Nghĩa tình nơi biên giới

01/09/2015 11:08 GMT+7

'Sống mãi với nhau kiểu gì cũng thương nhau thôi mà. Đến con nai con hoẵng trên rừng cũng thế, huống hồ là con người', già Côn Lêm, bản La Lay (xã A Ngo, H.Đakrông, Quảng Trị) vừa nói vừa vuốt chòm râu bạc phếch gió sương.

"Sống mãi với nhau kiểu gì cũng thương nhau thôi mà. Đến con nai con hoẵng trên rừng cũng thế, huống hồ là con người", già Côn Lêm, bản La Lay (xã A Ngo, H.Đakrông, Quảng Trị) vừa nói vừa vuốt chòm râu bạc phếch gió sương.

Bộ đội biên phòng thăm hỏi sức khỏe ông Hồ Văn Linh, một người khuyết tật không nơi nương tựa ở bản La Lay
 
 
 
 
 
 
 
 
Bộ đội biên phòng thăm hỏi sức khỏe ông Hồ Văn Linh, một người khuyết tật không nơi nương tựa ở bản La Lay - Ảnh: Nguyễn Phúc
Những người già ở bản La Lay chẳng thể nhớ những chú bộ đội quân hàm xanh lên sống chung với bà con, với chốn núi rừng thâm u này tự bao giờ. Chỉ biết như những loài chim mang vạn vật về xây tổ, tình cảm giữa đồng bào với bộ đội cứ thế mà nảy sinh, bồi đắp rồi hóa bền chặt bởi một lớp keo vĩnh cửu mang tên... thời gian.
Muốn lên La Lay bây giờ không khó nhưng phải tính toán giờ giấc nếu như không muốn mắc kẹt giữa những cơn mưa ban chiều xối xả.
May mắn thay, chính cơn mưa rừng đã đưa chúng tôi đến nhà Hồ Văn Rẻo (37 tuổi). Hỏi ra mới biết, ông Rẻo là đương kim trưởng bản của bản La Lay. Và cuộc hạnh ngộ ngày mưa, đã là niềm cảm hứng cho vị trưởng bản kể cho tôi nghe câu chuyện dài dằng dặc về nghĩa tình nơi biên giới... Rằng bản La Lay có 58 hộ nhưng đã có 20 hộ nghèo, người dân sống bằng nghề lúa nương nhưng chỉ đảm bảo cái ăn 3 tháng/năm.
“Chúng tôi nghèo nên có nhiều người giúp nhưng họ chỉ cho cái gì đó rồi đi còn bộ đội thì ở lại với chúng tôi mãi. Nếu không có bộ đội, chúng tôi vẫn sẽ sống, như hàng trăm năm trước tổ tiên tôi đã sống, nhưng chắc chắn sẽ không sống tốt như bây giờ”, vị trưởng bản nói, nặng cái lý giản đơn đúng chất của người vùng cao.
Ông Rẻo khoe rằng, dù là bản xa, nhưng 100% các em nhỏ ở La Lay đều được đến trường, phần vì được bộ đội “đài thọ” toàn bộ sách vở trong năm. Chưa hết, 10 hộ khó khăn nhất bản cũng được bộ đội hỗ trợ thường xuyên hằng quý: 300.000 đồng và 5 kg gạo.
“Thương bà con mình phải mò mẫm trong đêm tối, mới đây chính bộ đội cũng đầu tư hệ thống điện đường thắp sáng và chi luôn khoản tiền điện hằng tháng với điều kiện bà con phải đóng tắt đúng giờ, từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau”, ông Rẻo không giấu sự phấn khởi.
Hỏi về câu chuyện bảo trợ ở bản nghèo, thiếu tá Lương Mạnh Hùng, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát Cửa khẩu quốc tế La Lay không xem đó là điều to tát mà ngụng nghịu bảo: “Đồn mình đóng quân trên địa bàn, không giúp bà con thì còn giúp ai”.
Nhưng theo vị trạm trưởng trẻ tuổi này thì bà con cũng... rạch ròi lắm, luôn hăm hở “trả ơn” chứ không phải chỉ biết nhận hoài. Rằng khi bộ đội làm cái chuồng heo, lợp cái mái nhà... bà con đều xắn tay vào làm không công; ngày tết lễ, đồn lúc nào cũng ăm ắp chuối, gà rừng, phong lan... vì bà con mang đến biếu với những lời cầu chúc may mắn.
Và cũng vì xuất phát từ cái tình nên chẳng cần nhắc nhở nhiều, dân bản luôn nguyện là tai mắt của bộ đội, thường xuyên bảo vệ cột mốc biên giới, cấp báo cho đồn nếu phát hiện người lạ lai vảng ở đường biên...
Dựng nhà ở... nước bạn!
Đối diện với bản La Lay (thuộc xã A Ngo), ở bên kia biên giới cũng có một bản làng có tên là La Lay (thuộc H.Sa Muồi, tỉnh Salavan, nước bạn Lào). Người già trong bản La Lay ở A Ngo bảo trước đây, khi việc phân định biên giới chưa rạch ròi, 2 bản La Lay tuy 2 mà là 1, cùng nói chung một thứ tiếng, cùng ngồi chung 1 bếp lửa, cùng chia nhau những con thú rừng khi săn bắn được...
“Dân bản La Lay ở phía bên kia cũng giống như bên này, đời sống còn nhiều khó khăn lắm. Nhiều người chưa có được ngôi nhà đẹp, chưa ăn được bữa cơm no”, thiếu tá Nguyễn Ngọc Anh, cán bộ thủ tục Trạm kiểm soát Cửa khẩu quốc tế La Lay nói.
Thông tin từ trung tá Lê Hữu Chiến, Đồn phó Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay thì vào tháng 4.2015 vừa qua, thực hiện kế hoạch của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Đồn đã triển khai xây dựng 3 nhà đại đoàn kết cho 3 hộ dân Côn Thân, Côn Dõa, Căn Nhật (đều trú bản La Lay, H.Sa Muồi) với trị giá 60 triệu đồng/căn.
Cái nghĩa tình ấy không chỉ hiện hữu trong tình quân dân, mà cả ở trong tinh thần làm việc của lực lượng chức năng của đôi bên. Ví như mới đây, quân y của 2 bên đã tổ chức đợt khám phát thuốc cho 360 lượt người ở bản La Lay và A Sói (H.Sa Muồi). Hay việc năm 2014, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đã tặng cho Đồn công an 71 của phía bạn 1 barie bằng sắt trị giá ngót ngét 20 triệu đồng.
Thế mới nói, chữ tình ở vùng cao, trong trái tim người lính và dân bản ven biên giới luôn chứa chan. Hình như càng lên cao so với mặt nước biển, càng đi xa thị thành, tình cảm ấy lại càng sắc son, bền chặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.