TNO

Ngon mà 'kỳ cục' như mắm rươi

04/01/2014 09:11 GMT+7

Từng giọt nước mắm ngã màu vàng xanh, không thơm mạnh bằng mắm nhỉ cá cơm than Phú Yên hay Phú Quốc nhưng vượt trội về độ ngọt dịu.

Từng giọt nước mắm ngã màu vàng xanh, không thơm mạnh bằng mắm nhỉ cá cơm than Phú Yên hay Phú Quốc nhưng vượt trội về độ ngọt dịu.

>> Rau rừng “mừng” hải sản!
>> Buông đũa còn thèm cá dứa Gò Công!

Hơn thế kỷ trước, nhiều người Âu - Mỹ còn bỡ ngỡ trước chén nước mắm nhỉ của ta. Nay, không ít người ngỡ ngàng với chai nước mắm rươi. Có người lắc đầu nói: xạo hoài!

Họ có lý để nghi ngờ. Bởi rươi tươi Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương năm nay, giá từ 370.000 -450.000 đồng/kg tại ruộng, vẫn không đủ hàng bán. Vậy mà, giá một chai mắm nhỉ rươi chỉ 25.000 đồng, loại 500ml.

Nghe chuyện, ông Nguyễn Phúc Ưng Viên thầy thuốc thừa truyền vương triều Nguyễn, ở quận Gò Vấp, TP.HCM, tấm tắc khen: “Giỏi, làm được vậy là rất giỏi!”

Ông Ưng Viên từng nếm qua chả rươi: Nam Ô (TP.Đà Nẵng), Lăng Cô (Huế) cũng như nước mắm rươi: Thạnh Phú (Bến Tre) và duyên hải Trà Vinh. Ông quả quyết rằng, loại rươi nước lợ miền Trung làm chả thơm ngon hơn. Ngược lại, đem ủ mắm thì giống nhuyễn thể nhiều chân trong Nam lại cho vị ngọt trội hơn. Mức bổ dưỡng của loại nước mắm phớt xanh này, có thể sánh ngang với nước mắm cá cơm than làm theo lối thủ công.

 Ngon mà 'kỳ cục' như mắm rươi 1
Mắm rươi được ủ khoảng 10 tháng thì đạt

Thông tin từ Trung tâm Dinh dưỡng bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, trong 100g rươi có 81,9g nước, 12,4g protid, 4,4g lipid... và nhiều muối khoáng vi lượng như canxi, sắt.

Mặt khác loại giun có nhiều lông tơ vừa kể, cũng là vật trung gian của nhiều vi khuẩn ký sinh: Salmonella, E. Coli... gây mầm bệnh, theo lương y Vũ Quốc Trung. Cho nên, cần “làm lông” kỹ và nấu chín rươi sẽ an toàn hơn.

Đằng này, sản phẩm tâm huyết của anh “cành nông” Phương, xứ dừa sáp được tiệt trùng bằng tia cực tím, nên càng an tâm.

Có giai thoại kể rằng, xưa vua Gia Long bôn tẩu quân Tây Sơn, chạy đến vùng biển Trà Vinh. Một số lương dân ở đây dâng lên chén mắm rươi và nồi cơm trắng, giống gạo Đốc Rằn dẻo thơm. Vua nhớ đời!

Ngon mà 'kỳ cục' như mắm rươi 2
Đọt non đã có mắm rươi bầu bạn 

Tiếc rằng, giống lúa mùa miệt láng (ruộng thấp, nước sông lên xuống được) ở đây, đã tuyệt tích từ 10 năm nay. Do vậy, chúng tôi có muốn thử làm vua... chạy giặc, cũng không xong.

Không thể khoanh tay, chúng tôi bèn mượn dĩa đọt: bầu, mướp, khoai lang... luộc và nồi cá bống kèo kho làm phép thử. Từng đọt rau tươi nguyên trông thật giòn ngọt - mát mắt, được “tưới” thêm chất ngọt thuần phác của mắm rươi cho nên vị ngon nâng lên gấp bội. Tốc độ bới cơm của mọi người, hôm ấy, cũng tốc hành luôn.

Buồn thay, con cá kèo nuôi không được thợ bếp khử tanh kỹ, nên lén phản mùi. Chưa chịu thua, về nhà, người viết nổi lửa nồi khác, vẫn với cá kèo nuôi và nước mắm rươi cùng các loại gia vị thông dụng khác. Thật thú vị, muỗng nước cá ngọt dịu dàng, còn da thịt bống lọ lem sáng chói hơn mong đợi.

 

Chưa hết tò mò, tôi thử phối trộn mắm rươi với mắm nhỉ hòn Yến (thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), theo tỉ lệ 1-1, rồi đánh thức chiếc nồi đất, bằng cách kho quẹt. Đúng điệu kho chỉ, không thể thiếu nửa chén nước cơm chắt hoặc nhựa gạo nếp. Chỉ se chưa kịp (giữ lửa riu riu), mới cỡ nửa cọng dây dù mắc võng thì chị chủ nhà bên cạnh vội bước sang phê bình: Đừng mê hoặc hàng xóm bằng mùi đường vị mật! - Không! Mùi mắm rươi, tôi cãi chính. - Vậy, nhớ chia!

Thêm một tin vui khác, theo anh chủ cơ sở nước mắm lạ duy nhất phía Nam, cuối năm 2013, tại hệ thống siêu thị Co.op Mart TP.HCM, đã có mặt loại nước mắm tiến... hoàng thân vua.

 

Tạ Tri (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.