh phong cảnh, bức chân dung.

Jordan Mang-osan - họa sĩ người Philippines vẽ tranh gỗ bằng ánh nắng mặt trời

Ảnh: Manila Bulletin

Sinh năm 1967 tại tỉnh Mountain Province, những ai biết Jordan và gia đình anh đều nói rằng nghệ thuật đã thấm vào máu của họ. Cha mẹ Jordan là những thợ thủ công nổi tiếng, trong khi anh trai là nghệ sĩ thị giác. Nghỉ học từ cấp 2, làm nhiều công việc khác nhau, từ người gác cổng đến thợ mỏ, nhưng Jordan có “duyên” với nghệ thuật. Năm 19 tuổi, Jordan gia nhập Hiệp hội Nghệ thuật Baguio và bắt đầu cuộc hành trình trở thành một nghệ sĩ sử dụng năng lượng mặt trời – thứ mà Jordan gọi là “thứ vàng quý giá nhất trên trái đất”.

Hai tác phẩm của Jordan Mang-osan

Ảnh: Manila Bulletin

Giờ đây, Jordan tích cực truyền thụ nghệ thuật vẽ bằng ánh nắng mặt trời cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ. Tờ Manila Bulletin dẫn lời Jordan: “Chúng tôi tổ chức các hội thảo trên khắp Philippines, từ địa phương hẻo lánh đến nơi đông đúc, để gieo tình yêu nghệ thuật cũng như kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường ở những người trẻ. Không chỉ thế, chúng tôi từng ra nước ngoài để quảng bá nghệ thuật trong các sự kiện do Ủy ban Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Philippines tổ chức”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.