Nghịch lý chuyện học và làm của người trẻ

09/04/2019 15:14 GMT+7

Có nghịch lý là thời đi học thì cắm đầu làm thêm kiếm tiền, đến khi ra trường đi làm lại cuống cuồng với chuyện đi học tiếng Anh hay các kỹ năng mềm,…Nhiều người trẻ bây giờ là nhân vật chính trong những câu chuyện như vậy.

Những nỗi lòng không tên

Ra trường được gần 3 năm, Nguyễn Thị Mỹ Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) than thở: “Mình thấy phí quãng thời gian sinh viên quá, ngày trước cứ xem nhẹ, nghĩ là thôi ra trường vừa đi làm rồi đi học thêm cũng được. Nói chung cũng không hiểu sao nhưng lúc đó suy nghĩ cứ giống như dạng là mình là người dư thừa thời gian, là tuổi trẻ còn dài nên có quyền không cần phải nghĩ ngợi nhiều. Đến giờ thì hối hận cũng không kịp”.


Mỹ Dung kể hôm trước người bạn của cô hỏi “nếu được quay lại thời sinh viên mày sẽ làm gì?”, Dung chỉ vỏn vẹn trả lời lại là sẽ đầu tư học tiếng Anh, vì đó là hối hận lớn nhất của Dung ở thời điểm hiện tại.

“Thời buổi này thiếu tiếng Anh là coi như người lạc hậu. Mà giờ đi làm rồi lười lắm, thời gian cũng bị eo hẹp nữa, ngày xưa dư thời gian thì suốt ngày chỉ ăn, ngủ, rồi chơi bời. Nói chung hối hận và cũng đang chữa lỗi lầm của mình, nhưng nếu mà ngày đó suy nghĩ được như bây giờ thì có lẽ mình đã tốt hơn rất nhiều và không bỏ qua quá nhiều cơ hội tốt trong công việc vì thiếu tiếng Anh”, Dung buồn bã chia sẻ.

Trường hợp như Dung không hề hiếm, thời nay vẫn còn có nhiều bạn sinh viên đang rất lãng phí thời gian của mình.

Người viết làm một cuộc khảo sát nhỏ với nhóm sinh viên ở làng đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM), trong 10 bạn thì đã 8 bạn có những câu chuyện tương tự nhau.

Lịch của các bạn một ngày thường sẽ là sáng nếu không đi học thì ngủ đến 9, 10 giờ và dậy đi chợ nấu ăn hoặc là đi ăn sáng kiêm luôn ăn trưa. Chiều đến trường, tối về dạo đi ăn hay tán gẫu trà sữa với bạn bè rồi về cày phim đến khuya. Và vì ngủ muộn nên nướng ngủ đến sáng mai và vòng tròn lại lặp lại cho ngày hôm sau.

“Nếu bạn nào đi làm thêm buổi tối thì khuya về lại cày phim như thường. Hoặc lâu lâu tụi này tổ chức tiệc tùng thì cũng đến khuya. Nói chung đứa làm thêm thì cắm đầu làm thêm, đứa không làm thì trở thành 'chuyên gia' ăn chơi hay hẹn hò các kiểu. Nhưng chung quy lại là tụi mình lãng phí thời gian nhiều lắm”, H.N.A.P (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nói.

Người viết hỏi: “Tụi em thừa biết là lãng phí thời gian nhưng vẫn thế?”, P. trả lời: “Nhiều lúc cũng không biết sao nhưng ngày trôi qua rất nhanh và nhìn lại mình vẫn chưa làm được gì. Cũng đưa ra mục tiêu là học tiếng Anh, là tham gia các câu lạc bộ để học hỏi thêm kỹ năng nhưng rồi đến giờ vẫn chưa làm được. Nói chung là như những nỗi lòng không tên của sinh viên tụi em”.

"Để từ từ rồi tính tiếp"

“'Để từ từ rồi tính tiếp' là câu nói cửa miệng của tụi em rồi. Nhiều đứa gia đình có điều kiện mà nó còn chuyên tâm làm thêm thì huống gì là những đứa có hoàn cảnh như em. Nên cứ tính được hôm nay rồi chuyện học hành tiếng Anh hay các kỹ năng khác thì ngày mai rồi tính tiếp. Tụi em vẫn học tốt trên trường, đến kỳ thi thì vẫn nghỉ làm thêm để ôn thi”, N.T.H.N (sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) chia sẻ.

Cũng cùng câu chuyện của N. ở hiện tại, là câu chuyện của Trương Văn Thông (cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) của 2 năm về trước. Thông kể: “Ngày ấy mình cũng thế, vì nhà hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ làm vất vả nên mình không muốn là gánh nặng cho gia đình. Thế là suốt mấy năm học đại học, mình chỉ lao đầu làm thêm, mình làm rất nhiều việc. Ra trường mình còn tự hào là không những tự lo chi phí ăn học, mà còn tự mua được xe máy và laptop. Nhưng rồi đến khi đi làm, mình lại thấy ân hận vì kỹ năng ngoại ngữ không có, kiến thức chuyên môn cũng không vững, vì những việc mình làm thêm đều trái chuyên ngành và chẳng bổ trợ được gì cho công việc của mình”.

Thông cho rằng giờ anh chàng không còn tự hào về việc là sinh viên nhưng tự mua được xe máy và laptop, vì cho rằng nhiều bạn của Thông dù hoàn cảnh có khó khăn, vẫn cố gắng làm thêm để trang trải nhưng vẫn sắp xếp thời gian để đi học tiếng Anh ngoài công viên với người nước ngoài, làm thêm thì chọn những việc làm gần với chuyên ngành của mình để học hỏi được nhiều điều, và giờ những người bạn đó đã rất thành công trong công việc, chính vì thế anh chàng rất hối hận.

Gặp Ngô Thị Quỳnh Như (cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) đang đăng ký xếp lớp học Anh văn giao tiếp tại Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và ngoại ngữ TP.HCM, cô nàng chia sẻ rất mệt mỏi chuyện phải sắp xếp thời gian để vừa đi làm vừa đi học ngoại ngữ.

“Mình lập gia đình sớm, giờ vừa công việc, vừa chồng con mà còn phải đi học ngoại ngữ nữa nên mình thấy hận mình của thời sinh viên quá chừng. Chưa hết, có con rồi mà còn phải vác mặt đến mấy lớp đào tạo kỹ năng mềm dành cho sinh viên để học, vì nhiều kỹ năng mình còn thiếu lắm... Khổ lắm, hồi xưa học thì lo làm thêm kiếm tiền, giờ đi làm rồi lại lo quay về học, đúng là nghịch lý với những đứa sinh viên không biết sắp xếp và quản lý được thời gian như mình”, Như than vãn.

Phải biết lên chiến lược cho từng năm học
Anh Trần Trinh Tường, khởi nghiệp với chuỗi Trung tâm tiếng Anh Simple English

Theo anh Trần Trinh Tường, thời sinh viên, bạn cần biết cân bằng và sắp xếp hợp lý để đạt được nhiều mục đích khác nhau. Tránh trường hợp chỉ lo học suốt ngày nhưng thiếu trải nghiệm, thất bại, không rèn luyện kỹ năng. Nhưng cũng đừng chủ quan cho rằng đại học là học đại, học cho qua, và vì mê kiếm tiền, chỉ tập trung hoàn toàn đi làm thêm, vì tiền, để trang trải cuộc sống nhưng quên đi việc học tập ở trường. Để rồi, đến lúc ra đời, có kinh nghiệm làm thêm (chưa chắc liên quan đến ngành bạn học), có được một ít tiền, nhưng trên tay lại không có tấm bằng đại học, thì thật ngang trái biết bao.

Một sinh viên thông minh là biết cách lên chiến lược cho từng năm, học vừa đủ, tiếng Anh nói thật tốt, đi làm thêm để học hỏi kinh nghiệm, để trưởng thành, đi thực tập để hình dung môi trường công sở... Mỗi năm bạn sẽ đạt hoặc chinh phục một thứ gì đó. Chúng ta không thể ôm đồm tất cả cùng một thời điểm hoặc chỉ chọn một thứ mà bỏ hết những thứ còn lại. Hãy học cách quản lý thời gian, cân bằng cuộc sống, biết mình muốn gì và có kế hoạch rõ ràng bạn nhé. Ví dụ các bạn có thể tham khảo 4 năm sinh viên thầy Tường nhé: Năm nhất học tốt ở đại học, làm lớp trưởng, xung phong hoạt động (câu lạc bộ, Đoàn, Đội); năm hai học khá ở đại học, đi làm thêm (4-5 tiếng/ngày), học tiếng Anh; năm 3 học khá ở đại học, đi làm thêm (4-5 tiếng/ngày), học tiếng Anh; năm 4 học khá ở đại học, đi thực tập nhiều công ty (ít nhất 2) để có thêm góc nhìn.

Chúc các bạn cân bằng và quản lý thời gian thật tốt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.