(iHay) Lúa vụ mùa đã gặt xong, nếp mới đầy bồ. Người quê tôi chọn mẻ gạo nếp cái hoa vàng thơm, mẩy nhất làm nên thứ bánh gio trong như hổ phách, ăn mát cả lòng.
>> Dung dị bánh tro chấm đường
|
Những ngày này, đi qua những cánh đồng nếp mới vàng ươm, tôi lại nhớ thứ bánh gio ở quê nhà. Bánh gio, hay nơi khác gọi là bánh tro, là thức quà chẳng xa lạ gì ở đồng bằng Bắc bộ. Vậy mà dù ăn ở đâu, vẫn chẳng thể quên được thứ bánh gio của bà, của mẹ mỗi dịp tháng 10.
Mùa bánh gio ở quê tôi bắt đầu từ tầm tháng 9 năm trước đến tận tháng 3 năm sau. Thời gian này có nhiều gạo nếp mới thơm ngon, sau những bữa cơm mừng lúa mới, cả nhà lại ngả bồ ra làm bánh gio. Bà bảo, cũng là gạo ấy, nhưng biết làm những loại bánh khác nhau mà ăn mới thấy hết được cái ngon của hạt lúa, hạt gạo.
Gọi là bánh gio, vì bánh được làm từ gạo ngâm trong nước gio (tro) của cây cỏ. Bà sai chúng tôi đi lấy cây giá, loài cây chỉ sống ở rừng ngập mặn cửa sông quê tôi. Cũng vì thứ gio đặc biệt ấy mà bánh gio quê tôi ngon nức tiếng xa gần. Mãi đến sau này tôi mới biết, vùng khác người ta còn đốt gio từ những thứ khác: rơm nếp, quả xoan, vỏ bưởi...
Có gio rồi, bà tự tay pha nước, hòa thêm cả chút nước vôi trong. Khâu này quan trọng nhất bởi nhiều quá thì nồng, đắng; ít quá thì bánh nhạt nhẽo. Gạo nếp còn thơm mùi lúa mới đổ vào ngâm, một hai giờ sau ngả sang màu vàng như nghệ. Lá dong, lá chuối chọn lá đẹp, ngâm, rửa sạch, bày ra mâm đồng giữa sân mà gói. Bà vừa làm vừa luôn miệng dạy các cô, các chị tôi, nào là đổ gạo bao nhiêu, cuốn lá lại thành hình ống như thế nào, buộc lạt sao cho chặt,...
|
Người quê tôi có bí quyết luộc bánh gio không bao giờ quên cho thêm vào nồi mấy miếng măng khô để bánh nhanh chín hơn, lại có màu sắc hấp dẫn. Luộc rền lửa, chúng tôi tranh nhau vớt từng xâu, từng xâu bánh vắt lên sào nom thật thích mắt. Vậy mà đâu có được ăn ngay, phải đợi bánh thật nguội, đợi mẹ mang chai mật đổ ra bát mà hít hà, mà háo hức.
Bánh gio chín, gạo trong vắt như màu hổ phách dần dần lộ ra sau lớp lá. Bánh không cầm được vì dính tay, phải lấy ngay lạt buộc mà cắt thành từng khoanh. Bánh ngọt mà thanh, mát và bổ, nhất là khi được thưởng thức trong những buổi trưa sau giờ phơi thóc.
Mang xâu bánh sang cho láng giềng, rồi ngày mai lại được biếu lại vài tấm. Cả làng làm bánh gio mừng lúa mới. Rồi gạo lại cất vào bồ. Chờ đến những ngày tết lại đem ra làm bánh, thêm vào mâm cỗ tất niên một lễ vật cúng ông bà.
Trường Giang
>> Móng heo chiên giòn 'ngon trên từng ngón tay
>> Ngon quá đỗi món gỏi cá dỗi
>> Ngon như bánh đập thịt luộc
>> Giòn ngon gỏi bò 'ôm' rau muống
Bình luận (0)