Người biểu tình Hồng Kông bị chia rẽ

03/10/2014 10:33 GMT+7

(TNO) Sau khi một tổ chức đại diện cho sinh viên Hồng Kông tham gia biểu tình đồng ý đề xuất đối thoại do chính quyền đặc khu đưa ra, nhóm Chiếm Trung Tâm (Occupy Central) cho biết họ hoan nghênh đối thoại, nhưng một số khác giận dữ phản đối.


Đã xảy ra những vụ xô xát nhỏ giữa những người biểu tình tại Hồng Kông - Ảnh: Reuters

Trong khi văn phòng bị bao vây bởi hàng ngàn người biểu tình và căng thẳng dâng cao, Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh hôm 2.10 để tuyên bố từ chối từ chức, nhưng đề xuất đối thoại với Hội Liên hiệp Sinh viên Hồng Kông (HKFS) để tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc.

Ông Lương cho biết sẽ chỉ định Chánh thư ký Carrie Lam đối thoại với HKFS. HKFS là một trong những nhóm đứng sau phong trào biểu tình tại Hồng Kông.

Đề xuất này có vẻ đã xoa dịu lãnh đạo biểu tình, những người từng thề sẽ tăng cường các hoạt động phong tỏa đặc khu nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng, theo AFP.

“Đây là lần đầu tiên kể từ hôm 31.8 một quan chức đồng ý nói chuyện với sinh viên và người dân. Đây là thời khắc quan trọng”, tờ South China Morning Post, có trụ sở tại Hồng Kông, dẫn lời lãnh đạo sinh viên Lester Shum nói với đám đông biểu tình.

Còn nhóm Occupy Central cho biết họ hoan nghênh đối thoại và hi vọng nó sẽ “tạo ra một bước ngoặc cho bế tắc chính trị hiện tại”.

Tuy nhiên, những người khác đã tỏ ra giận dữ trước quyết định ngồi lại đối thoại với chính quyền đặc khu và bắt đầu tiến hành một cuộc biểu tình tự phát chiếm cứ đường Lung Wo, một trong vài tuyến đường còn thông thoáng bên ngoài trụ sở chính quyền đang bị bao vây.

“Chúng tôi ở đây để gia tăng hành động, đây là mục đích của phong trào Chiếm Trung Tâm”, AFP dẫn lời Chris Lau, một kỹ sư vi tính 28 tuổi và là một trong những người đầu tiên ra ngồi chắn giữa đường Lung Wo.

“Mục tiêu vẫn như cũ, đó là đấu tranh cho quyền bỏ phiếu phổ thông thật sự và yêu cầu Lương Chấn Anh từ chức. Nói chuyện sẽ chẳng mang lại kết quả, chỉ có hành động mà thôi”, anh này khẳng định.  

Vào tối ngày 2.10 (giờ địa phương), các sinh viên tham gia biểu tình cũng đã tranh cãi về việc nên hay không nên phong tỏa đường Lung Wo và đã có một vài vụ xô xát giữa người biểu tình, một dấu hiệu bất hòa nội bộ hiếm có, theo AFP.

South China Morning Post khẳng định các vụ xô xát này đã nhanh chóng ngừng lại.

“Tôi không cho rằng nói chuyện với bà Carrie Lam sẽ giải quyết được vấn đề. Chúng tôi đã yêu cầu được nói chuyện với ông Lương, chứ không phải thuộc cấp của ông ta. Chúng tôi hành động ôn hòa nên ông ta chẳng có gì phải sợ cả”, sinh viên Karen Man nói với AFP.

Trước đó, căng thẳng tại khu vực biểu tình cũng dâng cao sau khi cảnh sát Hồng Kông bị phát hiện đang vận chuyển hơi cay và đạn cao su, khiến làn sóng phẫn nộ và báo động lan rộng trong đám đông biểu tình.

Vào hôm 2.10, cảnh sát Hồng Kông dọa sẽ có biện pháp cứng rắn với những ai cố tình xông vào trụ sở chính quyền.

Hoàng Uy

>> Đặc khu trưởng Hồng Kông tuyên bố không từ chức
>> Anonymous tuyên chiến với chính quyền Hồng Kông
>> Chính quyền Hồng Kông dọa mạnh tay với người biểu tình
>> Hồng Kông trước 'giờ tối hậu thư
>> Yêu cầu Hồng Kông đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam
>> Đặc khu trưởng Hồng Kông sẽ để cuộc biểu tình tự lắng  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.