Ngư dân Philippines kỳ vọng đánh bắt ở Biển Đông không phải sợ Trung Quốc

10/07/2016 22:23 GMT+7

Nhiều ngư dân Philippines hy vọng sẽ được đánh bắt mà không phải lo sợ Trung Quốc sau khi tòa quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.

Trong nhiều năm qua, ngư dân ở thị trấn Infanta (tỉnh Pangasinan, Philippines) không hề quan tâm đến chính trị, ngoại giao quốc tế và tranh chấp lãnh thổ, theo Reuters ngày 10.7.
Nhưng điều này đã thay đổi cách đây bốn năm, khi đó tàu Trung Quốc xông vào chiếm bãi cạn Scarborough, ngư trường truyền thống dồi dào của Philippines trên Biển Đông. Và từ đó hơn 1/3 trong dân số 30.000 người ở Infanta là ngư dân phải lâm vào cảnh khốn đốn.
Kể từ năm 2012, tàu hải quân Trung Quốc đã liên tục xua đuổi tàu cá Philippines khỏi Scarborough. Nhiều ngư dân Philippines trở nên khánh kiệt, nhiều người bỏ nghề và tìm công việc khác.
Ngư dân ở thị trấn Infanta nghỉ ngơi trên tàu cá sau một chuyến đánh bắt ở Biển Đông Reuters
Nhưng nay họ hy vọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) vào ngày 12.7 sẽ thay đổi điều này, giúp họ có thể đánh bắt mà không phải lo sợ bị tàu Trung Quốc xua đuổi, đâm húc hay phun vòi rồng.
“Tôi hy vọng Philippines sẽ giành chiến thắng để ngư dân chúng tôi có thể trở lại bãi cạn Scarborough, nơi có nhiều cá để đánh bắt, cải thiện đời sống của chúng tôi”, ông Henry Dao (45 tuổi) nói giữa lúc nhìn thuyền viên của ông sửa chữa một tàu cá bằng gỗ trên bờ biển tỉnh Pangasinan, cách thủ đô Manila khoảng 300 km về phía tây bắc.
“Tôi rất kỳ vọng tòa án ra phán quyết thiên về phía chúng tôi”, ông Dao nói.
PCA sẽ công bố phán quyết vào lúc 11 giờ sáng 12.7 (16 giờ theo giờ VN). Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA vào năm 2013, phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông. Nhưng Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố phớt lờ phán quyết, cho rằng PCA không có quyền tài phán.
Philippines từng nhấn mạnh Manila không muốn nhờ tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng chỉ muốn PCA ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Manila khẳng định “đường lưỡi bò”, cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền lịch sử” dựa vào những bản đồ cũ xưa, là không có cơ sở pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Philippines còn tố Trung Quốc vi phạm UNCLOS vì Bắc Kinh ngăn cản tàu cá Philippines đánh bắt tại ngư trường truyền thống ở bãi cạn Scarborough bị Bắc Kinh chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.
Ngư dân Philippines kỳ vọng sau khi PCA ra phán quyết, Bắc Kinh có thể bị gây áp lực, và họ có thể quay trở lại ngư trường truyền thống tại bãi cạn Scarborough.
Mèo vờn chuột
Ông Rubenado Querubin, thuyền trưởng một tàu cá mới đang lên kế hoạch thực hiện chuyến đánh bắt ngay sau PCA ra phán quyết, ước tính chi phí mỗi chuyến là 120.000 peso (2.500 USD).
Ông Querubin cho hay thủy thủ đoàn của ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đối đầu với Trung Quốc, hoặc là mất trắng nếu họ trở về mà không đánh bắt đủ 7 tấn cá.
“Chúng tôi phải chơi trò mèo vờn chuột với Trung Quốc. Họ ngăn chặn chúng tôi đến gần bãi cạn và điều tàu với binh sĩ có vũ trang xua đuổi chúng tôi”, ông Querubin nói.
Ngư dân ở thị trấn Infanta sửa chữa tàu cá chuẩn bị ra khơi Reuters
Những vụ đụng độ với tàu Trung Quốc có thể đầy nguy hiểm và gây tổn thất nghiêm trọng đối với ngư dân Philippines. Chủ tàu Antonio Gono kể lại hồi tuần rồi một tàu Trung Quốc đâm một tàu cá Philippines, khiến tàu này hư hại nặng không thể quay trở về đất liền.
Ông Luis Madarang, một lãnh đạo ủy ban nông ngư nghiệp của Infanta tự tin PCA sẽ ra phán quyết thiên về phía Philippines.
Ngoại trưởng Philippines, ông Perfecto Yasay hôm 8.7 lại khẳng định Manila sẵn sàng chia sẻ tài nguyên khí đốt tự nhiên và ngư trường với Trung Quốc tại những khu vực tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, cho dù Manila có thể thắng kiện.
Tuy vậy ông Madarang phàn nàn rằng “Thật không công bằng khi Trung Quốc có mặt tại Scarborough hoặc thậm chí chia sẻ tài nguyên biển tại đây, bởi vì Philippines sở hữu 100% bãi cạn này”.
Tuy nhiên, một số ngư dân lại không ngần ngại việc chia sẻ ngư trường với Trung Quốc, miễn là họ có thể đánh bắt mà không bị cản trở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.