Anh đánh em thiệt à?
Tôi nhớ mãi chuyện của vợ chồng anh Thắng, chị Tình ở quê. Chị sống hay đến mức, tôi cho rằng, ngày xưa mà có nhiều câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình như hiện nay, chị xứng đáng được mời làm chủ nhiệm!
Nhà làm ruộng, nuôi heo như hầu hết bà con trong làng. Ngày mùa lúa, khoai nhiều cũng như tháng giêng hai giáp hạt, chị Tình khi nào cũng mặt tươi như hoa. Không cằn nhằn, ủ rủ một chút nào bởi chị nói: có ta thán cũng... rứa! Ai đem tiền, gạo cho mình đâu, ai cũng nghèo khổ như mình mà. Anh Thắng hiền lành, ít nói nhưng cộc tính. Thỉnh thoảng, có chút rượu vào là anh dữ dằn hơn. Hoặc có khi gặp chuyện bức xúc, anh cũng thấy ngứa ngáy, muốn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ nhưng chị Tình luôn luôn làm chủ tình thế, không để chiến tranh xảy ra.
Tôi nhớ có lần đang mùa gặt, anh Thắng và nhóm thợ tất bật ôm, bó lúa và gánh về nhanh kẻo trời mưa ướt lúa. Chị Tình lại không đoán biết trời mưa nên về nhà nấu nồi chè cho cả nhóm ăn bữa lỡ. Vội làm nhưng cũng không kịp nên mọi người đành đụt mưa. Thấy vợ từ dưới bếp đi lên, anh Thắng sinh sự: “Em không vào nấu chè là làm kịp rồi, giờ phải bỏ lúa ngoài đồng”. Chị Tình nói mình về nấu chè chứ có về ở nhà chơi không đâu, với lại em đâu phải... ông trời mà biết mưa, biết nắng? Cứ thế hai người nói qua nói lại, anh chồng cho rằng mình bị vợ cãi, không chịu nghe lời. Sẵn tính sĩ diện, đám thợ gặt cũng đang lắng nghe sự tình nên anh Thắng nổi giận cầm cái đòn gánh định phang cho vợ một cái. Nhưng khi anh mới cầm đòn xóc lên, mọi người đang định nhảy vô can ngăn thì chị Tình tỉnh bơ: “Ơ, ơ anh đánh em thiệt a? Là em nói đùa... được chưa, em xin lỗi, được chưa? Tránh đi để... người ta bưng chè lên ăn nè. Trước sau cũng mưa rồi...”. Cái đòn xóc trên tay anh Thắng tất nhiên nhẹ như... cành hoa! Anh phì cười và bẽn lẽn bỏ nó xuống đất. Những người chứng kiến nói: “Bái phục sự nhẫn nhịn của chị! Chị có sai gì đâu? Là tui a? Chắc thách chồng đánh đi, đánh đi và lãnh sẹo quá!”.
Đừng cố thách
Chồng nào mà không yêu thương vợ nên các chị đừng dại dột biến “yêu thương” thành “hành động… điên rồ” khi đổ thêm dầu vào lửa. Chị Hải ở nhà trọ nơi khu phố tôi là một trong những người “nài nỉ” chồng đánh khi hai vợ chồng xảy ra chuyện cãi cọ. Hàng xóm nhiều phen phải vào can khi anh chồng túm tóc vợ, đá mông vợ như đá banh! Lạ, chị Hải không hề phản kháng gì, không hề nói gì ngoài câu: “Đánh đi, đánh đi. Anh cứ đánh chết tôi đi để khỏi tốn tiền mua thuốc nghe!”. Mọi người cười, lắc đầu khi chị tiếc tiền mua thuốc hơn tiếc… bản thân mình!
Rất may chủ nhà trọ chị Hải ở là một thành viên trong câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Bà Lan, chủ nhà trọ, tìm hiểu nguyên nhân sao hai vợ chồng hay cãi nhau, chị Hải thật thà: “Chán, hai vợ chồng bồng theo đứa con bỏ miền Tây lên Bình Dương sống nhưng cũng hổng khá hơn. Con bệnh suốt, chồng làm ít tiền, không đủ đi chợ”. Bà Lan thủng thẳng: “Vợ chồng đánh nhau có ra thêm tiền không?”. “Không”. “Sao mỗi khi bị đánh, không chạy, không cầu cứu ai, lại cứ hô đánh đi, đánh đi, bộ mày ghiền bị đánh à?”. “Không biết, hễ con nổi điên lên là phát ra câu đó”. Bà Lan bảo chị Hải từ nay nếu bị chồng bạo lực, thay vì câu “đánh đi, đánh đi” thì “cô Lan ơi, cứu con!”. Chị Hải hứa thực hiện.
Để đôi vợ chồng trẻ có thêm thu nhập, bà giới thiệu cho chị Hải nhận lột hạt điều gia công. Khi xí nghiệp hết hạt điều để lột, con được 3 tuổi, chị gửi con xin đi làm công nhân. Hai vợ chồng đều đi làm, hết cảnh túng thiếu, nợ nần như trước nên cũng hết nện nhau! Tuy nhiên, cái tên thân mật “Hải đánh đi” vẫn đã chết danh với chị.
Hương Cần
Bình luận (0)