Người Bana giữ rừng

09/02/2019 14:17 GMT+7

Tây nguyên đại ngàn luôn thẳm sâu những kỳ bí, tột quý. Nơi ấy, vạn vật hữu linh như xác tín cho cuộc mưu sinh của những dân tộc bản địa dãy Trường Sơn.

Người Bana luôn tôn thờ thần rừng (yang bri). Và cái không gian làng - rừng từng tồn tại nhiều thế hệ ấy đã được người Bana giữ gìn, tôn quý, đặc biệt ở thung sâu Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai).
Hơn 1.500 người Bana ở Kon Pne cư trú quần quanh dưới thung sâu. Xung quanh là những dãy núi trùng điệp. Trời chưa sáng rõ, anh Đinh Aphui ở làng Kon Kring đã giục vợ nổi lửa bắc nồi cơm. Trong lúc chờ, anh quấn chặt hai ống chân. Chả là mới có mấy cơn mưa, thời điểm này vào rừng thì tha hồ vắt, không chuẩn bị kỹ là làm mồi cho chúng ngay. Ăn vội bát cơm và lấy phần cơm vợ chuẩn bị sẵn, anh bước ra đầu ngõ hú một tràng dài để báo với mọi người. Gần chục cái đầu ló ra trước cửa. Vậy là lên đường.
Đấy là công việc không lạ gì với bao người dân bản địa nơi đây. Họ là nhóm đi tuần rừng. Đoàn đi hôm ấy cả chục người gồm công an xã, trưởng làng, đại diện hộ gia đình. Hồi đêm mới hay tin có nhóm người lạ khả nghi xuất hiện ở vùng rừng giáp ranh với xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum).
Đường vào rừng ẩm ướt, tầng thực bì dày và trơn nhẫy, lại nhiều vắt. Đoàn tuần tra cứ vậy, cắt rừng mà đi. Hết lên dốc trơn lại lần từng mét một để xuống dốc. Tối thì ngủ lại trong những lều được dựng sẵn từ trước. Chiều hôm sau người làng mới thấy đoàn đi về, ai nấy lấm lem, mỏi mệt sau chuyến lội rừng. “Có rừng mới có nấm, có măng ngon rồi nhiều thứ khác nữa”, Aphui nói.
Người Bana giữ rừng1
Người Bana giữ rừng2
Nhiều bảng bảo vệ rừng được người dân đóng khắp nơi
Suốt nhiều năm nay, những nhóm tuần tra cứ vậy thường xuyên rảo khắp các cánh rừng ở xã Kon Pne, đảm bảo có người trong rừng 24/24 giờ. Ông Lê Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Kon Pne, cho biết: “Xã có 397 hộ với trên 1.500 dân, hơn 98% là người Bana. Nhiều năm nay, hầu như tất cả các hộ Bana đều nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Ngoài hơn 2.500 ha rừng thuộc xã quản lý giao, họ còn nhận thêm 3.000 ha của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Tiền nhận khoán chỉ chừng 170.000 - 360.000 đồng/ha/năm song đấy là một nguồn đảm bảo không lo đói. Họ có trách nhiệm với rừng lắm. Nhiều năm nay người dân trong xã không hề phá rừng”.
Chừng ấy người Bana ở Kon Pne là chừng ấy tai mắt. Hễ có động là thông tin ngay đến lực lượng chức năng. Và chính họ cũng sẵn sàng lao vào rừng kiểm tra, dù ngày hay đêm khuya.
Người Bana giữ rừng3
Người dân xã Kon Pne luôn có mặt trong rừng sâu để bảo vệ
Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, cho biết: “Người dân ở xã Kon Pne bảo vệ rừng quá tốt. Họ có ý thức cao. Bởi với số tiền họ nhận khoán trên dưới 3 triệu đồng/hộ/năm không phải là lớn. Nó có tính chất động viên nhiều hơn. Họ nghèo nhưng không tham và tuân thủ pháp luật tốt”.
Ấy vậy song cuộc sống của người dân Kon Pne còn rất nhiều khó khăn. Đây là xã xa nhất Gia Lai với khoảng cách từ trung tâm tỉnh lỵ đến xã lên đến hơn 140 km. Mùa mưa, đường đi rất khó khăn, có khi giao thông bị gián đoạn, cô lập. Ông Đinh Aphir, Trưởng làng Kon Ktonh, hào hứng khi nhắc đến chuyện giữ rừng: “Mất rừng là không được, là có tội với yang bri, là cán bộ giao rừng không tin. Ai vi phạm còn bị làng phạt đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.