Ngư dân sợ âu thuyền: 'Mắc cạn' vì công trình xây cảng

23/12/2015 09:42 GMT+7

Cùng với nhiều bất cập về âu thuyền, thời gian gần đây hàng trăm ngư dân ở xã Lộc Vĩnh (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) lại gặp khó do cửa biển truyền thống bị chặn để xây dựng, nâng cấp cảng Chân Mây.

Cùng với nhiều bất cập về âu thuyền, thời gian gần đây hàng trăm ngư dân ở xã Lộc Vĩnh (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) lại gặp khó do cửa biển truyền thống bị chặn để xây dựng, nâng cấp cảng Chân Mây.

Phương tiện bị mắc cạn ở cửa biển mới Lạch Giang ngày 8.12 - Ảnh: Đình ToànPhương tiện bị mắc cạn ở cửa biển mới Lạch Giang ngày 8.12 - Ảnh: Đình Toàn
Cho đến bây giờ dù đã 2 tuần trôi qua nhưng nhiều ngư dân trên 2 chiếc thuyền của ông Phan Định và Phạm Hiền ở thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ tai nạn ở cửa biển Lạch Giang vừa được xây dựng.
Vụ tai nạn xảy ra khoảng 4 giờ sáng ngày 8.12, khi 2 chiếc thuyền vươn khơi thì bị mắc cạn rồi bị sóng đánh lật nhào. Rất may không có thiệt hại về người nhưng gần 200 người dân phải mất nhiều công sức mới cứu nạn được hai chiếc thuyền. Theo người dân, đây là “giọt nước tràn ly” sau nhiều tai nạn, sự cố tại cửa biển này. Ông Nguyễn Xuân Đàn, Trưởng thôn Bình An 2 cho hay sau vài tháng cửa biển nhân tạo Lạch Giang hoạt động, không thể tính nổi số tàu thuyền bị gãy chân vịt, bánh lái do mắc cạn, ngư dân chỉ biết nuốt nước mắt chứ chẳng biết gọi ai. Theo số liệu của UBND xã Lộc Vĩnh, hiện có ít nhất 120 chiếc thuyền với hàng trăm lao động biển khó thể ra khơi giữa lúc đang là vụ Bắc - vụ xuất hiện nhiều loại hải sản ngon nằm ở vùng bãi ngang, khiến người dân rất bức xúc.
Làm trái tự nhiên
Theo UBND xã Lộc Vĩnh, cửa biển Lạch Giang lộ rõ những bất cập kể từ cơn bão số 3 (giữa tháng 9 năm nay) sau khi xuất hiện tình trạng sạt lở (đoạn và bờ phía tây khoảng 4 m) và nạn bồi lấp (từ bờ ra giữa dòng lạch khoảng 8 m). “Thay cửa Chu Mới bằng cửa Lạch Giang nhưng khi làm, họ không hề tham khảo ý kiến bà con ngư dân chúng tôi. Cửa Lạch Giang nằm vùng bãi ngang, lại xây ở hướng đông là hoàn toàn trái với tự nhiên. Hướng bắc là hướng khuất, còn hướng đông là hướng nhạy cảm, sóng gió thường dồn về kéo theo việc bồi biển, sạt bờ là khó tránh khỏi. Với cửa biển nhân tạo này chúng tôi chỉ có thể chờ đến khi có dòng nước lên (nước nổi) mới đưa thuyền ra khơi, nhưng như thế chẳng khác nào đánh bạc” - ông Nguyễn Hải, ngư dân ở thôn Bình An 1 bức xúc.
Ông Nguyễn Xuân Đàn cho biết, khi có ý định lấp cửa biển tự nhiên Chu Mới để làm công trình, thôn đã kiến nghị chủ đầu tư xem xét, trong đó đề xuất nếu làm cửa biển khác thì cần chú ý đến một vị trí có tên là “Cửa Lỗ”. Đây cũng là cửa khơi thông ra biển có từ nhiều đời, là nơi tiếp giao của ba nhánh sông chảy ra biển nên sức nước đổ về biển mạnh, khó bị bồi lắng. Không chỉ thế, vị trí này chỉ cách cửa Lạch Giang “nhân tạo” hiện nay 100 m. “Nếu làm ở Cửa Lỗ thì sẽ phải đền bù di dời 15 hộ dân. Có lẽ sợ đội vốn là lý do khiến chủ đầu tư ngần ngại nên vẫn mở cửa biển Lạch Giang không hiệu quả như hiện nay” - ông Đàn nói.
Trước bất cập nêu trên, ngày 17.9, UBND xã Lộc Vĩnh đã có công văn kiến nghị gửi đến Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô về việc khơi thông cửa biển Lạch Giang, đặc biệt là làm kè chắn sóng để khắc phục nạn bồi lắng, sạt lở. Đề xuất không được đáp ứng nên tháng 10.2015, UBND xã tiếp tục gửi tờ trình lên UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thế nhưng vẫn chưa có kết quả. “Chưa tính được những thiệt hại kinh tế, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân thì cửa biển này bị bồi lấp dễ dẫn đến việc biển mở cửa thông mới. Mà như thế thì cuộc sống của người dân ba thôn Bình An 1, 2 và Phú Hải 1 với hơn 4.000 người (1.000 hộ) sẽ gặp nguy hiểm” - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, ông Lê Công Minh lo lắng.
Dân và chính quyền đều bức xúc và lo lắng. Vậy mà qua trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Tuệ, Phó giám đốc Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (chủ đầu tư đường trục chính cảng Chân Mây) nói rằng đặc thù tàu thuyền ngư dân xã Lộc Vĩnh là loại nhỏ nên cửa Lạch Giang vẫn đảm bảo tàu thuyền ra vào. Không chỉ thế, hằng ngày ông quan sát vẫn thấy “tàu thuyền bà con ra vào cửa biển bình thường”, đơn vị thi công vẫn thường nạo vét khi cửa biển bị bồi lắng. Ông Tuệ cũng thông tin thêm cửa Lạch Giang là cửa biển tạm thời, khi bến cảng số 3 cảng Chân Mây xây dựng hoàn thành thì sẽ có những giải pháp khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.