Nghịch lý phí qua trạm - Bài 2: Không sử dụng đường, vẫn phải đóng phí

01/12/2009 23:24 GMT+7

Trả tiền để đi trên những con đường hư hỏng đã ức, song bị thu phí vì những con đường mà mình không hề sử dụng thì đúng không thể hiểu nổi ! Nghe đọc bài

Đường một nơi, trạm một nẻo

Vừa qua, người dân và các doanh nghiệp (DN) vận tải tại TP.HCM  "té ngửa" khi phát hiện trạm thu phí (TTP) đặt trên xa lộ Hà Nội (XLHN) là nhằm mục đích hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), cách đó hơn 4 km.

Trạm này bắt đầu thu phí từ năm 2002, do Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) mua quyền thu phí từ UBND TP. Điều đáng nói là suốt một thời gian dài, trạm XLHN đặt sai vị trí và mập mờ về tên gọi nên đã "âm thầm" thu phí của hàng loạt phương tiện không hề sử dụng đường Điện Biên Phủ. Trong đó, 90% xe tải nặng, container của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM ra vào trung tâm TP theo đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn phải è cổ đóng phí cho đường Điện Biên Phủ. Tương tự, hàng chục ngàn lượt ô tô của người dân trong và ngoài TP lưu thông trên XLHN (do Bộ GTVT đầu tư) cũng phải đóng phí cho đường Điện Biên Phủ (do TP.HCM đầu tư và chuyển giao quyền thu phí cho CII). Sau phản ứng mạnh mẽ của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, trạm dời về vị trí mới (nằm giữa cầu Rạch Chiếc và ngã tư Bình Thái) và lại "gom" luôn lượng xe ra vào cảng Cát Lái (Q.2) thông qua liên tỉnh lộ 25B, vốn chẳng "bà con" gì với đường Điện Biên Phủ!

Như vậy, trong suốt 7 năm qua, "oan phí" mà các phương tiện phải đóng tại trạm XLHN là con số khổng lồ. Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, bức xúc: "Pháp lệnh Phí và lệ phí nêu rõ: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Như vậy, có sử dụng dịch vụ thì mới trả phí. Hàng loạt phương tiện không hề sử dụng đường Điện Biên Phủ mà vẫn bị "móc túi" khi qua trạm XLHN là bất hợp lý, trái với pháp lệnh, gây thiệt hại cho người dân và DN trong thời gian dài".

Trả lời các bức xúc này, UBND TP.HCM khẳng định vị trí đặt TTP XLHN là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Thái Văn Chung cho rằng, dù đặt trạm ở đâu thì cũng đòi hỏi CII phải đảm bảo thu đúng đối tượng, tức chỉ thu phí những phương tiện lưu thông qua đường Điện Biên Phủ đúng theo mục đích thu hồi vốn của trạm XLHN. Mới đây, theo sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, CII đã có phương án miễn thu phí các phương tiện ra vào cảng Cát Lái thông qua liên tỉnh lộ 25B. Tuy nhiên, phía Hiệp hội Vận tải TP.HCM yêu cầu CII phải có thêm phương án miễn thu phí cho số lượng lớn xe lưu thông trên XLHN và từ các đường Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Não rẽ ra XLHN.

Tình trạng "đường một nơi, trạm một nẻo" không phải cá biệt. Trạm Tam Kỳ (Quảng Nam), trạm Bến Thủy (Thanh Hóa) thu phí cho đường tránh qua các địa phương này, song đều đặt trên Quốc lộ 1 nên đã thu tiền oan nhiều phương tiện. Ông Thái Văn Chung cho rằng Thông tư 90 của Bộ Tài chính không quy định TTP cho đường nào thì phải đặt trên đường đó, nên đã tạo "lỗ hổng" phát sinh nhiều trường hợp đóng phí oan. Bởi thực tế cho thấy, đã đặt trạm sai vị trí thì khó lòng mà thu phí đúng đối tượng được.

Thu phí "lậu"

Tháng 10 qua, khi tổ chức phân luồng giao thông để sửa chữa cầu Thăng Long, Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội mới "bất ngờ" phát hiện 3 TTP không phép trên địa bàn huyện Đông Anh. Sau khi phát hiện, thanh tra đã lập biên bản, đình chỉ việc thu phí các trạm này. Theo giải trình của Tổng cục Đường bộ VN, do đoạn đường Thăng Long - Nội Bài có nhiều đường nhánh nên đã lập ra các trạm "con" để tránh thất thu cho trạm chính. Chính ông Mai Văn Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thừa nhận "việc thành lập các TTP này chưa đảm bảo tính pháp lý".

Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng mải miết "chống thất thu", thì trên thực tế, suốt 15 năm qua, nhiều người dân phải è cổ nộp đến 2 lần phí, tại trạm chính và trạm phụ, chỉ trên một đoạn đường ngắn. Điều đáng nói là mặc dù các trạm "lậu" này được tổ chức thu phí công khai trên các đường do huyện Đông Anh và TP Hà Nội quản lý, song suốt một thời gian dài đằng đẵng các cơ quan chức năng vẫn không hề hay biết. Hơn nữa, dù lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng sẽ kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm, nhưng lại không đề cập đến số "oan phí" mà người dân phải đóng tại các trạm "lậu" này và phương án hoàn tiền cho dân.

TTP Sông Phan (trên Quốc lộ 1, xã Hàm Minh, H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) mục đích là thu phí cho cầu Đồng Nai 2 nhưng vị trí thì lại cách cầu Đồng Nai... 150 km, nên suốt gần một năm qua, nhiều người dân và DN dù chưa một lần "biết mặt" cây cầu này vẫn phải ngày ngày "còng lưng" đóng phí. Nghịch lý hơn nữa, cầu Đồng Nai 2 hiện vẫn trong quá trình xây dựng (dự kiến cuối năm nay mới xong) nhưng đã tiến hành thu phí từ đầu năm 2009, lúc vừa động thổ dự án. Dù các cơ quan chức năng khẳng định, vị trí đặt trạm và thời điểm thu phí đều được cấp thẩm quyền phê duyệt, song tình trạng thu sai đối tượng và thu "lúa non" khiến người dân và DN không khỏi bất bình. Đỉnh điểm là vào ngày 30.11, nhiều chủ xe đã nhất định không chịu mua phí và cho xe "nằm vạ" trước trạm Sông Phan. Trước đó, tình trạng này xảy ra tương tự tại trạm XLHN của TP.HCM do các tài xế không lưu thông qua đường Điện Biên Phủ nên không chịu mua phí.

Hôm qua 1.12, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, cho biết Sở từng đề nghị Bộ GTVT chuyển trạm thu phí cầu Đồng Nai sang địa điểm khác, nhưng Bộ trả lời chỉ đổi tên trạm và giao cho nhà đầu tư cầu Đồng Nai thu hồi vốn. Hết thời hạn thu hồi vốn (khoảng 30 năm) thì bàn giao lại trạm. Do vậy, việc đặt trạm ở vị trí này là lâu dài, không phụ thuộc vào việc thu phí cho công trình hay dự án nào! 

Đừng bắt dân đóng thuế 2 lần

"Hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong lĩnh vực cầu đường đang bị lạm dụng. Hầu hết các dự án cầu đường đang thu phí hiện nay đều tận dụng hạ tầng sẵn có, chứ không phải đầu tư xây mới, mà vẫn thu phí là không hợp lý, không đúng bản chất của BOT.

Xa lộ Hà Nội tại TP.HCM đã có sẵn hàng bao nhiêu năm nay, người dân mặc nhiên có quyền đi lại trên đó. Thế nhưng một đơn vị tư nhân chỉ bỏ tiền mở rộng hai bên là được quyền thu phí cả tuyến đường. Hay cầu Cỏ May (ở Bà Rịa - Vũng Tàu) sử dụng hạ tầng cũ, quy mô nhỏ, vốn ít mà cũng đặt trạm thu phí. Ngay cả các dự án đầu tư bằng ngân sách mà thu phí cũng bất hợp lý.

Ngân sách là tiền của dân đóng góp, lấy xây đường rồi lại bắt dân phải mua phí để đi trên con đường đó thì chẳng khác nào bắt dân đóng thuế 2 lần. Hiện nay phí cầu đường đè nặng lên mỗi chuyến xe vận chuyển hành khách và hàng hóa, như vậy, thiệt hại nhiều nhất vẫn là người dân, người tiêu dùng vì tất cả phí cầu đường, phí xăng dầu đều đưa vào giá thành" - ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM.

P.T (ghi)

"Nghiến răng" qua trạm Tào Xuyên

Ảnh: Ngọc Minh

Không chỉ thu phí cao nhất cả nước (đến 160.000 đồng/lượt với container, gấp đôi mức cơ bản của Bộ Tài chính), trạm thu phí Tào Xuyên còn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp vì thu phí cho đường tránh TP Thanh Hóa, nhưng lại đặt trên Quốc lộ 1, "hốt trọn" lượng xe Bắc - Nam và hàng loạt phương tiện của tỉnh Thanh Hóa lưu thông trên Quốc lộ 1 mà không qua đường tránh.

Một nghịch lý nữa là trạm Tào Xuyên bắt đầu thu phí từ ngày 1.1.2009, nhưng vào thời điểm đó, đường tránh TP Thanh Hóa (đoạn từ cầu Quán Nam đến cầu Hoàng Long, dài 10 km) vẫn chưa hoàn thành, mà đến tận cuối tháng 8.2009 mới thông xe. Trong gần 8 tháng, trạm này đã thu "lúa non" không dưới 65 tỉ đồng.

Cao Ngọ - Ngọc Minh

 Phương Thanh - Quế Hà - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.