Nghịch lý trái cây VN: Đoàn kết doanh nghiệp - chuyện xa xỉ

16/07/2009 22:48 GMT+7

Cạnh tranh giá bán, giành giựt thu mua nguyên liệu, trộn lẫn hàng kém chất lượng, không chia sẻ thông tin... Đó là "căn bệnh nan y" của doanh nghiệp (DN) trái cây VN. Bảo họ đoàn kết, chẳng khác nào đòi hỏi một chuyện xa xỉ. Nghe đọc bài

Ta phá giá với ta

Ông Huỳnh Quang Đấu - Giám đốc Công ty dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN cho biết: "Xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm giảm đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có nguyên nhân DN bán phá giá, tự hại nhau. Chẳng hạn, mặt hàng dứa đông lạnh lâu nay xuất khẩu với giá 1.000 USD/tấn, nay nhiều DN chào bán chỉ có 850 USD/tấn. Mặt hàng rau quả đóng hộp cũng bị nhiều DN chào với giá thấp không thể tưởng tượng nổi".

Nhắc đến chuyện doanh nghiệp thiếu đoàn kết, ông Huỳnh Quang Đấu hết sức bức xúc: "Đừng nói đâu xa, ngay công ty của tôi cũng đang bị cạnh tranh không lành mạnh. Từ đầu năm nay, công ty tôi đầu tư giống, vật tư cho nông dân trồng bắp non xuất khẩu. Bây giờ khi đến vụ thu hoạch thì lại bị một doanh nghiệp khác ở Cần Thơ nhảy vào cạnh tranh thu mua với giá cao hơn một chút".

"Xu thế chung muốn tồn tại và phát triển thì các DN phải liên kết lại với nhau. Tuy nhiên, để liên kết DN thì chỉ riêng Hiệp hội không thể làm được mà phải có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước, mà cụ thể là Bộ NN-PTNT"- Ông Huỳnh Quang Đấu - Phó chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN
Tỏ ra bất mãn vì các doanh nghiệp trái cây thiếu sự liên kết, ông Lý Hải Long, Giám đốc xuất khẩu của Công ty Bảo Thanh, kể: "Từ đầu năm đến nay, công ty chưa xuất được container hàng trái cây nào sang thị trường châu u bởi có nhiều DN chào bán với giá rẻ mạt. Thông thường, thanh long xuất với giá 6 USD/kg, nay họ chào bán chỉ hơn 2 USD/kg. Các loại trái cây giá rẻ thường có chất lượng kém, dẫn đến cơ quan chức năng các nước châu u cảnh giác, hạn chế nhập hàng. Đối với mặt hàng trái cây, lợi dụng kẽ hở, nhà nhập khẩu không cần mã số riêng như ngành thủy sản nên những người làm ăn gian dối đã trộn hàng kém chất lượng với hàng được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch. Những DN này còn "mượn" cả giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để xuất khẩu. Sau khi bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu phát hiện, đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn sạch bị cấm xuất khẩu, DN làm ăn chân chính bị thiệt".

Thiệt hại chung

Theo Hiệp hội Rau quả VN, trong 6 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu trái cây bị thu hẹp, trong đó có khoảng 10 thị trường không có đơn hàng xuất khẩu như: Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hungary, Ấn Độ, UAE, Brazil...

Đây không phải là lần đầu tiên Công ty Bảo Thanh kêu gọi chuyện liên kết giữa các DN. Ông Lý Hải Long cho biết: "Trong tình hình kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, khủng hoảng, chúng tôi rất mong muốn được làm việc với các DN uy tín trong việc tìm giải pháp liên kết và tìm đầu ra tốt cho trái thanh long GlobalGAP tại thị trường châu u, Mỹ và các nước khác, nhưng ít khi thấy được hồi âm. Hiện nay chỉ có 4 nhà trồng thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP mà không ngồi lại được với nhau, không liên kết được với nhau, không cùng làm việc, không phối hợp được với nhau thì có thể nói ngành thanh long vẫn sẽ còn gặp nhiều trở ngại. Khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ, đưa ra tiếng nói chung cho ngành thanh long, thời gian kéo dài càng lâu, thiệt hại sẽ rất lớn".

Là một doanh nghiệp xuất khẩu bưởi Năm Roi uy tín, bà Lưu Nguyễn Trà Giang, Giám đốc Công ty Hoàng Gia cũng góp ý: "Hiện nay rất nhiều công ty "ma", làm ăn chụp giựt, thiếu uy tín. Các trường hợp cạnh tranh giá xuất khẩu thì rất nhiều. Ví dụ như công ty tôi xuất khẩu giá 3 USD/kg thì các doanh nghiệp khác bán giá thấp hơn, nhưng dĩ nhiên chất lượng kém hơn. Các nhà nhập khẩu ở nước ngoài mua một lần không đúng yêu cầu thì họ sẽ không mua nữa. Cũng có doanh nghiệp xuất khẩu mua hàng đủ chất lượng của tôi, nhưng lại trộn thêm nhiều loại khác kém chất lượng. Như vậy càng làm ảnh hưởng đến uy tín trái cây VN".

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.