Nghệ sĩ Ý bị kiện khi kiếm hàng chục ngàn USD từ tượng điêu khắc vô hình

Huệ Bình
Huệ Bình
02/07/2021 12:22 GMT+7

Nghệ sĩ Mỹ Tom Miller đang đệ đơn kiện nhà điêu khắc người Ý Salvatore Garau vì ăn cắp ý tưởng, sau khi nghệ sĩ Ý kiếm được hàng chục ngàn USD nhờ bán tác phẩm điêu khắc vô hình hồi tháng 6.

Nghệ sĩ người Ý Salvatore Garau đã bán tác phẩm điêu khắc Io Sono (tạm dịch: Tôi là) với giá khoảng 18.300 USD cho một nhà sưu tầm giấu tên trong phiên đấu giá tại Milan hồi đầu tháng 6. Người thưởng thức tác phẩm “phi vật chất” này không thể nhìn hoặc sờ nó bằng giác quan thông thường.
Ban đầu, Salvatore Garau đặt giá khởi điểm cho tác phẩm khoảng 7.000 USD. Nhà điêu khắc hướng dẫn phải trưng bày tác phẩm trong một không gian trống có chiều dài và rộng mỗi chiều khoảng 1,5 m. Người mua cũng nhận được một giấy chứng nhận được ký và đóng dấu từ Salvatore Garau. Phiên đấu giá nhận nhiều tranh luận từ giới yêu nghệ thuật. Nhiều người chỉ trích phong cách sáng tác của Salvatore Garau, nói rằng các tác phẩm của ông vô nghĩa và nhảm nhí.
Giờ đây, tác phẩm “phi vật chất” và Salvatore Garau lần nữa bị réo tên. Nghệ sĩ người Mỹ - ông Tom Miller khẳng định với trang Artnet rằng vào năm 2016, ông đã làm ra tác phẩm điêu khắc vô hình tại một địa điểm tổ chức sự kiện ngoài trời tại thành phố Gainesville (bang Florida, Mỹ). Ông Tom Miller đặt tên cho tác phẩm là Nothing (tạm dịch: Không có gì) và dựng nó trong vòng 5 ngày cùng với một đội công nhân đã di chuyển các khối giống như mô hình Đại kim tự tháp Giza. Hàng chục người đã có mặt để xem vào tháng 6 năm đó. Thậm chí, Tom Miller còn làm một phim ngắn về tác phẩm điêu khắc vô hình. Đó là một bộ phim giả tưởng ngắn có các nghệ sĩ và người phụ trách giả làm những cái đầu biết nói. Ông Miller chia sẻ với Artnet qua email: “Tất cả những gì cá nhân tôi có thể nói là tác phẩm đó rất quan trọng đối với tôi và Gainesville mới là nơi đặt tác phẩm điêu khắc vô hình gốc. Salvatore Garau chỉ là người bắt chước”.

Tác phẩm Io Sono của Salvatore Garau (trái) được bán với giá 18.300 USD

Ảnh: iStock

Ông Tom Miller nói với kênh tin tức địa phương WCJB-TV: “Khi tôi xem qua tác phẩm của Garau, tôi đã nghĩ “chà, đó chính xác là ý tưởng của tôi”. Tôi chỉ đơn giản muốn được công nhận. Tôi đã liên lạc với ông ấy nhưng ông ấy gạt đi, và sau đó tôi đã thuê một luật sư người Ý ”. Luật sư của ông Tom Miller khẳng định: “Rõ ràng là ông Miller đã tạo ra tác phẩm của mình trước ông Garau. Chúng tôi biết rằng ông Garau đã biết về tác phẩm đó”.
Thế nhưng, theo trang Artnet, nghệ thuật phi vật chất không phải mới xuất hiện. Nghệ sĩ người Pháp Yves Klein đã trưng bày một phòng trưng bày trống vào năm 1958, gọi là “kiến trúc của không khí”. Nhà điêu khắc người Mỹ Tom Friedman đã lắp đặt một vật thể vô hình trên một đỉnh tháp vào năm 1992 và nó được bán với giá gần 31.000 USD 9 năm sau đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.