Người "buôn tiền" trở thành bộ trưởng - Kỳ 12: "Cho anh đi học Liên Xô để anh về đưa ngân hàng theo con đường tư bản hả?"

16/10/2006 23:39 GMT+7

Liên quan đến chuyện thiếu tiền, ông Ba Châu kể, tại một cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Phạm Hùng hỏi ông: "Tại sao trong chống Mỹ, giữa lúc vô cùng khó khăn, các anh vẫn cung cấp đủ và nhanh chóng tiền mặt theo yêu cầu của chiến trường mà nay thiếu tiền mặt trả lương, thiếu tiền mặt mua lúa các anh không giải quyết nổi?". "Nguyên nhân chính là hai cơ chế giải quyết khác nhau", ông Ba Châu trả lời thẳng thắn.

Giải quyết nạn thiếu tiền là nhiệm vụ cấp bách. In tiền như đã nói chỉ là một việc. Việc không kém quan trọng là làm sao tạo vòng quay nhanh cho đồng tiền để giảm áp lực về tiền mặt. Muốn vậy trước hết phải tăng lãi suất tiền gửi. Chính trong thời kỳ này lãi suất tiền gửi tăng lên cao nhất, đến 12%. Đồng thời áp dụng biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt (séc thanh toán ngoại tỉnh được phát hành cũng trong thời kỳ này). Ngoài ra còn áp dụng các biện pháp khẩn cấp khác để thu hồi nhanh tiền mặt. Ông Ba Châu nói lúc đó ngân hàng không chờ các doanh nghiệp nộp tiền mặt mà hằng ngày cử người trực tiếp đến các cửa hàng thương nghiệp, cửa hàng lương thực để thu trực tiếp, thậm chí còn "giúp các cửa hàng đếm tiền cho kịp".
Chính những giải pháp cấp bách về tiền tệ này đã góp phần cùng với các giải pháp tổng thể khác về kinh tế - xã hội làm cho siêu lạm phát bị kiềm chế và đẩy lùi: từ siêu lạm phát 774,7% năm 1986 xuống 223,1% năm 1987 và năm 1989 lạm phát chỉ còn 34,7%... Ông Ba Châu nói: "Sai lầm về giá-lương-tiền không phải nguyên nhân chính gây siêu lạm phát. Sai lầm về giá-lương-tiền chỉ làm cho tình hình gay gắt thêm mà thôi. Bởi vậy, việc đẩy lùi lạm phát cũng không phải chỉ là kết quả của các giải pháp tiền tệ. Nó là kết quả tổng hợp của các giải pháp kinh tế - xã hội, trong đó giải pháp tiền tệ chỉ là một tác nhân tích cực mà thôi".

Đồng thời với nhiệm vụ cấp bách đó, ông Ba Châu cùng với ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (gồm các Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Chuẩn, Lê Hồ, Nguyễn Đăng Đạm và Nguyễn Trọng Khánh) bắt tay ngay vào giải quyết những vấn đề căn bản để đổi mới hoạt động ngân hàng: Thành lập các nhóm tổng kết ngân hàng từ sau ngày giải phóng đến lúc đó để rút bài học chuyển đổi cơ chế; nhóm xây dựng chiến lược ngân hàng; nhóm xây dựng luật hoặc pháp lệnh ngân hàng. Ông Ba Châu mời 3 cựu Phó tổng giám đốc là các ông Trần Linh Sơn, Nguyễn Văn Trường và Lê Hoàng trở lại làm việc với tư cách là chuyên gia phụ trách các nhóm nghiên cứu.

Ngày nay, hệ thống ngân hàng của chúng ta đã định hình theo cơ chế thị trường: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại (quốc doanh và ngoài quốc doanh) làm nhiệm vụ kinh doanh... Nhưng hai mươi năm trước, việc tách các ngân hàng thương mại ra khỏi ngân hàng nhà nước là điều không đơn giản.

Hồi đó, cả nước đang chuẩn bị cho Đại hội VI, là Đại hội của Đổi Mới. Với tư cách là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, ông Ba Châu suy nghĩ rất nhiều về đổi mới ngân hàng. Cho đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa V, Đảng mới đặt vấn đề: "Chuyển mạnh hoạt động của ngân hàng sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa". Bây giờ đổi mới sẽ bắt đầu từ đâu? Ông nhớ lại: "Qua thực tế khó khăn bế tắc hiện tại và qua kinh nghiệm tôi biết được của ngân hàng tư bản, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều và khẳng định rằng Ngân hàng Nhà nước phải bắt đầu đổi mới bằng việc tách hoạt động kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước".

Bây giờ ai cũng hiểu phải làm như vậy, nhưng hồi đó nói chuyện này là rất "táo bạo", vì chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Thuyết phục với các vị lãnh đạo chấp nhận điều này là rất không dễ. Phải đưa nó vào Nghị quyết của Đảng. Ông Ba Châu kể lúc đó ông Hồng Hà, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, là thành viên tiểu ban Văn kiện Đại hội nói với ông: "Anh ghi một đoạn về đổi mới ngân hàng vào dự thảo báo cáo chính trị, anh nghĩ như thế nào thì viết như thế. Nếu thấy không có vấn đề gì chúng tôi sẽ giữ nguyên theo ý anh". Ông bàn với tập thể lãnh đạo thực hiện theo đề nghị của ông Hồng Hà. Đoạn đó trong Báo cáo chính trị Đại hội V của Đảng như sau: "Bên cạnh nhiệm vụ quản lý lưu thông tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế...".

Đưa vào Nghị quyết là có được "cái gậy" rồi. Nhưng triển khai cũng không đơn giản. Phải tách 4 ngân hàng thương mại ra khỏi Ngân hàng Nhà nước (hồi đó vẫn chưa dám gọi tên là ngân hàng thương mại). Ông nói ông đã phải báo cáo, thậm chí phải "tranh thủ trình bày riêng" với một số vị lãnh đạo về vấn đề này nữa. Và không phải ai cũng tán thành, thậm chí có vị còn chỉ vào ông nói: "Cho anh đi học Liên Xô để anh về đưa ngân hàng theo con đường tư bản hả?"...

(Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.