Ngày mùng 3 Tết âm lịch năm 2015, khi dân làng Vĩnh An (xã Vĩnh Khúc, H.Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đang vui xuân thì một nhóm người tổ chức phá chùa An Tháp thuộc địa bàn xã.
Ngôi chùa cổ 300 năm ngang nhiên bị đập đi xây mới khiến dân vô cùng bức xúc - Ảnh: Nam Anh
|
Chùa cổ An Tháp có niên đại khảng 300 năm, nằm trong khu di tích đình Ngu Nhuế (Di tích lịch sử cấp quốc gia) thuộc địa bàn xã Vĩnh Khúc. Năm 2012, khi đình Ngu Nhuế bị phá bỏ hoàn toàn, dân làng đã gửi đơn kiện khắp nơi. Trong khi việc phá đình chưa được giải quyết dứt điểm thì lại xảy ra vụ việc phá chùa An Tháp, khiến cho người dân càng thêm bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (83 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Khúc), nguyên Trưởng ban di tích đình Ngu Nhuế, cho hay: chùa An Tháp vẫn còn rất vững chãi. Năm 2014, chính quyền xã đưa ra lấy ý kiến về việc trùng tu lại chùa, song rất ít người dân đồng tình, mặc dù vậy, UBND xã vẫn trình lên UBND tỉnh để xin phép sửa chữa. Trong khi chờ tỉnh phê duyệt, chính quyền xã lại xin rút văn bản đề xuất sửa chùa về, rồi làm văn bản xin xây mới hoàn toàn. Trong khi văn bản xin xây mới vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì xảy ra việc phá chùa An Tháp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng thôn Vĩnh An cho biết: Trưởng ban quản lý chùa là ông Lương Đình Quyên, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc, Phó ban là thương binh Lê Văn Thắng, bà Nguyễn Thị Lan trực tiếp nằm trong Ban Trụ trì chùa. Những nhân vật này đã tự lập ra Ban Kiến thiết và cùng một số người khác tham gia vào phá chùa An Tháp để xây mới.
Vẫn theo ông Tuấn: “Mặc dù chưa họp bàn, xin ý kiến của dân nhưng họ đã lập hồ sơ xây mới trong khi chưa được phê duyệt. Đúng ngày mùng 3 Tết, lợi dụng lúc người dân và UBND xã đang tổ chức giải bóng đá đón xuân, nhóm người thuộc Ban Kiến thiết đã bất ngờ đập phá chùa An Tháp. Nhận được tin báo của người dân, tôi đã báo cáo Chủ tịch xã, công an xã… đến lập biên bản. Nhưng thật lạ lùng, sau khi mọi người ra về, nhóm người thuộc Ban này vẫn tiếp tục đập phá chùa”.
Cũng theo ông Tuấn và nhiều người dân, động cơ và mục đích của việc phá chùa An Tháp là vì tư lợi cá nhân. “Có một nhà sư ở tỉnh Nam Định hứa sẽ đầu tư kinh phí khoảng 1,93 tỉ đồng để xây chùa, chưa kể số tiền rất lớn của người dân quyên góp. Ngoài ra, những món đồ cổ quý giá trong chùa như tượng phật, đồ thờ, khấu kiện gỗ quý giá… cũng được đem bán khi phá chùa để xây mới. Đã có không ít người về làng trả số cổ vật trên của ngôi chùa An Tháp với giá gần 20 tỉ đồng…”, ông Tuấn thông tin thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên tiếp hai vụ phá đình Ngu Nhuế và chùa An Tháp xảy ra ở Vĩnh Khúc đã dần làm biến mất những di tích của địa phương này. Bên cạnh đó, việc phá di tích chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, dẫn đến mâu thuẫn, cãi cọ, anh em họ hàng không nhìn mặt nhau, đi ăn cỗ không còn ngồi chung mâm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Đình Quyên, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc xác nhận: việc phá chùa An Tháp khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt là có thật. “Ngày mùng 3 Tết âm lịch, khi nhận được tin báo của người dân địa phương, chúng tôi đã đến hiện trường để kiểm tra, lập biên bản, đồng thời yêu cầu dừng ngay việc phá chùa. Tuy nhiên, do lực lượng quá mỏng, chúng tôi không thể có biện pháp cưỡng chế mạnh tay. Sau khi phá xong chùa, ban Hộ tự và Ban Kiến thiết tiến hành xây chùa mới. Chúng tôi đã có những văn bản đình chỉ thi công, đồng thời chờ hướng xử lý vụ việc từ cấp trên”.
Để làm sáng tỏ vụ việc cũng như biện pháp xử lý đối với một nhóm người ngang nhiên đập phá chùa An Tháp, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo UBND H.Văn Giang. Tuy nhiên sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi chỉ nhận được thông tin: lãnh đạo bận đi họp.
Bình luận (0)