'Nghịch lý' trong giảm nghèo ở Việt Nam

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/09/2018 04:53 GMT+7

Đánh giá kết quả giảm nghèo chưa đồng đều và tiến độ chậm, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ rõ nhiều bất hợp lý trong giảm nghèo giữa các vùng miền.

Nhiều hộ không muốn thoát nghèo để trục lợi chính sách, tỉnh có điều kiện thuận lợi lại tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới cao hơn các tỉnh miền núi khó khăn... là những bất hợp lý mà nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra như những hạn chế của công tác giảm nghèo tại VN.
Giảm nghèo chưa bền vững
Trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả 2 năm (2017 - 2018) triển khai Nghị quyết 76 của QH về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 17.9, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội QH Nguyễn Thúy Anh đánh giá mặc dù đạt được nhiều kết quả song thành quả giảm nghèo chưa bền vững.
Bà Thúy Anh dẫn chứng, tuy đã có 8/64 huyện 30a (huyện thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ - PV) thoát nghèo, 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020.
Bên cạnh đó, 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển KT-XH thuận lợi như Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kiên Giang. Số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo. Đáng chú ý, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, nhiều nhóm dân tộc chỉ đạt mức thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/năm, bằng khoảng 1/5 thu nhập bình quân đầu người của cả nước (37 triệu đồng/năm).
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nói ông rất băn khoăn với bức tranh giảm nghèo qua những con số nêu trên, khi số huyện nghèo mới lại cao hơn số giảm đi. Đánh giá kết quả giảm nghèo chưa đồng đều và tiến độ chậm, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ rõ nhiều bất hợp lý trong giảm nghèo giữa các vùng miền. Dẫn chứng số hộ nghèo phát sinh trong năm 2017 của Thái Bình là 2.506 hộ, trong khi Lai Châu chỉ có 1.581, Nam Định có tới 3.738 hộ trong khi tỉnh Hà Giang chỉ có 2.900 hộ, Chủ tịch QH khẳng định đây là những con số rất mâu thuẫn và đề nghị xem xét lại số liệu, đi sâu phân tích, đánh giá để tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp để chính sách đi đúng đối tượng, đúng mục đích.
Trục lợi chính sách giảm nghèo
Trục lợi chính sách giảm nghèo cũng là một trong những vấn đề mà Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá như là hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, nhất là trong công tác bình xét hộ nghèo. Bên cạnh đó, kết quả phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật còn rất hạn chế. Đặt câu hỏi về vấn đề này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cho biết vừa qua dư luận phản ánh rất nhiều về chuyện cán bộ đưa người thân vào đối tượng danh sách hộ nghèo, hoặc các đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống... để trục lợi và đề nghị Chính phủ cho biết thực tế tình trạng này và con số vi phạm đã xử lý.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung thừa nhận khi xác định hộ nghèo thông qua bình xét thì vẫn còn tình trạng “năm nay nhà tôi là hộ nghèo, đến năm sau tới lượt nhà anh” hay “xin không thoát nghèo”. Tuy nhiên, ông Dung khẳng định từ khi chuyển sang xác định hộ nghèo theo tiêu chí thì tình trạng này về cơ bản đã được khắc phục. Còn tình trạng trục lợi của một số cán bộ xã, huyện thì ông Dung thừa nhận là có. “Chẳng hạn một số xã ở Nam Định, có chủ tịch xã cho con cái đi làm con nuôi để đưa vào danh sách hộ nghèo nhằm hưởng chính sách. Đã có chủ tịch xã phải đi tù vì chuyện này”, ông Dung cho hay.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần đánh giá tình trạng người dân không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách, từ đó đưa ra cơ chế chấm dứt thực trạng này.
Sẽ cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ
Cấm quảng cáo cả rượu, bia trên 15 độ dưới mọi hình thức thay vì chỉ cấm quảng cáo rượu như hiện nay là một điểm mới trong dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia mà Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo vừa trình UBTVQH tại phiên họp sáng 17.9. Dự thảo cũng quy định rượu dưới 15 độ và bia từ 5,5 - 15 độ sẽ không được quảng cáo trong các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh, các phương tiện quảng cáo ngoài trời.
Ngoài ra, việc quảng cáo phải tuân thủ các quy định như nội dung quảng cáo không được có thông tin, hình ảnh uống, thúc đẩy uống rượu, bia; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; không quảng cáo trên các phương tiện giao thông, trên báo hình, báo nói trong thời gian từ 18 - 21 giờ hằng ngày; không quảng cáo trong khoảng cách 200 m so với các cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em... Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Dự thảo luật cũng đưa ra nhiều quy định mới như cấm bán cả rượu và bia cho người dưới 18 tuổi thay vì chỉ cấm bán rượu như hiện nay, đồng thời bổ sung quy định không bán rượu bia trên internet.
Theo báo cáo thẩm tra dự án luật do bà Nguyễn Thúy Anh trình bày tại phiên họp, thường trực ủy ban này thống nhất với quy định không bán, cung cấp rượu bia cho người dưới 18 tuổi, nhưng để đảm bảo tính khả thi cần bổ sung quy định về biện pháp thực hiện. Bà Thúy Anh cho biết, thường trực ủy ban đa số đồng tình việc bổ sung mặt hàng bia vào đối tượng không được bán trên internet. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định này không khả thi và không đồng bộ với việc không cấm quảng cáo mặt hàng này trên internet.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.