Người bệnh thiệt đủ đường

04/11/2017 07:00 GMT+7

Quỹ BHYT tính đến hết năm 2016 kết dư 47.000 tỉ đồng, trong khi người bệnh BHYT lại thiệt thòi đủ đường. Có bệnh nhân mua BHYT chỉ để “phòng thân” mà không dùng đến.

Ngán khám BHYT
Sáng 3.11, ông Đặng Văn Đủ (60 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) đến BV Nhân dân 115 tái khám bệnh do di chứng sau tai biến mạch máu não và cao huyết áp.
Ông Đủ cho biết ông bị tai biến đã hơn 1 năm qua, số tiền mua thuốc mỗi tháng gần 2,6 triệu đồng, nhưng ông chấp nhận bỏ tiền túi thay vì khám và mua thuốc theo BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, nhìn nhận BHXH có nhận được phản ánh về việc chất lượng KCB BHYT thấp, không khỏi bệnh với các trường hợp bệnh nặng, thuốc BHYT không tốt bằng thuốc người dân tự mua. “Bộ Y tế đã phân hạng BV phù hợp với năng lực chuyên môn. Danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật cũng quy định tương ứng với hạng BV, đó là cơ sở cho quỹ BHYT thanh toán. Quỹ BHYT vẫn chấp nhận thanh toán các khoản bội chi nếu chi phí cho người bệnh là hợp lý, không có chuyện quỹ BHYT từ chối thanh toán khi BV đó chi bội quỹ. Bác sĩ điều trị chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của mình trước người bệnh”, ông Sơn nói.

Ông Đủ kể đã mua BHYT hơn 6 năm nay (khám ở BV H.Hóc Môn) nhưng chỉ sử dụng vài lần rồi để đó. “Nếu mình mua thuốc có BHYT thì chỉ trả vài trăm ngàn đồng nhưng uống sẽ không đủ “đô”. Mình mua BHYT là để thủ thân lúc bệnh nặng, nhưng khi bệnh nặng thì không dám sử dụng”, ông Đủ nói.
Một nguyên nhân khác, theo ông Đủ, lúc bị tai biến, ông đến BV khám theo diện BHYT thì bác sĩ yêu cầu cứ ngồi chờ. “Tai biến thì chết đến nơi mà bảo chờ, nên tôi giục con đưa qua khám dịch vụ, chấp nhận đóng 100.000 đồng tiền khám thì được khám liền”, ông Đủ chia sẻ.
Anh Nguyễn Bằng, nhà ở Q.Đống Đa (Hà Nội), cho hay bố anh chạy thận nhân tạo tại một BV ở Hà Nội theo BHYT nhưng thường xuyên bị cảm giác rất mệt mỏi, buốt, không chạy được hết thời gian quy định của mỗi buổi. Một lần, anh đưa bố đến một BV tuyến T.Ư và chạy thận dạng dịch vụ thì kết quả tốt hơn hẳn, không bị triệu chứng trên nữa! Từ đó, gia đình anh bỏ BHYT để đưa bố đi chạy thận dịch vụ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiện (66 tuổi) đón xe đò lúc 21 giờ ngày 2.11 từ An Giang để đến BV Nhân dân 115, TP.HCM lúc 4 giờ ngày 3.11. Dù có BHYT thuộc diện chính sách miễn phí nhưng ông không khám ở An Giang mà lên BV Nhân dân 115 chữa bệnh thiếu máu não, tự trả chi phí hết gần 3 triệu đồng, vì “khám theo BHYT bệnh kéo dài, không dứt”.
Người bệnh bị làm khó
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, kể BV đã đề xuất với BHYT thanh toán cho thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C nhưng chưa được.
Với thuốc mới hiện nay, BN chỉ cần uống trong 3 tháng thì hiệu quả lên hơn 95%, không có tác dụng phụ đáng kể mà chi phí khoảng 40 - 50 triệu đồng. Xét ở quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh thì điều trị viêm gan C bằng thuốc mới mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao hơn khi BN xuất hiện ung thư gan.
“Nếu quỹ BHYT chi đúng giá trị KCB và theo yêu cầu người dân thì đã vỡ lâu rồi, chứ đừng nói kết dư. Việc quỹ dư được là nhờ siết chi bằng mọi giá của BHYT. Cuối cùng chỉ BN thiệt thòi. Đi vào BV thì bị làm khó dễ đủ thứ hoặc từ chối thanh toán nên BN chấp nhận tự trả tiền. BHYT siết chi cho BN bằng nhiều cách, như giảm chi phí tiền thuốc chẳng hạn”, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ.
Theo bà Lan, cần cân bằng các giải pháp để không vỡ quỹ chứ không phải giảm chi, chống lạm dụng quỹ, mà là tăng thu các khoản nợ của BHYT. Các doanh nghiệp nợ BHYT rất nhiều nhưng không có cách nào thu. Bên cạnh đó là đa dạng hóa nhiều mức đóng BHYT theo nhu cầu, theo bệnh trạng tương ứng; giao định phí viện phí hợp lý…
Một bác sĩ là lãnh đạo của BV Phổi T.Ư (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi tiếp nhận không ít BN khi đến đây đã nặng do trước đó được điều trị dài ngày ở tuyến dưới với diễn biến nặng dần lên”. Nguyên nhân, theo bác sĩ này, có thể do khi ở BV tuyến dưới, người bệnh không được chẩn đoán đúng, nhưng cũng có thể do BV cố giữ lại do liên quan đến tài chính. Vì BV nào cũng vậy, có BN là có "khách hàng", có nguồn thu. Đặc biệt, khi chuyển lên BV tuyến trên, chi phí cho BN đó lớn và kinh phí bị quỹ BHYT trừ vào nguồn thanh toán cho BV tuyến dưới, khiến họ vừa mất tiền vừa mất “khách”, thành ra gây khó khăn cho BN.
Một bác sĩ trưởng khoa của BV Bạch Mai, Hà Nội xác nhận chuyển BN lên tuyến trên là mất nguồn thu nên BV tuyến dưới rất “sợ”. Đó cũng là một phần nguyên nhân mà nhiều người bệnh lên đến tuyến trên thì tình trạng đã rất nặng cùng với tập dày bệnh án với rất nhiều kết quả soi chiếu, xét nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.