Nghịch lý của chuyện đòi “xem xét lại vụ án Năm Cam”: Trưởng ban chuyên án nói gì?

11/08/2011 00:17 GMT+7

Vừa qua, do có tờ báo nêu ý kiến đề nghị “xem xét lại vụ án Năm Cam và đồng bọn”, khi gặp gỡ PV Thanh Niên, trung tướng Nguyễn Việt Thành, Trưởng ban Chuyên án vụ án này đã trao đổi ý kiến của mình về những việc liên quan. Để rộng đường dư luận, Thanh Niên ghi nhận và phản ảnh các ý kiến của ông.

 

Trung tướng Nguyễn Việt Thành - Ảnh: H.K

Trước thông tin cho rằng “Trong quá trình điều tra vụ án Năm Cam và sau đó, tướng Nguyễn Việt Thành đã có sự tùy tiện...”, ông Nguyễn Việt Thành nói:

“Xuất phát đầu tiên là quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (TCCS). Trong đó, điều 1 là thành lập Ban chỉ đạo điều tra vụ giết người xảy ra tại 17 Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM , tức vụ giết Dung Hà. Phải nắm hệ thống từ đầu đến cuối mới hiểu vì sao Công an Tiền Giang vô cuộc. Điều 2 của quyết định là phân công tôi làm Trưởng ban chỉ đạo, đồng chí Võ Văn Măng, Phó giám đốc Công an TP.HCM, làm Phó ban thường trực. Hai đồng chí Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng C14 và Nguyễn Thế Bình, Cục phó C16, là Phó ban. 4 ủy viên là các đồng chí Trưởng phòng PC14 - Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Công an TP.HCM và đồng chí Nguyễn Mạnh Trung, Phó trưởng phòng PC16 - Công an TP.HCM. Như vậy sao có thể nói tôi một mình tùy tiện được?

Đến quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 19.12.2001 về việc thành lập Ban chỉ đạo đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu xã hội đen ở địa bàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh mới chi tiết hơn. Bộ trưởng phân công tôi làm Trưởng ban chỉ đạo. 3 phó ban là anh Thế Bình; anh Hoàng Tân Việt và anh Út Măng. Các ủy viên đều là những phó giám đốc phụ trách cảnh sát của công an các tỉnh lân cận, trong đó có Nguyễn Chí Phi, Phó giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an Tiền Giang. Quyết định này cũng nêu rõ: “Trưng dụng lực lượng cảnh sát công an các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, BR-VT, Tiền Giang và TP.HCM khi có yêu cầu cần thiết. Tập trung tài liệu, hồ sơ về một đầu mối phục vụ khai thác, đấu tranh chống tội phạm”. Như vậy, nói “người của Tiền Giang lên bắt người của Bình Dương là không đúng” thì không đúng ở chỗ nào?

Trước khi có quyết định này chừng 2 tháng thì có báo cáo của anh Mạnh Trung. Báo cáo rất dài nhưng tôi lưu ý đoạn “đề xuất hướng điều tra tiếp theo” của anh Mạnh Trung lúc đó là cần đưa Hải Bánh về tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang để tránh việc thông cung và có điều kiện bố trí các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác xét hỏi. Khi nhận được báo cáo đó tôi đã phê “Kính gửi anh Bình, Phó cục trưởng C16. Bố trí thời gian để họp. Tôi, anh Bình, anh Việt, anh Út (tức ông Võ Văn Măng - PV), Mạnh Trung để có sự thống nhất. Tôi đã giao Công an Tiền Giang chuẩn bị mọi mặt. Đây là công tác quan trọng cần phải tập trung”. Tại cuộc họp sau đó các ý kiến đều thống nhất với đề xuất của anh Mạnh Trung, biên bản họp vẫn còn. Ý kiến tôi là: “Đồng ý đề xuất của Công an TP.HCM, cho di lý Hải Bánh về trại tạm giam Công an Tiền Giang giao cho tổ điều tra đang khai thác Dũng chim xanh tập trung khai thác Hải Bánh”. Thì đúng như các anh ấy đề xuất chứ tôi có chỉ đạo gì khác đâu?”.

Dư luận đặt vấn đề vụ việc ở Công ty gas Bình Dương không lớn, lại ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và trên thực tế cũng có ý kiến của Viện KSND tối cao. Ông có thể cho biết vì sao Cơ quan điều tra đã bảo lưu quan điểm xử lý các đối tượng liên quan, đặc biệt là với ông Lân?

Ông Lân là Giám đốc Công ty Hưng Thịnh, là chủ Khu công nghiệp Đồng An, còn những đối tượng khác chỉ là người làm thuê ăn lương. Công ty gas Bình Dương thuê đất của khu công nghiệp, ông Lân góp vốn nhưng để cho ông Bằng đứng tên. Lời khai của ông Lân tại cơ quan điều tra và các chứng cứ khác cũng thể hiện là nếu không có sự chỉ đạo của ông ta thì những người khác không dám làm.

Khi ông Lân bị bắt giam thì Liên Khui Thìn cũng có đơn tố cáo. Đơn này do bộ phận phục hồi điều tra của anh Nho thu thập và báo cáo lên Thứ trưởng Lê Thế Tiệm. Khi nhận được báo cáo đó tôi đã bút phê cho bộ phận điều tra xét hỏi Lân và ông ta cũng thừa nhận, tự nguyện làm giấy ủy quyền bán nhà để nộp tiền khắc phục hậu quả. Ông Lân còn viết bản tự khai 30 trang nhưng tôi xem xét rất thận trọng và chưa sử dụng đối với những nội dung trong tự khai ấy...”.

Ông có thể giải thích vì sao có trường hợp giam giữ quá thời hạn?

Lần thứ nhất đưa hồ sơ xin phê giam, Viện KSND tối cao phê hết, nhưng chừa hai ông Hướng và Lân lại. Tôi chỉ đạo củng cố lại chứng cứ đối với ông Lân, vì trong báo cáo thì ông Lân là chủ mưu. Lúc đó đã hết nửa tháng rồi. Khi mang hồ sơ ra đề nghị phê giam lần thứ 2 thì Viện KSND tối cao lại không chịu. Giằng co cho đến khi Viện KSND tối cao đồng ý phê chuẩn thì đã gần hết hạn. Khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an phải kiên quyết giữ ông Lân lại để đối chất với Phùng Long Thất, anh Thế Bình đề nghị phê giam một lần nữa nhưng Viện KSND tối cao không đồng ý. Lúc đó chưa trích xuất được Phùng Long Thất về tới Bộ Công an. Tôi mới điện cho anh Hồng (Văn Danh Hồng, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án hình sự - PV) nói tình trạng như thế, anh Hồng nói thôi, không được, phải thả, thì bữa sau tôi cho thả liền. Đến khi đưa được Phùng Long Thất về thì đâu còn hỏi được gì nữa...

Hoàng Khánh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.