Nghĩ gì khi giá vé máy bay đi Singapore chỉ 25 USD?

03/03/2005 14:17 GMT+7

Việc hãng Hàng không Tiger Airways - hãng Hàng không giá rẻ của Singapore tuyên bố bắt đầu từ 1/4/2005 sẽ chính thức mở đường bay thẳng từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Đảo quốc sư tử này với giá chỉ có 25 USD thật sự là một tin gây sốc với Hàng không Việt Nam, nhưng là tin vui cho khách hàng trong và ngoài nước, thay vì phải chịu giá quá đắt khi phải bay các chuyến bay trong nước.

Dù đây chỉ là một trong những hãng hàng không giá rẻ của Singapore nói riêng và của các nước trong khu vực nói chung mở đường bay đến Việt Nam đầu tiên, nó không những báo hiệu một cuộc cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực hàng không theo hướng có lợi cho người tiêu dùng, mà còn nói lên một điều: trong lĩnh vực đi lại, giá cả ở nước ta quá đắt! Với cự ly 1.700 km từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh và thời lượng bay khoảng gần 2 tiếng đồng hồ (tùy theo từng loại máy bay), hành khách phải bỏ ra số tiền trên 1,5 triệu đồng ( Còn nếu đi tàu, giá vé cũng dao động từ 500.000 đồng - 900.000 đồng).

Thực ra, với giá vé rẻ như trên không phải là hãng này muốn   “lùi một bước, tiến hai bước” như không ít người bình luận, mà nó phản ánh đúng quy luật giá cả, lương bổng và thu nhập của đại bộ phận người dân Việt Nam. Điều này thể hiện ở chỗ, đối với các nước phát triển mức thu nhập (lương) tỷ lệ thuận với giá cả thị trường. Nghĩa là một CBCNVNN hoặc người lao động một tháng lương có thể nuôi sống cả một gia đình (vợ và hai con), trong đó nếu bỏ ra 20% lương thì chỉ cần 8-10 năm sẽ mua được một căn nhà để ở, còn phần dịch vụ đi lại chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với tổng lương hàng tháng của họ. Còn ở nước ta lại khác, lương và giá luôn luôn có tỷ lệ nghịch với nhau. Lương luôn luôn ở mức quá thấp, giá luôn luôn đứng ở mức quá cao. Nếu làm một phép tính sơ , một công chức trẻ mới vào làm ở một cơ quan Nhà nước với hệ số lương 1,86 nhân với mức lương tối thiểu 290.000 đồng (trừ các khoản chi phí như bảo hiểm...) được khoảng 507.000 đồng/tháng. Với mức lương thế này, so với giá một chiếc xe máy để đi lại hiện nay (khoảng 10 triệu), tính ra trên 10 năm vẫn chưa thể mua được. Còn nếu mơ đến một căn nhà, phải mất cả 100 năm!

Và cho dù vừa qua (1/10/2004) đã có quyết định điều chỉnh lương cho những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo hướng giữ nguyên mức lương tối thiểu 290.000 đồng tháng, song nâng hệ số lương lên mức cao hơn (tăng khoảng 30% so với trước), nhưng với mức tăng giá như hiện nay của nhiều mặt hàng, tính ra lương tăng không bù nổi mức trượt giá. Điều đặc biệt, trong khi lương ở mức quá thấp, với thu nhập ngoài lương thì ngành thuế vẫn không thể kiểm soát nổi, thì giá một số loại sản phẩm và dịch vụ đều cao hơn các nước. Thống kê cho thấy, giá dịch vụ vận chuyển cao hơn Singapore khoảng 25%, giá dịch vụ viễn thông, thép, xi măng (giá nói chung) đều ở mức cao.

Rõ ràng, từ sự kiện hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways Singapore tuyên bố áp dụng mức giá tuyến quốc tế giá rẻ như trên, càng thấy sự bất hợp lý về giá cả đi lại ở nước ta hiện nay nói riêng và nếu nhìn xa hơn một chút giữa mức thu nhập theo hệ số lương và giá cả hiện hành nói chung! Nguyên nhân sâu xa thì có nhiều, song tựu chung lại thể hiện ở 3 vấn đề lớn: Quản lý tài chính yếu kém, thiếu minh bạch (thất thoát, tham nhũng và thu nhập ngoài lương không kiểm soát được...), năng suất lao động thấp và tình trạng độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, để giá cả đồng hành với lương và thu nhập của người lao động; để giá các loại hình, dịch vụ, sản phẩm không còn quá bất hợp lý như hiện nay, điều quan trọng phải giải quyết bằng được 3 vấn đề trên.

Nguyễn Trần Dung Thuỷ
(Viện Kinh tế TPHCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.