Ngôi nhà ốp 10.000 món đồ cổ

15/02/2015 06:40 GMT+7

(TN Xuân) Trong giới mê cổ vật, hiếm có ai 'ăn chơi' bằng người nông dân biệt danh Trường 'khùng' ở Vĩnh Phúc. Ông đem đồ cổ quý giá thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... gắn khắp tường nhà.

(TN Xuân) Trong giới mê cổ vật, hiếm có ai “ăn chơi” bằng người nông dân biệt danh Trường “khùng” ở Vĩnh Phúc. Ông đem đồ cổ quý giá thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... gắn khắp tường nhà.

Ngôi nhà ốp 10.000 món đồ cổ 1Ngôi nhà ốp toàn đồ cổ đầy tâm huyết của ông Trường - Ảnh: Lê Quân
Có lúc ăn bữa trước lo bữa sau, vậy mà ông Nguyễn Văn Trường (53 tuổi, ở thôn Sơn Kiện, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vẫn giấu vợ bán thóc lấy tiền mua đồ cổ. Nhìn lát cắt dọc cuộc đời ông này sẽ thấy đầy éo le với niềm đam mê xa xỉ và không ai tin nổi ông có gia tài cổ vật bát, đĩa, chén, thạp, bình gốm, tiền đồng... đồ sộ đến vậy.
Không gắn lên tường, không giữ được
Vốn là lính chiến đấu ở chiến trường Lào, năm 1985, ông về quê làm ruộng và hành nghề sơn bàn ghế nuôi vợ và hai con. Chàng bộ đội phục viên đến với cổ vật trong những lần đi sơn bàn ghế thuê. “Tớ mê cổ vật từ hồi đó, chính xác là năm 1986. Nhưng phải đến năm 1991 mới có tiền mua mấy món đồ đầu tiên. Khoảng từ năm 1996 đến nay, tớ bắt đầu gắn những thứ mình có lên tường nhà, hòn non bộ, tường rào. Tớ tính, chậm nhất 7 năm nữa sẽ ốp kín ngôi nhà toàn bằng cổ vật”, ông Trường gật gù tâm đắc.
Người chơi đồ cổ, tính nết ai cũng cẩn thận đến từng li từng lai, ông Trường không ngoại lệ. Nhưng thay vì nâng niu từng món trong tủ kính thì ông lại biến tường nhà thành nơi trưng bày, cất giữ vĩnh viễn, bởi theo ông, không gắn là không giữ được. “Mất do bị ăn trộm. Mất do xem rồi đánh vỡ. Tớ lo nhất mất do nghèo túng mà bán đi. Thế là ban ngày đi làm tối về sau bữa cơm là tớ cặm cụi trộn vữa rồi cứ tay trần bốc gắn các món đồ lên. Ban đầu là tường trong ngoài nhà, rồi tường rào, cổng cũng được ốp cổ vật. Chưa thỏa chí, tớ tự mình đắp hòn non bộ, xây khu uống trà mùa hè, mùa đông và dán vào để vừa nhâm nhi trà vừa ngắm”, ông Trường kể.
Cứ thế, ngôi nhà cấp 4 lợp mái fibro xi măng lòng rộng hơn 40 m2 cùng nhiều công trình phụ trên khoảng đất rộng hơn 100 m2 dần được trang trí bằng cổ vật.
Ngôi nhà ốp 10.000 món đồ cổ 2
Giấu vợ bán thóc mua đồ cổ
Mười tám năm kỳ công gắn hàng nghìn cổ vật lên tường nhà tưởng chừng là việc khó khăn nhất, tuy nhiên nếu dõi theo quãng đường sưu tầm hơn 9.000 cổ vật ấy sẽ còn sửng sốt hơn. Ông Trường kể, khi còn đi làm sơn bàn ghế, được đồng tiền công ít ỏi, ông chia thành hai phần, một để phụ vợ nuôi con, số còn lại dành mua cổ vật. Nhưng không phải lúc nào cũng đủ tiền, có lần gặp được món đồ rất ưng ý, giá cả phải chăng, túng quá, ông đành liều giấu vợ xúc thóc đem bán rước đồ về.
Việc ông khiến vợ con phiền lòng nhất là khoảng cuối năm 2000, bí tiền đi săn đồ, ông đánh liều cầm cố sổ đỏ vay lãi 3 triệu đồng rồi lên đường. Món nợ ấy, 6 năm sau mới trả xong khi số tiền cả gốc lãi đã thành 23 triệu đồng. Ông không tiếc công lặn lội ven bờ dọc các dòng sông Hồng, sông Lô... tầm cổ vật. Ông bảo, ngày xưa thuyền bè chở đồ đi lại trên sông nhiều, khó tránh đắm, cứ đến các bãi hút cát ven hai bờ tìm, kiểu gì cũng nhặt được một vài món đồ, may mắn lắm thì được đồ nguyên vẹn còn đa số bị sứt sẹo. Khắp các vùng Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn... không nơi nào chưa từng in dấu chân ông Trường lặn lội. Chẳng thế mà, chuyện ăn đói nhịn khát, đạp xe cả trăm cây số... thành việc mọn với ông. Vài năm trở lại đây, sức khỏe giảm sút, chiếc Dream Tàu cà tàng chắt chiu mãi mới mua được trở thành bạn đường của ông.
Ngôi nhà ốp 10.000 món đồ cổ 4
Ngôi nhà ốp 10.000 món đồ cổ 5Một chiếc đĩa có từ thời Lý mới mua được mà ông Trường rất thích
Cả đời chịu tiếng khùng
Ông Trường chia sẻ, bộ sưu tập của mình tuy đồ sộ mà giá trị kinh tế không cao, vì toàn đồ gốm dành cho tầng lớp bình dân, ít có hàng cao cấp, nhiều nhất chỉ vài trăm nghìn đồng một món. Cả đời chịu tiếng khùng điên, sống trong cảnh bần nghèo để làm ngôi nhà đồ cổ, ông Trường tâm đắc, khi nằm xuống sẽ lưu lại cho đời sau một di sản có giá trị văn hóa. “Ai cũng bảo tôi điên. Nhưng cứ nghĩ đến lúc con cháu đời sau bước vào căn nhà, trầm trồ xuýt xoa với đống cổ vật mà thế hệ trước đã làm, tớ lại có động lực tìm đồ cổ về gắn tiếp”, ông nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.