Hàng trăm công nhân Công ty Wooyang Vina (Hàn Quốc), Q.12, TP.HCM bị ngộ độc thực phẩm hôm 30.6 - ảnh: Thanh Tùng |
Được chứng nhận vẫn sai phạm
Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra bất thường tại TP.HCM trong thời gian gần đây, hôm qua 19.8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM tổ chức hội thảo “Phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP” để mổ xẻ những nguyên nhân; đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm, đặc biệt tập trung vào suất ăn của công nhân.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP, cả năm 2010 chỉ có 734 người bị ngộ độc thực phẩm, nhưng 7 tháng đầu năm nay đã có đến 628 người bị; 3/5 vụ gần đây xảy ra với số lượng lớn và phần lớn là công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN).
Trong 5 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể năm nay, có đến 4 vụ DN đặt các cơ sở nấu từ bên ngoài đưa vào. Việc nấu bên ngoài rồi vận chuyển suất ăn mà không có xe chuyên dùng; thức ăn sau khi mang đến không hâm nóng lại; nhiều công ty chia ca ăn, nên thời gian công nhân ăn các ca sau thức ăn bị giảm chất lượng dễ gây ngộ độc...
Bác sĩ Phạm Kim Bình - Phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP cho biết: Chỉ riêng đoàn thanh tra của Sở Y tế TP (không tính đoàn các quận, huyện) qua kiểm tra 105 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, và bếp ăn tập thể trong 6 tháng đầu năm nay, thì có đến 85 cơ sở vi phạm. Vi phạm phần lớn là sử dụng nguyên liệu chế biến không an toàn (có chứa phẩm màu cấm, hàn the, formol...); điều kiện môi trường chế biến, nhân viên và thiết bị chế biến... không đảm bảo vệ sinh. Đáng nói nhất là, trong số 94 cơ sở được Sở Y tế TP cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, qua kiểm tra có đến 74 cơ sở vi phạm!
Quy định giá tiền hay calo
Ông Hồ Xuân Lâm - Trưởng phòng Quản lý lao động (Ban Quản lý các KCX, KCN tại TP) nói: "Trong các cuộc đình công gần đây, có nhiều cuộc đình công là xuất phát từ bữa ăn. Công nhân bức xúc về suất ăn, nên bỏ bữa”.
Theo ông, tại TP có 13 KCX, KCN, có 955 công ty, doanh nghiệp (DN) với 256 ngàn lao động. Hiện có 199 DN có bếp ăn tại chỗ (tự nấu, hoặc thuê bên ngoài vào nấu); có đến 371 DN nhận suất ăn sẵn bên ngoài; 425 DN phát tiền cho công nhân tự ăn. Có 374 DN ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp suất ăn có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Nhưng, cũng có nhiều DN ký với cơ sở cung cấp suất ăn không đảm bảo vệ sinh.
Một số đại biểu tham dự cho rằng, cần nâng giá suất ăn công nhân (hiện giá bình quân trên dưới 10 ngàn đồng/suất ăn); cũng có ý kiến cho rằng cần quy định về hàm lượng calo... Ông Hồ Xuân Lâm đề xuất: “Nên chăng cần quy định về hàm lượng calo cho suất ăn công nhân. Phía y tế và Trung tâm dinh dưỡng TP soạn tiêu chuẩn lượng calo cần cho các công nhân. Bên cạnh đó cần nâng mức giá suất ăn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất giá suất ăn công nhân 15.000 đồng”.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa nói: “Không chỉ quy về calo, mà còn phải đủ về chất, và cả phải nâng giá thành suất ăn”. Nhưng theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP, nếu chỉ quy về calo thì chưa ổn, vì người ta có thể cho nhiều chất béo để nâng mức calo, nhưng không đủ chất, đủ dinh dưỡng. Vì thế cần đủ chất, đủ dinh dưỡng và đủ calo.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, cái gốc vấn đề là giá thành suất ăn. Nếu DN sử dụng lao động đặt suất ăn quá thấp, thì buộc cơ sở cung cấp suất ăn tìm mua những nguyên liệu rẻ tiền, hàng “chợ chiều”, không đảm bảo chất lượng ATVSTP.
Thanh Tùng
Bình luận (0)