Ngồi chờ Trung ương!

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/03/2020 04:25 GMT+7

Trong kết luận thanh tra vừa công bố, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi sổ đỏ cấp sai quy định cho gia đình nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Thế Tuy.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ khẳng định, UBND TP.Lạng Sơn đã cho bà Hoàng Thị Nga (vợ ông Nguyễn Thế Tuy) chuyển đổi hàng trăm mét vuông đất rừng sản xuất sang đất ở trái với quy định nên phải thu hồi. Trên mảnh đất cấp sổ đỏ sai quy định, gia đình nguyên phó bí thư tỉnh ủy đã xây dựng một căn biệt thự hoành tráng, tầm nhìn bao quát cả TP.Lạng Sơn.
Điều đáng nói ở chỗ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi cấp sổ đỏ “trái quy định” nêu trên diễn ra từ năm 2011, nghĩa là cách đây cả chục năm; và cũng phải sau khi vị quan tỉnh nghỉ hưu được 3 năm (ông Tuy nghỉ hưu từ năm 2017) mới được phát hiện và công khai.
Chẳng cần tới đầu óc phức tạp, người ta cũng có thể hình dung những tiêu cực diễn ra đằng sau những sai phạm nói trên. Bởi dù có bào chữa bằng bất cứ quy định hay quy trình nào thì cũng khó có thể tin lãnh đạo nào của UBND tỉnh Lạng Sơn dám ký quyết định chuyển đổi hàng trăm mét đất rừng thành đất ở rồi cấp sổ đỏ để bà Nga xây dựng biệt thự mà không nghĩ tới chồng bà - cũng là vị phó bí thư thường trực tỉnh ủy đương nhiệm lúc bấy giờ.
Cũng mới hơn 2 năm trước, liên quan tới vụ việc “buôn chổi đót, xây biệt phủ” của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý, cũng chính Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, tỉnh Yên Bái đã có hàng loạt sai phạm trong việc cho phép bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) chuyển đổi hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp, nuôi trồng sang thành đất ở. Đáng nói nữa là ông Giám đốc Sở TN-MT Phạm Sỹ Quý là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đương nhiệm.
Nhưng những vụ việc như ở Yên Bái hay Lạng Sơn chỉ là phần nổi của tảng băng. Để vợ, con, thậm chí là người thân lợi dụng vị thế, quyền lực thực hiện hành vi tư lợi thực tế không hiếm thấy và vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương. Đây thực chất là một loại tham nhũng cần ngăn chặn triệt để, song cho tới nay lại đang lẩn khuất trong những “quy trình” và “quy định”. Nó chỉ bị phát hiện khi các cơ quan T.Ư vào cuộc với sự chỉ đạo của những lãnh đạo ở cấp cao nhất.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, đã rất nhiều lần yêu cầu phải khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, song các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng hằng năm vẫn cho thấy, hầu hết các vụ án tham nhũng lớn vẫn do cơ quan T.Ư phát hiện, xử lý. Sức nóng của chiếc “lò chống tham nhũng” ở T.Ư dường như vẫn gặp khó khăn khi muốn lan tỏa xuống các địa phương.
Trong khi luôn đòi hỏi phải phân cấp, phân quyền, tự chủ, tự quyết trong nhiều vấn đề của địa phương thì thật khó hiểu vì sao trong việc phát hiện sai phạm, các địa phương lại luôn phải ngồi chờ T.Ư?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.