Nghiên cứu thành phần vi sinh trong môi trường đặc biệt

28/06/2010 00:17 GMT+7

Chiều qua 27.6, TS Phạm Xuân Hội, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp) cho biết, ông và các cộng sự đã gieo 4 trong tổng số 8 hạt thóc nảy mầm tìm thấy trong đợt gần nhất tại các hố khai quật thuộc khu khảo cổ Thành Dền (H.Mê Linh, Hà Nội). Trong số 4 cây lúa có 3 cây phát triển bình thường, cao 15 - 17 cm; 1 cây rất yếu và còi cọc, mặc dù đã 20 ngày tuổi nhưng mới cao 2 - 3 cm.

“Cây yếu nhất chính là cây lúa duy nhất sống sót trong số 5 hạt thóc nảy mầm trước đó được tìm thấy tại cùng một hố khai quật. Chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt và hy vọng cây lúa này sẽ ngày càng mạnh khỏe”, TS Hội nói. 

10 cây lúa được phát hiện và gieo cấy đợt đầu, từ khoảng giữa tháng 5 vừa rồi phát triển bình thường, hiện đã cao tới trên dưới 50 cm, đẻ rất nhiều nhánh, khoảng 15 - 19 nhánh. Theo TS Hội, tán lá của những cây lúa này đứng và lá hơi hẹp lòng, có sự khác biệt so với những cây lúa Q5 cấy đối chứng. Lúa hiện đại khoảng 60 ngày sẽ làm đòng và trổ bông, hiện những cây lúa này đã có tuổi đời khoảng 45 ngày và chưa có biểu hiện làm đòng. Ông Hội cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn phải tiếp tục chăm sóc và theo dõi quá trình phát triển của những cây lúa đặc biệt này. Chúng tôi đang tiếp tục chờ kết quả của các thí nghiệm khác, tổng hợp để phân tích và xác định chính xác niên đại của chúng, sau đó tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn nếu đúng là lúa có từ cách ngày nay 3.000 năm”.

PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), người trực tiếp chỉ đạo công tác khai quật tại Thành Dền, cho biết đã gửi 3 mẫu sang Nhật Bản phân tích AMS để xác định niên đại. “Các nhà khoa học Nhật Bản thông báo là đã nhận được các mẫu chúng tôi gửi sang. Họ rất quan tâm đến những mẫu này và hứa sẽ sớm đưa ra kết quả phân tích, sớm nhất là sau 1 tháng nữa, muộn là 2 tháng”, bà Dung nói. Theo bà Dung, một nhóm các nhà khoa học khác thuộc Viện Di truyền nông nghiệp cũng đã tiếp nhận mẫu đất lấy tại các hố khảo cổ để tiến hành nghiên cứu các thành phần vi sinh.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.