Nghi vấn quanh dự án sân bay Trung Quốc xây ở Campuchia

24/12/2019 19:00 GMT+7

Việc một nhà thầu Trung Quốc được cho là đang xây dựng sân bay quốc tế Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong của Campuchia khiến nhiều người hoài nghi mục đích thật sự đằng sau dự án này.

Biến Campuchia thành tiền đồn quân sự?
Theo tờ The New York Times ngày 23.12, khi được nhà thầu Trung Quốc hoàn thành vào năm tới, sân bay quốc tế Dara Sakor vốn nằm trong một công viên quốc gia ở tỉnh Koh Kong, miền tây nam Campuchia sẽ có đường băng dài nhất nước này. Gần đó, các công nhân đang đốn cây trong công viên quốc gia để nhường chỗ cho việc xây dựng một cảng nước sâu đủ để chứa tàu hải quân.
Công ty Trung Quốc thi công đường băng và cảng thuộc dự án Dara Sakor khẳng định các công trình này phục vụ mục đích dân dụng. Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về câu trả lời của nhà thầu Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), những hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Không gian châu Âu vừa công bố cho thấy đường băng được xây cho sân bay của dự án tại Koh Kong dài khoảng 3.400 m.
Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nhận định với chiều dài như vậy, đường băng ở Koh Kong có thể đáp ứng hoạt động của mọi loại máy bay quân sự trong không quân Trung Quốc.

Dựng bảng quảng cáo một công trình xây dựng thuộc dự án Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong

Chụp màn hình The New York Times

Mọi hoạt động cho dự án Dara Sakor và nhiều dự án khác của Trung Quốc gần đó làm dấy lên mối quan ngại rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch biến Campuchia thành một tiền đồn quân sự.
“Tại sao người Trung Quốc lại xây đường băng ở đây? Điều này sẽ cho phép Trung Quốc phô trương sức mạnh không quân ra khắp khu vực, và thay đổi toàn bộ cuộc chơi”, theo tờ The New York Times dẫn lời Sophal Ear, nhà khoa học chính trị tại Đại học Occidental ở thành phố Los Angeles (Mỹ).
Gây bất ổn định khu vực Đông Nam Á
Giới chức quân đội Mỹ cho biết từ dự án Dara Sakor dọc theo bờ biển, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận độc quyền nhằm mở rộng căn cứ hải quân Campuchia, mặc dù Bắc Kinh luôn phủ nhận điều này.

Một dự án xây dựng của Trung Quốc tại khu đầu tư Dara Sakor

Chụp màn hình The New York Times

“Chúng tôi lo ngại đường băng và cơ sở hạ tầng cảng tại Dara Sakor được xây dựng cho mục đích quân sự, do quy mô của nó vượt quá nhu cầu cơ sở hạ tầng hiện tại và tương lai đối với mọi hoạt động thương mại”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn nhận định.
“Mọi bước đi của chính phủ Campuchia trong việc hoan nghênh sự hiện diện của quân đội nước ngoài sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á”, ông Eastburn nói thêm.

Việt Nam và Campuchia lần đầu tiên diễn tập cứu hộ, cứu nạn chung

Thủ tướng Campuchia Hun Sen trước đó bác bỏ các thông tin cho rằng ông định để quân đội Trung Quốc đồn trú ở Campuchia. “Sẽ không có quân đội Trung Quốc ở Campuchia, không bao giờ, và ai nói có thì đấy là một sự bịa đặt. Có lẽ người da trắng muốn kìm hãm Campuchia bằng cách ngăn chúng tôi phát triển kinh tế”, phát ngôn viên Pay Siphan của chính phủ Campuchia tuyên bố.
Thay vào đó, chính phủ Campuchia nói rằng cảng và đường băng của dự án Dara Sakor sẽ biến nơi hẻo lánh trên trở thành một trung tâm hậu cần toàn cầu, giúp “tạo ra những điều kỳ diệu”.

Tàu chiến của Campuchia tại căn cứ hải quân Ream

Chụp màn hình The New York Times

Một điều đáng lưu ý là cách sân bay quốc tế Dara Sakor khoảng 80 km là căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia, căn cứ Ream.
Tờ The Wall Street Journal hồi tháng 7 dẫn nguồn tin thân cận tiết lộ chính phủ Trung Quốc và Campuchia đã bí mật ký thỏa thuận cho phép quân đội Trung Quốc quyền tiếp cận một phần căn cứ này trong 30 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.