Nghệ sĩ hài Xuân Hương: 'Quá đau lòng cho làng hài Việt'

09/03/2017 07:00 GMT+7

Chia sẻ với Thanh Niên , nghệ sĩ hài Xuân Hương cho biết bản thân chị cảm thấy rất đau lòng khi mở tivi lên là thấy nói tục, nói nhảm và giả gái đầy rẫy trong các chương trình hài.

Theo cái nhìn của riêng tôi, làng hài của phương Nam đang đi vào ngõ cụt và nằm trong một bức tranh màu tối đen khi mà thủ pháp tạo nên cái hài của một số diễn viên (nhất là các diễn viên đang bảo đảm rating cao cho một số chương trình) chỉ là những câu nói nhảm, giả gái, những lời nói và cử chỉ thô tục.
Những "thủ pháp" gây hài đó đã bị rất nhiều khán giả phản ứng nhưng cũng không ít người hưởng ứng nên mặc cho dư luận lên án, nó vẫn ngày càng phát triển. Cũng có thể trong tiếng cười đó, có những người không kiềm chế được, phải cười những cái cười rất cơ học theo lối gây hài của diễn viên rồi lại tức, tại sao mình có thể cười vì những cái như vậy nhưng cũng có một số khán giả cảm thấy những lời nói, những cử chỉ trong cách gây hài đó hợp với thị hiếu của họ.
Nghệ sĩ hài Xuân Hương cho rằng làng hài của phương Nam đang đi vào ngõ cụt Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi muốn nói rằng tiết mục hài là sản phẩm của người sáng tác nên đương nhiên nó phản ánh trình độ, nhận thức và nhân sinh quan của tác giả. Cũng như lời nói của mỗi người cũng thể hiện trình độ văn hóa, chiều sâu cùng với tri thức của mỗi người. Nếu nói rộng ra thì nền nghệ thuật của một đất nước luôn là thước đo về trình độ văn minh, văn hóa của người dân trên đất nước ấy.
Vậy thì chúng ta nghĩ gì về dân tộc Việt Nam khi mở tivi lên là thấy nói tục, nói nhảm và giả gái đầy rẫy trong các chương trình hài?
Để trả lời cho câu hỏi "do đâu mà tạo nên cớ sự" tôi xin đưa ra thiển ý của mình, rằng sở dĩ có những chuyện như vậy, đầu tiên là do trình độ và nhận thức của người diễn viên. Có những người có tâm với nghề, muốn tìm tòi cái hay, cái mới thì cũng có những người trình độ chỉ đến một mức nào đó và đơn giản làm nghề chỉ vì muốn kiếm tiền và kiếm danh nên họ khá dễ dãi với tiếng cười. Họ chẳng quan tâm nghề của mình tác động tích cực hay tiêu cực đến khán giả mà đơn thuần xem đó là một công cụ kiếm tiền.
Thị hiếu của khán giả là do nghệ sĩ hướng nhưng họ thì cứ trượt dài với những tung hô những ngôi sao này, ngôi sao nọ trong khi chuẩn mực về cái hài, họ lại chưa đạt tới
Nghệ sĩ hài Xuân Hương
Bởi thế mà một thời gian dài, khi báo chí lên tiếng thì một số người lại đổ lỗi rằng khán giả yêu cầu sao thì diễn viên đáp ứng như vậy. Thậm chí có người còn cho rằng "hài là phải nói tục" để tự biện minh và luôn viện cớ rằng phải đáp ứng thị hiếu của khán giả.
Tôi nghĩ thị hiếu của khán giả là do nghệ sĩ hướng nhưng họ thì cứ trượt dài với những tung hô những ngôi sao này, ngôi sao nọ trong khi chuẩn mực về cái hài, họ lại chưa đạt tới. Lối diễn hài của các diễn viên hiện nay là lối diễn hài không có nội tâm, tính cách nhân vật nên nhân vật đó không có nét riêng, không tạo được hình tượng mà chỉ là diễn viên lên sân khấu đối đáp với nhau để khán giả cười.
Việc tung hô không đúng chỗ đã tạo ra cho người làm nghề một ảo giác rằng họ đã lên đến đỉnh vinh quang, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, chạm đến nóc của sự nổi tiếng. Với lối suy nghĩ đó, họ lại càng trượt dài thêm. Họ bỏ ngoài tai những lời góp ý, phê bình của những người có trình độ, có tâm quyết, có học thuật.
Xuân Hương (vai bà chủ quán), Vân Anh (vai Kim Ly) trong vở Buồn ơi chào mi Ảnh: H.K
Theo tôi, người mang đến tiếng cười cho khán giả cũng giống như một người đầu bếp. Nếu chúng ta nấu món ăn ngon thì chúng ta sẽ tạo ra thói quen cho mọi người biết thưởng thức món ăn ngon. Đừng đổ lỗi cho khán giả mà chúng ta hãy đem đến những tiếng cười tử tế cho khán giả. Muốn làm được điều đó thì đừng nên quan niệm rằng nghệ thuật chỉ là phương tiện để chúng ta kiếm tiền mà đó là một lãnh vực đòi hỏi sự nghiêm túc, tài năng và cái tâm của người nghệ sĩ.
Thứ hai là các nhà sản xuất chương trình và các đài truyền hình chỉ chú trọng đến số lượng người xem để thu hút quảng cáo (đồng nghĩa với lợi nhuận) mà quên đi ý nghĩa thiết thực cần phải có của một chương trình đối với khán giả nên đã tạo nên những tác động xấu, những sự ảnh hưởng tai hại cho tâm lý khán giả; nhất là đối với trẻ con vốn cần những bài học trong sáng đẹp đẽ, góp phần cho sự hình thành nhân cách của con người sau này. Đừng quên rằng giáo dục là một trong những chức năng của nghệ thuật. Và cuối cùng là do các nhà quản lý đã không có biện pháp cứng rắn để làm cho bộ mặt nghệ thuật ngày được sáng sủa hơn.
Nói chung, rất nhiều thứ để tạo nên một bức tranh ảm đạm của làng hài hiện nay. Tình trạng này cũng đã tổn tại khá lâu đến bây giờ thì giống như “tức nước vỡ bờ”. Cách đây nhiều năm, làng hài chưa nói tục nhiều, cũng chưa buông lỏng như hiện nay nhưng thật sự, sân khấu hài ngày đó cũng không được như mong muốn khi nó đã bắt đầu trượt dốc. Nhiều người lên tiếng nhưng cũng không thể nào kiềm chế được bước chân A-sin, để cho mọi thứ cứ trượt dài, trượt dài...
Tôi không hề có ác cảm với bất cứ cá nhân nào. Ngay cả việc nói ra có thể cũng sẽ tạo cho tôi những bất lợi như bị người khác hiểu lầm chẳng hạn. Thế nhưng những điều tôi nói ra là vì cái tâm của mình với nghề. Tôi cảm thấy quá đau lòng khi cái nghề của mình đáng lẽ phải được trân trọng, phải có tác động tích cực nào đó đến khán giả, đến xã hội, đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Thật sự, quá đau lòng cho làng hài!
Trả lời PV Thanh Niên về tình trạng nhiều chương trình hài có nội dung nhảm, tục đang “bùng nổ” trên các kênh truyền hình, ông Nguyễn Thành Chung, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử, cho biết thời gian qua, Cục đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chương trình trên truyền hình. Qua đó, Cục cũng đã nắm được thông tin những chương trình như phóng viên vừa phản ánh. “Đối với những chương trình có nội dung không phù hợp, Cục có văn bản yêu cầu các đài phát thanh, truyền hình giải trình và trong trường hợp nội dung chương trình đó vi phạm pháp luật, chúng tôi đều kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định. Trong thời gian vừa qua, Cục đã tiến hành xử lý một số trường hợp, chẳng hạn như chương trình truyền hình thực tế, chương trình game show”, ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, vì áp lực doanh thu và áp lực hoàn thành kế hoạch đặt ra dẫn tới một số đơn vị chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong khâu kiểm duyệt nội dung chương trình trước khi phát sóng, chất lượng nội dung chưa đảm bảo. “Cá biệt một số chương trình còn ảnh hưởng không tốt đến người xem, gây phản ứng mạnh của xã hội. Cục đang nghiên cứu, đánh giá hoạt động liên kết sản xuất chương trình thời gian vừa qua và nhận thấy có một số vấn đề phát sinh cần phải điều chỉnh và định hướng thêm trong thời gian tới”, ông Chung nhấn mạnh.
Ngọc An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.