Nghĩa mẹ, tình cô

20/06/2009 10:20 GMT+7

(TNO) Mẹ tôi người Thanh Hóa, lớn lên theo học sư phạm rồi về làm dâu đất Nam Định. Mẹ sinh được ba anh em chúng tôi. Những năm trước đổi mới, cha công tác xa nhà, đồng lương giáo viên của mẹ không đủ nuôi lũ chúng tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, thế là, ngoài giờ lên lớp, mẹ phải bươn chải với ruộng đồng kiếm thêm hạt lúa, củ khoai cho chúng tôi ăn học.

Gia đình không có ruộng, mẹ tìm đến bãi bồi lầy lội giữa sông Sắt hay những mảnh đất cằn cỗi để vỡ hoang. Ngày đông lạnh giá, trong chiếc áo mưa căng phồng gió bấc, trên khoảnh ruộng mới khai phá, mẹ cặm cụi móc cỏ gà, cỏ gấu đến bật máu mười đầu ngón tay tím tái. Dưới nắng hè chết cua, mình mẹ âm thầm, nhẫn nại gom từng gié lúa rơi vãi sau thu hoạch. Bà con trong thôn thường gọi đùa mẹ là "nông dân cải tiến". Mẹ chẳng lấy làm buồn, mà vì thế càng thận trọng hơn để trong hoàn cảnh nào cũng giữ gìn được tư cách nhà giáo của mình.

Bận rộn với kế sinh nhai nhưng việc chăm bẵm anh em chúng tôi mẹ chẳng bao giờ bỏ bê. Tôi không thể quên những chiều mưa, ba anh em ngồi quanh mẹ, háo hức, vô tư thưởng thức những bát bánh khoái (đặc sản xứ Thanh) nóng hổi, béo ngậy trong nước mắt hạnh phúc của mẹ.

Mẹ tôi là người mẹ cực kỳ nghiêm khắc. Một lần, tôi lóng ngóng làm đổ nguyên ang mỡ lợn, thứ thực phẩm được mua bằng phiếu thịt của cả nhà, vừa mới được rán xong. Không hề lớn tiếng, mẹ chờ tôi thu dọn sạch sẽ rồi mới gọi lại bảo: “Thế là con đã làm đổ hết số mỡ để dùng trong tháng của cả nhà rồi. May mà chưa bị bỏng. Lần sau làm gì cũng phải nhớ chú tâm hơn đấy”. Chỉ thế thôi mà sau đó tôi đã khóc mãi vì sự đểnh đoảng của mình.

Học đến lớp 5, tôi chính thức trở thành học trò ở trường của mẹ. Là đứa ham phát biểu xây dựng bài nhưng giờ đầu tiên học mẹ, tôi thầm nhủ dứt khoát không giơ tay xung phong. Thế mà, có lẽ do sức cuốn hút từ bài giảng của mẹ, gặp lúc các bạn còn bối rối vì một câu hỏi khó, tôi đã đột nhiên xin trả lời. Được chỉ định, tôi đứng lên. Khi tôi vừa mới cất giọng: “Thưa cô, em…” thì bỗng dưng cả lớp đồng loạt cười ồ. Tôi tức khắc ngồi thụp xuống, mặt đỏ rựng. Mẹ nhắc nhở cả lớp: “Cô đề nghị các em trật tự”, rồi hướng ánh mắt trìu mến, động viên về phía tôi: “Nào, nếu biết thì em hãy chia sẻ cho các bạn cùng biết với”. Nhận được sự khuyến khích từ mẹ, tôi tự tin trình bày lưu loát câu trả lời và được cả lớp vỗ tay tán thưởng.

Năm tôi học lớp 7, mẹ là giáo viên chủ nhiệm của tôi. Có lần, tôi cùng mấy bạn khác nói chuyện riêng trong giờ Toán. Khi biết chuyện, trước lớp, mẹ đã tát tôi một cái. Tôi đứng lặng đi, mắt ầng ậng nước, không phải vì đau mà vì vừa tủi thân, vừa hối hận. Đêm ấy ở nhà, ôm chặt lấy tôi, mẹ khóc: “Cả đời dạy học, mẹ không đánh học trò bao giờ. Thế mà hôm nay mẹ lại đánh con. Mẹ sai rồi, cho mẹ xin lỗi. Nhưng nếu con cứ như thế thì mẹ biết dạy ai”...

Tròn 18 tuổi, tôi bước chân ra cuộc đời rộng lớn. Những lời dạy của mẹ ở nhà, ở trường thời ấy luôn đồng hành với mỗi bước trưởng thành của tôi. Bây giờ, mỗi khi dùng dầu để nấu ăn, tôi lại nhớ đến ang mỡ lợn khi xưa, nhớ tới bài học về sự cẩn thận, tập trung trong công việc. Mỗi lần đứng trước những cám dỗ, nhớ tới cái tát của mẹ, tôi luôn dằn lòng vượt qua để sống xứng đáng với người, với gia đình và cộng đồng. Tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc gấp đôi người khác vì có được một người mẹ thật tuyệt vời, người đã mang lại cho tôi nghĩa mẹ, tình cô mênh mang, sâu đậm, làm hành trang đi suốt cuộc đời...

Nguyễn Ngọc Anh
(TP.HCM)

 

>> XEM THỂ LỆ CUỘC THI

>> XEM TẤT CẢ BÀI VIẾT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.