Đi dự hội làng Trúc Lâm. Ngôi làng ở ngoại ô phía tây thành Huế vốn nổi tiếng với tre trúc rợp mát (Trúc Lâm có nghĩa là rừng tre) và bây giờ còn thêm tiếng thơm mới: làng thượng thọ.
Năm đó, có hai người con của làng ở xa quê, một nhà văn và một Việt kiều đã ngỏ ý mời hết dân làng xa gần về mở hội vui chơi ở làng. Nhà thơ Trần Nguyên Vấn đã mời thêm ông bạn già là nhạc sĩ Mặc Hy về làng mình chơi. Sáng mồng 3 tết, sau khi cử hành lễ tế ngài khai canh làng Trúc Lâm, dân làng lại bàn bạc việc xây dựng con đường làng và sau cùng là vui chơi.
Ông nhạc sĩ tóc bạc như tiên cầm đàn đứng giữa đình hát tặng các cụ bài hát Hành khúc người cao tuổi. Ông già này đã 75 tuổi mà đứng trước các cụ của làng vẫn phải cúi đầu như một chàng trai trẻ. Bởi lẽ trước mặt ông là hàng chục mái đầu bạc phơ, tuổi đã ngoài 80, 90.
|
Làng có hai chi hội trưởng người cao tuổi
Mười năm sau ngày hội làng năm ấy, có nhiều ông bà cụ trong số đó đã quy tiên nhưng ông Trần Luyến, 77 tuổi - chi hội trưởng người cao tuổi Trúc Lâm - cho hay hiện trong làng vẫn còn vô số các “ôn mụ tra” (tức ông bà già). Chi hội cao tuổi của ông Luyến có 242 hội viên, hầu hết tuổi từ 70 trở lên, trong đó có 50 cụ ngoài 80 tuổi, 15 cụ ngoài 90 tuổi, 3 cụ ngoài 100 tuổi.
Vì lẽ đó, người tuổi thấp nhất là 62 rất ít khi sinh hoạt bởi “xấu hổ” do tuổi mình còn… trẻ quá. Cũng do đông các cụ quá nên mới đây chi hội tách ra thành hai để có chỗ mà ngồi sinh hoạt. Ông Luyến làm chi hội trưởng chi hội 2, ông Trần Lư phụ trách chi hội 1. “Tui năm nay 83 tuổi, nhưng các ôn các mệ bầu làm chi hội trưởng vì còn trẻ, còn sức đi lại” - ông Trần Lư cười khà khà giới thiệu về mình như thế (người Huế gọi ông là ôn, bà là mệ).
Ông Lư đưa chúng tôi đến thăm người cao tuổi nhất làng là cụ Nguyễn Thị Chút, năm mới này được 108 tuổi. Cụ Chút sống một mình trong ngôi nhà thờ, tự lo mọi việc cho bản thân, buổi tối có cô con gái đến ngủ cùng. Ông Lư cho biết mấy năm trước bà cụ còn đi cắt rau, trỉa đậu nhưng sau đó bị ngã nên không làm nữa. Vòng qua xóm Trung, chúng tôi ghé nhà ông Phan Hường, năm nay tròn 100 tuổi.
Ông cụ con trai của cụ Hường tuổi cũng đã ngoài 70, cười ngây ngô như đứa trẻ: “Ôn không có nhà mô, ôn đi chơi rồi”. Chúng tôi nhờ cụ đi tìm bố về cho gặp, ông già lắc đầu: “Ôn ham chơi lắm, đi khắp chỗ biết mô mà tìm”.
“Rứa thì ghé nhà ôn Thám. Ôn ni chỉ mới 99 tuổi thôi” - ông Lư nói. Ông Võ Thám cười nheo nheo hai con mắt, ngồi với vợ là cụ Trần Thị Bé, 97 tuổi, xem đứa cháu đan lồng chim trước hiên nhà. Ông Thám nói tai ông hơi lãng một chút, phải nghe bằng máy trợ thính chứ mắt thì đêm không đèn vẫn tự đi một mình được. Ông bà cụ lấy nhau năm ông 22 tuổi, bà 19 tuổi. Họ quần quật với ruộng vườn đồng áng vất vả lam lũ suốt hơn 70 năm nay nhưng chưa biết bệnh viện là gì.
Đang trò chuyện thì em gái của ông Thám là cụ Võ Thị Cấn sang chơi. “Hắn là em thứ năm của tui, năm ni mới 85 tuổi” - ông Thám giới thiệu về em gái một cách trìu mến. Ba ông bà tuổi đã bát thập, cửu thập mà nói chuyện với nhau như ba đứa trẻ, cười vang cả nhà.
Chữ sạch
Ông Trần Lư đưa chúng tôi ra thăm đình làng, nơi cất giữ phần hồn của ngôi làng có tuổi ngoài 500 năm này. Ngôi đình làng do thập nhị tôn phái (12 dòng họ) góp tiền xây cất, thờ các vị tiền bối vốn là con dân Nghệ An đến khai phá tạo dựng làng từ thời vua Lê Thánh Tôn (năm Quang Thuận thứ 10, tức năm 1469). Cạnh đình làng là chùa làng, gần đó là miếu thờ Khổng Tử. Đối diện đình là miếu thờ âm hồn. |
Ông bà cụ có tám người con, năm gái ba trai, sinh được 40 đứa cháu nội, ngoại. Cụ Quyện kể rằng cả đời cụ cho đến nay vẫn không rời cái cuốc, không làm việc là khó chịu trong người. Mỗi bữa ăn hai chén cơm rau cá mắm muối, có chi ăn nấy. Tối 8 giờ đi ngủ, 3 giờ sáng dậy uống trà. “Bữa mô có đá banh là tui thức coi luôn. Cái món nớ tui mê lắm, không bỏ được”. Bà cụ khoe với chúng tôi: “Tai ôn thính lắm, người đi ngoài đường nói chuyện ôn cũng nghe. Mắt ôn thì đọc sách không cần gương”.
Như để chứng minh lời vợ, ông Quyện cầm cuốn lịch vạn niên, dưới ánh sáng ban ngày trong nhà mờ mờ vậy mà ông đọc vanh vách và tất nhiên không cần kính lão. “93 năm ni bác sĩ không rờ đến người tui. Có đôi ba khi cảm mạo một chút cho vui mà thôi”. Hỏi ông vì sao ông sống lâu và sống khỏe như vậy? Ông cười: “Nhờ khổ cực mà sống lâu”.
Rồi ông giải thích: “Ăn thì ăn gạo ruộng do mình cấy, không được như gạo thơm nàng hương nàng hiếc của nhà giàu. Rau thì rau trong vườn, trồng được thứ chi ăn thứ nấy. Cá thì cá dưới ruộng. Gà vịt cũng mình tự nuôi. Tiền bạc có nhiều mô mà dám ra chợ. Đúng là cả đời chưa biết con cá to, miếng thịt ngon là chi. Chú coi, như rứa có phải là do cực mà sống lâu không?”.
Cả hai ông chủ tịch hội cao tuổi đều nhất quán rằng sự sống bền lâu của dân làng Trúc Lâm tựu trung ở chữ sạch. Sống lương thiện trong sạch, suốt đời chỉ cậy vào sức lao động của mình. Môi trường trong sạch và thức ăn đúng nghĩa là sạch, không lẫn vào một chút hóa chất. Đầu óc trong sạch vì chỉ nghĩ về những điều tốt lành, đặt mình xuống là ngáy kho kho. Cõi tiên là đấy chứ còn đâu nữa.
Theo Minh Tự
Tuổi Trẻ Xuân 2011
Bình luận (0)