Ngô Đức Hành với một ‘Ballad Khác’ đau đáu nỗi niềm

26/06/2021 16:00 GMT+7

Ballad Khác của Ngô Đức Hành là bước chuyển đầy tính phát hiện cả về nội dung lẫn hình thức biểu đạt. Ngô Đức Hành đã thành công trong cách thể hiện bằng một giọng thơ chân thành, hồn hậu với cấu trúc nhiều tầng lớp, gợi lên bao liên tưởng thú vị, độc đáo.

Thơ Ngô Đức Hành có sự hòa trộn nhiều cung bậc cảm xúc nhưng chủ đạo và xuyên suốt vẫn là những nỗi buồn, lo âu, sự canh cánh bên lòng trước những điều bất công, phi lý đang hiện hữu. Sự tự thức cao độ với tinh thần trách nhiệm của một công dân chân chính đã thôi thúc anh cất lên những tiếng nói từ sâu thẳm tâm can mình. Tiếng nói của một con người đầy nghĩa khí, trung thực, thẳng ngay, thể hiện rõ trong tập thơ Ballad Khác.
Với cá tính đặc biệt và dữ dội ấy, Ngô Đức Hành không chịu đựng được những gì quen thuộc, càng không thể ép mình vào những khuôn khổ sáo mòn. Dù rằng đâu đó, người ta khó chấp nhận với những sự thật được phản ánh theo kiểu của riêng anh. Và cũng vì lẽ đó, người đọc bắt gặp trong thơ Ngô Đức Hành hầu như đều mang những nỗi buồn và sự bất an trước cuộc sống. tôi đi suốt cuộc đời/ đầy giấc/ không còn điều gì để hỏi câu đáng sống/ nụ hôn thời gian ba lần cúi dậm/ cái chết lâm sàng, bề mặt trái tim (cái chết lâm sàng).
Ngô Đức Hành thể hiện những trăn trở của mình bằng những vần thơ viết ra một cách tự nhiên và rất thật: bộc trực, thẳng thắn, đậm chất thế sự nhưng cũng giàu tính trữ tình. Đây là thế mạnh và cũng là điều tạo nên một hồn thơ, một cá tính, một phong cách rất riêng của anh.
anh nhặt núm sầu/ hình dung con người sống để yêu và để khổ/ anh vắt kiệt trái tim/ ướp trong bình thờ phụng (đời cát)
Những âm vang của cuộc đời, của hiện thực đời sống hiện đại khúc xạ qua lăng kính trải nghiệm của nhà thơ. Ở đó, cuộc sống được nhìn nhận dưới cái nhìn của một người từng trải. Cuộc sống ấy, bên cạnh những niềm vui còn ẩn tàng nhiều nỗi bất trắc, nhiều mối lo âu mà con người phải gánh chịu.
em chẳng bao giờ nghe được gì đâu/ anh nói về ngày tin/ em cãi đêm bằng lưỡi mềm huyễn hoặc/ chẳng có ai theo đâu chỉ có hình bóng anh không/ hề dễ nhặt/ ai trong đời không trải buồn đau? (đời cát)
Xã hội thay đổi, quan điểm cũng thay đổi, cái tôi cá nhân dần trở thành chuẩn mực để soi ngắm, đưa ra những “phán xét” mang tính dân chủ nhằm thanh lọc và loại bỏ những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, vô lý... để xã hội được tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào cũng có bản lĩnh như nhà thơ, Ngô Đức Hành đã thể hiện rõ nét, bộc trực tất cả những suy nghĩ của mình trước hiện thực xảy ra trong đời sống. Ballad Khác mang đậm nỗi buồn phẫn nộ, tiếng nói điều trần với xã hội, báo động sự tha hóa, xuống cấp về mặt đạo đức, thói thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm trước đồng loại, phát hiện và đề xuất những quan niệm sống mới...
tôi đâm mắt tôi để được mù lòa/ để không thấy bao điều nhức nhối//... tôi muốn kết liễu đời mình/ hóa vàng/ cả gụi gần và những điều xa lạ/ không buồn nôn mỏi mệt con đường...// tôi chẳng muốn thấy gì/ nghe gì/ chỉ còn lại bóng đêm/ không thai nghén ngày mai mỡ nạc// không có khái niệm/ tiếng khóc/ tiếng cười/ đêm mồ côi bóng tối! (đêm mồ côi)
Chất thơ được hình thành qua những hình ảnh tưởng chừng như vô lý nhưng xem kỹ, nghiền ngẫm lại thì thấy nó rất có lý:
ngày nào tôi cũng quỳ trước số 0/ có thể bạn không tin/ tôi ngồi nặn chiếc pháo đất, nhớ bước chạy vòng/ kiềng chân sáo/ mặt trời, mặt trăng tròn
... loài người đi từ số 0/ săn bắt hái lượm/ về với số 0/ giữa lời cầu nguyện (Số 0).
Mở rộng biên độ phản ánh và tăng cường tính triết luận trong thơ, vì thế, lời thơ hàm súc, không dài dòng, người đọc tự giải mã và tìm ra ý nghĩa sâu xa đằng sau mỗi con chữ, hình ảnh. Như ở bài thơ đầu gối, người đọc cần có kiến văn và liên tưởng với những sự vật, hiện tượng liên quan ngoài đời mới có thể hiểu hết ý đồ mà nhà thơ muốn gửi gắm.
Ngô Đức Hành làm thơ mọi lúc, mọi nơi và Facebook là nơi để anh đưa tác phẩm của mình nhanh nhất, như là cách ghi nhật ký của chính mình, bày tỏ những quan điểm, cách nhìn nhận của riêng anh. Bao nhiêu ẩn ức, dồn nén, nghi vấn được nhà thơ lần lượt đưa vào thơ và cả những giãi bày trên “cõi mạng”. Thơ với Ngô Đức Hành là khát vọng, là tiếng nói riêng, bày tỏ quan điểm của chính mình, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của cái tôi cá nhân trước những điều bất công, ngang trái, những điều bất thường đã và đang diễn ra mà anh đã được nghe, được thấy, hoặc được chứng kiến. Anh coi đó là virus, xem đó là virus, “con virus thân phận”: mỗi ngày nhâm nhi một ly buồn tênh/ mỗi đêm uống tiếng thở dài/ canh hai không còn buồn ngủ/ con virus số trườn qua bóng đêm (virus).
Ấn tượng về tập thơ Ballad Khác là những bài thơ với nhiều liên tưởng mới mẻ, tứ thơ lạ, hình ảnh độc đáo mang tính biểu trưng cao. Điều này mang đến cho độc giả những trải nghiệm của trí tuệ khi thưởng thức tác phẩm thơ ở nhiều góc độ và phải huy động nhiều giác quan. Đọc bài thơ nỗi buồn cỏ, từ hình ảnh ngọn cỏ, lá cây bất giác người đọc phải liên tưởng đến thân phận hèn mọn, nhỏ nhoi của lớp người thấp cổ, bé họng, cả cuộc đời luôn nhận về những thua thiệt, những bất công. Nhà thơ không khỏi nghẹn ngào thốt lên: đám cỏ ơi/ giọt sương chia phần cũng chẳng còn lành lặn/ phận cỏ nâng bàn tay mặt trời khuôn cớm/ những chiếc lá sâu dây máu ăn phần.
72 bài thơ trong tập Ballad Khác là những khúc biến tấu đa dạng với đầy đủ các hình hài, cung bậc. Thông qua đó, nhà thơ gửi gắm tâm sự, gợi mở những điều sâu kín của tâm hồn. Ngô Đức Hành nhận thấy “còn ta chẳng nồng nàn”, bởi: ta gặm nhấm ngày như thể mượn vay/ giá trị ảo đục mờ lý thuyết/ đồng tiền gõ keng mặt trống đồng sự thật/ ta bên ta lừa dối nồng nàn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.