Nghỉ học phòng Covid-19: Cơ hội giúp học sinh tổ chức lại cuộc sống cá nhân

Bích Thanh
Bích Thanh
20/02/2020 08:32 GMT+7

Do mục đích của việc học online trong thời điểm này chỉ là ôn tập và củng cố kiến thức nên các giáo viên cho rằng đừng nên gây áp lực cho học sinh (HS).

Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), tinh thần tự giác rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu quả của hình thức học trực tuyến. Nếu không quyết tâm học đến cùng thì rất dễ bị cám dỗ bởi mạng xã hội hay game online, không có động lực học tập.
Vì vậy, trong thời gian nghỉ học và thực hiện hình thức học online, để HS không thấy nhàm chán thì đòi hỏi sự phối hợp của giáo viên và phụ huynh. Không dùng kỷ luật để đưa các em vào nền nếp, không dùng điểm số để khống chế. Theo thầy Du, cách duy nhất là giao cho các em nhiệm vụ vận dụng kiến thức đã học và ứng dụng thực tế. Chẳng hạn môn lịch sử giao ứng dụng công nghệ thông tin làm các bản đồ tư duy, hệ thống sự kiện… Còn môn sinh học thì trồng cây và quan sát, hóa học thì chế nước rửa tay sát khuẩn…
Còn thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) thì khuyên có thể cho HS thoải mái một chút, chơi điện tử có chừng mực. “Thầy cô hoặc ba mẹ có thể hướng dẫn các em nghe sách nói (audio book). Chẳng hạn, mỗi ngày có sách nào hay, truyện nào hấp dẫn thì chia sẻ để các con nghe, xem. Hoặc có thể vừa nghe vừa vẽ tranh, đan len, đánh cờ... Đó cũng một cách để chống lại sự nhàm chán, buồn tẻ nếu có”, thầy Bảo gợi ý.
Còn bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục của Microsoft, chia sẻ: “Phụ huynh có thể giúp trẻ thoát khỏi sự nhàm chán bằng cách, nhờ con đọc một cuốn sách, gửi gắm một cách nhẹ nhàng: Tối về kể cho ba/mẹ nghe vì bận quá không có thời gian đọc. Sau đó, khi nghe con kể xong thì có thể đặt câu hỏi, trao đổi khéo léo để con đưa ra nhận định, phân tích các tình huống trong truyện nếu có. Sau đó có thể khuyến khích con xem phim có lời thoại bằng tiếng Anh”.
Tương tự, chuyên gia giáo dục Giáp Văn Dương chia sẻ kinh nghiệm để 2 tuần nghỉ thêm không trôi qua trong mệt mỏi và nhàm chán. Theo ông Dương, gia đình hãy biến thời gian này trở thành cơ hội giúp con em tổ chức lại cuộc sống cá nhân, dạy con học nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm việc nhà, lên kế hoạch học và chơi… Việc làm này được ông Dương nhận xét rằng thiết thực và quan trọng, có những điều quan trọng hơn cả việc học kiến thức ở trường. Mà do trước đây trẻ đến trường, cả ngày lo bài vở nên không ưu tiên học các kỹ năng nói trên. Vì vậy đây là cơ hội các gia đình nắm bắt để rất có thể sau kỳ nghỉ, cả gia đình cùng trưởng thành hơn.
Sẽ buộc thôi việc giáo viên dạy thêm trong mùa dịch
Ngày 19.2, thông tin từ Phòng GD-ĐT TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, UBND TP.Thanh Hóa vừa có văn bản nghiêm cấm giáo viên (GV) trên địa bàn TP dạy thêm trong thời gian đang được nghỉ dạy và học để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND TP.Thanh Hóa yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường; hiệu trưởng các trường học trên địa bàn; Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP.Thanh Hóa chỉ đạo GV không được phép tổ chức dạy thêm. Nếu phát hiện GV tổ chức dạy thêm (kể cả học nhóm) thì GV đó sẽ bị xử lý kỷ luật mức đình chỉ công tác hoặc buộc thôi việc. UBND TP.Thanh Hóa phải ban hành văn bản này là dù UBND tỉnh đã cho HS nghỉ học đến hết tháng 2, nhưng thời gian qua vẫn nhận được phản ánh của phụ huynh về việc có hiện tượng GV tổ chức dạy thêm tại nhà riêng.
Minh Hải
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.