Mặc dù ngày nay, bánh in bán đầy chợ mỗi khi Tết rục rịch tới, chỉ cần nhoáng cái đã có những chiếc bánh tinh tươm để đón khách, nhưng không khí Tết sẽ trọn vẹn hơn khi gia đình xúm xít lại bên bếp than hồng để làm bánh in.
Thường những ngày 25, 26 tháng Chạp, mẹ đã sai chị hai sang nhà bác Ba hàng xóm mượn khuôn về làm bánh in. Cái khuôn có hình chữ nhật không biết làm bằng gỗ gì mà cầm lên thấy nhẹ tênh, trên đó có 3 cái lõm được chạm khắc rất tỉ mĩ và công phu.
|
Ba nói nằm dưới đáy 3 cái lõm ấy là 3 chữ Phước, Lộc, Thọ, tượng trưng cho những mong muốn tốt đẹp của con người. Trên mâm cơm rước ông bà ngày 30, hoặc trên chiếc bàn đặt trước hiên cúng giao thừa có đĩa bánh in, mâm cúng càng ý nghĩa, trọn vẹn hơn, vì lẽ đó mà ba thường canh ngày 25, 26 để làm bánh.
Trong tiết trời se lạnh những chiều cuối năm, cả nhà quây quần bên nhau cùng bắt tay vào làm bánh. Mấy đứa cháu phương xa về quê ăn tết bắt đầu lao nhao khi thấy bà mang bột làm bánh phơi sương ngoài hiên vào, trong khi ông ngoại đặt một cái nong lớn trải giấy báo sẵn để chuẩn bị nhồi bột.
|
Dù đã lớn, nhưng mỗi khi thấy ba má làm bánh in, anh em chúng tôi cũng nôn náo, háo hức không kém. Hơn chục năm trước, má thường cạo đường bát (còn gọi là đường đen) để cho vào bột, nhưng mấy năm trở lại đây, để chiếc bánh bắt mắt hơn, má chuyển sang dùng đường cát trắng.
Sau một lúc nhào bột và đường quyện chặt vào nhau, ba bắt đầu cho vào khuôn, dùng sức ấn chặt xuống. Khi đã chắc chắn bột được ép đến nỗi “ngộp thở”, má dùng dao gạt bỏ bớp bột nham nhở trên mặt khuôn bánh, sau đó quay úp mặt khuôn lại và lấy chày gõ thật mạnh để những chiếc bánh rơi ra.
Những chiếc chiếc bánh in nên hình nên dạng nằm gọn lỏn trên lớp giấy báo nhìn thật thích mắt. Thấy cảnh này, bọn trẻ con reo lên thích thú như vừa phát hiện điều gì đó rất lạ. Bà ngoại cười xòa: “Chưa ăn được đâu các cháu, phải sấy bánh thật khô đã”. Những chiếc bánh in xong được má xếp cẩn thận lên cái mâm nhôm đặt trên lò than. Má bảo làm vậy để bánh lại đường, không bị mốc và bị bể.
|
Nhìn mấy đứa cháu hích đẩy nhau với ánh mắt đầy ngụ ý, bà ngoại nhoẻn miệng cười, nói: “Năm nay ưu tiên các cháu thưởng thức trước, mà được ăn nguyên cái hẳn hoi chứ không phải ăn rìa bánh hoặc bánh bị sứt mẻ đâu”. Mặc dù, ở Sài Gòn bánh trái không thiếu, nhưng lũ trẻ con vẫn mê tơi những cái bánh do ông bà ngoại làm. Sau khi con cháu được ăn bánh phủ phê, bà ngoại xếp bánh vào hộp, phía trên phủ lớp giấy báo lại, rồi đậy nắp cất vào tủ để dành thiết khách 3 ngày Tết.
Cũng vì cái cảm giác háo hức, rạo rực khi chứng kiến những cảnh tất bật làm bánh in hay nấu bánh tét của ông bà, cha mẹ mà con cháu phương xa luôn mong mỏi được trở về quê khi nhìn thấy bóng dáng những cánh én chao lượn trên bầu trời.
Nguyễn Văn Học (thực hiện)
Bình luận (0)