NGS phải tôn trọng sự thật khách quan

14/03/2010 01:45 GMT+7

Sự phát hiện của một số bạn đọc của Báo Thanh Niên về việc website www.natgeomaps.com/worldmaps.html, thuộc tổ chức National Geographic Society (NGS) uy tín có trụ sở ở Mỹ, đăng một số bản đồ với ghi chú không đúng sự thật về quần đảo Hoàng Sa (tên tiếng Anh là Paracel Islands) đã gây nên một sự bất bình lớn.

>>  Xuyên tạc lịch sử, xúc phạm sự toàn vẹn lãnh thổ VN
>> Hội Địa lý quốc gia Mỹ phát hành bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa

Nhiều người cảm thấy bất bình (trong đó có tôi) bởi vì một tổ chức uy tín về mặt khoa học mà lại đưa ra những thông tin thiếu khách quan và không khoa học như thế.

Thông tin thiếu khách quan thể hiện ở chỗ các tác giả của website này đã chỉ dựa vào lập luận của một bên, cho dù có thể bên ấy đã dùng “vú cả lấp miệng em” để tuyên truyền theo kiểu “dội bom thông tin” với cộng đồng quốc tế rằng lãnh thổ ấy là của họ. Những người chịu trách nhiệm về nội dung của website ấy đã không mảy may tìm hiểu những luồng thông tin khác, những tuyên bố và yêu sách lãnh thổ khác, mà vội vàng đưa ra thông tin ngay theo một bên “mạnh miệng” ấy,
và thế là “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Yêu cầu sửa lỗi sai trên bản đồ do National Geographic S­ociety phát hành

Ngày 13.3, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc bản đồ thế giới do National Geographic Society (Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ) phát hành có ghi chú “China” vào khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ ghi “Paracel Is. China” do National Geographic công bố là sai. Chúng tôi yêu cầu National Geographic sửa lỗi này”.

Theo TTXVN

Thông tin thiếu khách quan ấy bắt đầu từ cách tìm hiểu và chọn lựa thông tin không khoa học. Nhà tương lai học John Naisbitt đã có một câu nói rất hay: “Chúng ta đang ở trong một thời đại ngập tràn thông tin mà vẫn thiếu tri thức”. Câu nói ấy cho chúng ta thấy rằng, hiện nay có rất nhiều luồng thông tin khác nhau, thậm chí trái chiều nhau, vì thế tinh thần khoa học thể hiện ở chỗ phải có tri thức để chọn lựa và sử dụng thông tin một cách đa chiều và khách quan.

Nếu những người chịu trách nhiệm về nội dung trên website ấy có tri thức đầy đủ về công pháp quốc tế thì họ có thể hiểu ngay vấn đề về một lãnh thổ đang là đối tượng tranh chấp như Hoàng Sa. Hiện nay, mặc dù Hoàng Sa đang do Trung Quốc chiếm giữ,  điều đó không có nghĩa là Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Trung Quốc, luật pháp quốc tế cũng như cộng đồng quốc tế đều không công nhận điều đó. Thế giới đã trải qua thời kỳ dã man, khi ấy những kẻ nào mạnh sẽ mở rộng lãnh thổ bằng cách đi xâm lược các quốc gia khác. Luật pháp quốc tế đã xuất hiện và ngày càng hoàn thiện, buộc người ta phải xử sự với nhau một cách văn minh. Một trong những mục tiêu cơ bản của luật quốc tế là đem đến sự công bằng, mà để duy trì sự công bằng đó thì phải bảo đảm sự bình đẳng, hay nói khác hơn là luật pháp quốc tế phải bảo vệ những quốc gia nhỏ bé trước các quốc gia hùng mạnh, hiếu chiến. Chính vì vậy, luật pháp quốc tế từ những năm 40 của thế kỷ XX, được ghi nhận trong điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đã quy định: “… Các thành viên Liên Hiệåp Quốc không được có hành động đe dọa bằng vũ lực hay dùng vũ lực để chống lại quyền bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ một nước nào...”. Thế giới sẽ ra sao nếu các cường quốc cứ cậy sức mạnh của mình, ngang nhiên xâm lược lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào đó, rồi tuyên bố lãnh thổ ấy là của họ đã từ lâu!? Như thế chắc chắn sẽ là không công bằng, sẽ là không tồn tại công lý quốc tế. Khoản 1, điều 33 của Hiến chương cũng tuyên bố thêm về việc các quốc gia khi có tranh chấp phải giải quyết các tranh chấp ấy bằng biện pháp hòa bình. Để làm rõ hơn trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc giải quyết các tranh chấp một cách văn minh, Liên Hiệåp Quốc đã đưa ra Nghị quyết 2625, ngày 24.10.1970. Nghị quyết này nhắc lại việc cấm sử dụng vũ lực như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và mọi sự thụ đắc lãnh thổ có được bằng sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp.

Chủ tịch quận đảo Hoàng Sa khẳng định chủ quyền về Hoàng Sa

Trước thông tin về việc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society) ấn hành bản đồ trong đó quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có ghi thêm chữ “China”, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, khẳng định: "Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, lịch sử và cơ sở pháp lý đã chứng minh điều đó, và chủ quyền đó là không thể tranh cãi. Vừa qua, Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ ấn hành bản đồ, trong đó quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có ghi thêm “China” là hoàn toàn không đúng, sai lệch về lịch sử, bản thân tôi phản đối và coi không có giá trị. Yêu cầu sửa lỗi sai trên bản đồ do National Geographic Society phát hành”. 

Theo TTXVN

Như vậy, mặc dù đang chiếm đóng Hoàng Sa, bằng cách dùng vũ lực để chiếm đoạt Hoàng Sa từ tay của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, Trung Quốc vẫn chưa thể có chủ quyền hợp pháp trên Hoàng Sa, bởi vì biện pháp đó không có sự công nhận của quốc tế, vì nó trái với quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cũng như trái với các quy định của luật pháp quốc tế liên quan. Mà nếu Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, tại sao lại đưa thông tin như là Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc trên website ấy?

Thêm nữa, nếu những người phụ trách website ấy, có thể không có đủ những tri thức về công pháp quốc tế, thì họ cũng có thể có những thông tin khách quan, khoa học bằng cách tìm kiếm các thông tin trên những tạp chí khoa học chuyên ngành. Trên những website như Westlaw, Heinonline có đầy rẫy những bài viết của các chuyên gia uy tín của phương Tây trình bày về tranh chấp này. Trên các bài viết ấy, các tác giả đều nhắc tới quần đảo Hoàng Sa là đối tượng đang bị tranh chấp giữa hai bên. Hay như thông tin trên website  http://www.eia.doe.gov/ của Cơ quan Thống kê năng lượng Chính phủ Mỹ, chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm chữ the South China Sea (Biển Đông theo cách gọi của người phương Tây) thì sẽ có ngay thông tin về tranh chấp này.

Ai cũng có những lúc mắc sai lầm, tuy nhiên quan trọng là thái độ cầu thị trong việc sửa sai. Vì thế, chúng ta hãy chờ sự phản hồi từ NGS, chúng ta tin họ sẽ nhận chân ra sự thật và tôn trọng sự thật đó. 

Đó là một lỗi lầm đáng bị phê phán

Về sự kiện National Geographic Society phát hành bản đồ sai sự thật về Hoàng Sa, chúng tôi đã trao đổi với tiến sĩ Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu biển Đông đang làm việc tại Anh.

* Thưa tiến sĩ Dương Danh Huy, từ góc độ học thuật, ông đánh giá sự khinh suất của National Geographic Society (một tổ chức khoa học được cho là bất vụ lợi) như thế nào? Hành động này phương hại tới lợi ích của Việt Nam ra sao?

- Theo tôi, đó là một lỗi lầm đáng bị phê phán. Trên nguyên tắc National Geographic Society, là một tổ chức trung lập trong các tranh chấp chủ quyền, phải: a) ghi Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, hoặc không ghi là thuộc về một bên nào; b) chỉ dùng tên quốc tế; nếu dùng tên Trung Quốc thì phải dùng cả tên Việt Nam.

Tôi nghĩ đó chỉ là lỗi lầm, vì NGS thường không thiên vị cho bên nào.

Các bản đồ phổ thông như thế cũng không có giá trị pháp lý. Thêm nữa, ý kiến của bên thứ 3 (third party) không có gía trị pháp lý trong tranh chấp chủ quyền. Vì vậy, nếu đó là sự kiện cá biệt thì cũng không có hại cho một phiên tòa trước Tòa án Công lý quốc tế.

Tuy nhiên, việc này vẫn có hại cho chủ quyền VN đối với Hoàng Sa. Thứ nhất, nó có hại trong lãnh vực tuyên truyền, mà đây là một lãnh vực rất quan trọng. Trong tình trạng chưa biết ngày nào mới ra tòa được thì tuyên truyền là một trong những lãnh vực bất bạo động quan trọng nhất. Thứ nhì, bản đồ này có thể kéo theo bản đồ khác. Nếu càng ngày càng nhiều bản đồ ghi quần đảo này là của Trung Quốc thì điều đó sẽ có tác dụng rất nhiều lên kiến thức và tâm lý của mọi người trên thế giới. Tôi có đọc ở đâu, không nhớ nguồn, là nếu cả thế giới cho rằng là của nước X thì cũng có ảnh hưởng tới phán xét của tòa. Vì vậy người VN và Chính phủ VN cần phải phản đối bản đồ này. 

Đỗ Hùng
(thực hiện)

Luật gia Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.