Ngòi nổ WMD ở Triều Tiên

26/04/2015 06:30 GMT+7

Kho vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của CHDCND Triều Tiên là một thách thức to lớn đối với liên quân Mỹ - Hàn trong trường hợp chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ.

Kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của CHDCND Triều Tiên là một thách thức to lớn đối với liên quân Mỹ - Hàn trong trường hợp chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ.

Ngòi nổ WMD ở Triều TiênTrung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon của CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters
Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời vào năm 2011, nhiều lời đồn đoán cho rằng sự tồn tại của chính quyền Bình Nhưỡng có thể lung lay, và kéo theo đó là sự quan ngại đặc biệt đối với kho vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của CHDCND Triều Tiên. Các chuyên gia phân tích Viện Mỹ - Hàn, Đại học Johns Hopkins, mới đây đã nêu ra những thách thức mà thế giới cần phải xử lý một khi chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ hoặc chiến tranh bùng phát trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ ba hủy diệt
Lỗ hổng tình báo
Lâu nay, tình báo Hàn Quốc luôn cố gắng thu thập càng nhiều thông tin tình báo về các cơ sở WMD của miền Bắc càng tốt, nhưng kết quả thu được hết sức khiêm tốn.
May mắn là phía Seoul cũng nắm được vài thông tin về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, theo Tổ chức Nghiên cứu RAND của Mỹ. Chẳng hạn, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young vào năm 2012 công bố rằng miền Bắc có khoảng 100 địa điểm sản xuất vật liệu hạt nhân, và “chúng tôi nắm trong tay danh sách toàn bộ những điểm đó”.
Hồi năm 2014, một quan chức tình báo Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã âm thầm làm giàu uranium để sản xuất vũ khí hạt nhân tại 3 hoặc 4 địa điểm bí mật. Chưa rõ thông tin về những địa điểm sản xuất các chương trình vũ khí sinh học và hóa học.
Các chương trình WMD của CHDCND Triều Tiên đã có từ nhiều thập niên trước và được cho là đã sản xuất ra một lượng đáng kể vũ khí.
Theo nhiều nguồn phân tích, Bình Nhưỡng đang nắm trong tay từ 10 đến 16 vũ khí hạt nhân, và có thể lên đến 100 vào cuối thập niên này. Mới đây nhất, các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc cảnh báo Triều Tiên có thể đã sở hữu đến 20 đầu đạn. Tuy rất khó để xác định được mức độ tinh vi của chúng, các đánh giá chung cho rằng vũ khí của Triều Tiên có sức phá hủy thấp (khoảng 10 kiloton), thuộc dạng vũ khí đời đầu.
Hiếm có ai biết được nơi cất giấu các đầu đạn trên lãnh thổ nước này, do sự thiếu hụt trầm trọng về thông tin tình báo và cũng không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng giấu các chương trình trong những cơ sở ngầm dưới lòng đất.
Tình báo quốc tế cũng thiếu hụt thông tin nghiêm trọng về chương trình vũ khí hóa học của Bình Nhưỡng. Các chuyên gia của Viện Mỹ - Hàn cho rằng Triều Tiên đã sản xuất các vũ khí đời đầu phóng độc tố thần kinh, hơi ngạt và gây phỏng; cũng như sở hữu một lượng giới hạn các chất độc đáng sợ hơn như VX hoặc GB.
Không những thế, Bình Nhưỡng có thể sở hữu đạn pháo nhồi chất độc hóa học và tồn trữ tác nhân hóa học độc hại ở phía bắc vùng phi quân sự (DMZ). Mặc dù không có cách nào xác định số lượng vũ khí hóa học mà Bình Nhưỡng đã sản xuất, các chuyên gia Mỹ ước đoán năng suất hằng năm của Triều Tiên vào khoảng hàng chục ngàn tấn vật liệu.
Về vũ khí sinh học, giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng nhiều khả năng đã sản xuất dạng vũ khí này, thậm chí còn tồn trữ nhiều là đằng khác. Phía Hàn Quốc trong những năm gần đây nghi ngờ miền Bắc có thể nắm trong tay vũ khí gây bệnh than hoặc đậu mùa, nhưng mới dừng lại ở mức suy đoán.
Nhiệm vụ bất khả thi
Trong trường hợp Mỹ can dự vào những chiến dịch sau khi chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ, hoặc tham gia hỗ trợ Hàn Quốc nhằm vô hiệu hóa một vụ tấn công bất ngờ của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) xuống miền Nam, một trong những ưu tiên của lực lượng liên quân sẽ là làm sao loại bỏ chương trình WMD của Triều Tiên. Trong bản Hướng dẫn chiến lược quốc phòng Mỹ công bố năm 2012, một trong 10 nhiệm vụ hàng đầu của Mỹ trong những năm tới là chống WMD. Mỹ luôn lo ngại KPA có thể sử dụng một số lượng lớn WMD đang nắm trong tay, hoặc nhân rộng cho các kẻ thù tiềm tàng của Mỹ hoặc đồng minh.
Để loại bỏ kho WMD của Triều Tiên, đầu tiên là phải xác định được vị trí của chúng. Thứ hai là kiểm soát được các hậu quả của những vụ tấn công dạng này, bao gồm phòng thủ tên lửa, cứu trợ nhân đạo, khử độc… Kế đến là tiếp cận những nơi chứa vũ khí và xử lý chúng an toàn thông qua việc tháo dỡ các đầu đạn hoặc vô hiệu hóa các cơ chế phóng vũ khí, phong tỏa đường biển để tránh nguy cơ vũ khí rò rỉ khỏi bán đảo Triều Tiên cũng như kiểm soát mọi hoạt động di chuyển của con người và vật liệu độc hại dọc theo đường biên giới. Cuối cùng là tiêu hủy các hệ thống vũ khí nhằm chặn đứng nguy cơ vật liệu độc hại hoặc vũ khí bị di chuyển khỏi chiến trường trong bối cảnh hỗn loạn.
Có thể nói, nỗ lực khống chế và kiểm soát gần như tức thời mọi hậu quả có thể xảy ra sau khi chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ thật sự là một sự đòi hỏi quá mức đối với lực lượng liên quân Mỹ - Hàn.
vũ khí hủy diệt hàng loạtĐội đặc nhiệm tháo gỡ vũ khí hóa học của Mỹ trong một lần tập trận chung với Hàn Quốc - Ảnh: AFP
Chương trình của Lầu Năm Góc nhằm định vị và khống chế các kho vũ khí hạt nhân đã bắt đầu hoàn thiện sau sứ mệnh tìm kiếm “kho WMD” của Iraq từ năm 2003 - 2005. Kể từ đó, quân đội Mỹ cập nhật khái niệm của các chiến dịch, cấu trúc lực lượng và chính sách cho phù hợp.
Trong trường hợp nhúng tay vào việc giải giáp WMD trên bán đảo Triều Tiên, lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ yêu cầu sự trợ giúp kỹ thuật từ lục quân Mỹ, cụ thể là từ các đội vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân. Các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật (được trang bị kỹ năng giám định các cơ sở hóa chất và sinh học) cũng sẽ được điều động, cùng với các nhà hoạch định chiến lược của Lực lượng hỗn hợp thường trực loại bỏ vũ khí WMD (SJFHQ-E) thuộc Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM), nhiều chuyên gia trong ngành của Mỹ và các đơn vị đặc nhiệm của Hàn Quốc. Tất cả các đơn vị này sẽ hợp thành Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp loại bỏ vũ khí WMD (CJTF-E) đặc trách “dọn dẹp” các kho vũ khí nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên.
Công đoạn ngốn nhiều thời gian và nhân lực nhất trong mỗi sứ mệnh giải giáp WMD là kiểm tra và đánh giá các kho chứa hoặc cơ sở sản xuất vũ khí. Bên cạnh đó, phía Bình Nhưỡng chắc chắn luôn bảo vệ chặt chẽ các kho vũ khí của họ nên có thể sẽ mất nhiều giờ, nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần trước khi CJTF-E có thể tiến vào những nơi này.
Theo đánh giá của Viện Mỹ - Hàn, một nơi tồn trữ WMD nhỏ cũng có thể được bảo vệ bởi một lực lượng lên đến 600 người, huống hồ những cơ sở lớn như khu phức hợp Yongbyon, cách DMZ khoảng 320 km. Hậu quả là Mỹ có thể không có đủ nhân lực cần thiết để đồng loạt vô hiệu hóa các địa điểm nguy hiểm, từ đó đối mặt với nguy cơ WMD có thể được vận chuyển sang nơi khác hoặc nhượng lại cho bên thứ ba, khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng thêm khủng hoảng.
Trong khi hầu hết các cuộc thảo luận hiện nay về vấn đề thống nhất Triều Tiên thường tập trung vào các thách thức về chính trị, kinh tế, xã hội, thì sự sụp đổ của chính quyền Bình Nhưỡng có thể tạo nên trở ngại khủng khiếp về mặt an ninh cho Mỹ, Hàn Quốc, Đông Bắc Á và cộng đồng thế giới.
Thách thức hiện hữu và lớn nhất chính là làm sao khống chế được các chương trình WMD của CHDCND Triều Tiên. Sự mơ hồ về vị trí sản xuất và tồn trữ WMD, việc thiếu hụt nguồn nhân lực có năng lực xử lý môi trường nguy hiểm của WMD, cũng như khả năng kiểm soát các kho vũ khí trước khi chúng được chuyển cho bên thứ ba, tất cả đều cảnh báo rằng chiến dịch loại bỏ WMD trên bán đảo Triều Tiên là một trong những thách thức lớn nhất mà liên quân Mỹ - Hàn sẽ đối mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.