Người "buôn tiền" trở thành bộ trưởng - Kỳ 14: Bộ trưởng ở cư xá, tại sao không?

19/10/2006 00:09 GMT+7

Đại hội VI, ông Ba Châu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiếp tục làm Bộ trưởng Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước đến năm 1989. Ông Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng gọi ông lên nhận nhiệm vụ khác, làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư. Ông Cao Sỹ Kiêm, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình được điều về thay thế ông.

Ông kể: "Lý do mà các ảnh điều làm việc đó là do lúc bấy giờ đất nước đang trong đà đổi mới, cần có cơ quan chuyên trách kêu gọi đầu tư nước ngoài. Ba bộ trưởng được điều về đây một lúc là ông Đậu Ngọc Xuân, tôi và ông Võ Đông Giang. Ông Đậu Ngọc Xuân làm Chủ nhiệm, tôi và ông Võ Đông Giang làm phó. Cơ quan mới có 4-5 chuyên viên, do ông Đậu Ngọc Xuân xin từ Ủy ban kế hoạch sang. Ông Đỗ Mười bảo tôi làm phó nhưng vẫn hàm bộ trưởng. Tôi nói Đảng giao việc tôi chấp hành, hàm gì không quan trọng. Ủy ban này ban đầu không có trụ sở, phải mượn một phòng làm việc ở 56 Quốc Tử Giám, dần dần sau này mới mở ra...".

Một thời gian sau, do nhu cầu cần thiết Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư lập bộ phận phía Nam, ông được phân công phụ trách và phụ trách cả khu công nghiệp, khu chế xuất. Phải đi nghiên cứu nước ngoài, đi khảo sát khắp trong nam ngoài bắc. Khu chế xuất đầu tiên được thành lập là khu chế xuất Tân Thuận, ông kiêm làm Trưởng ban quản lý (sau này mở thêm khu chế xuất Linh Trung, ông kiêm làm Trưởng ban quản lý các khu chế xuất). Lúc bấy giờ thủ tục cấp giấy phép đầu tư nước ngoài rất phức tạp, thời gian mất tới hai, ba tháng. Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư nghiên cứu cải tiến thủ tục. Chế độ "một cửa" ra đời từ đó và được áp dụng đầu tiên tại khu chế xuất Tân Thuận.

Khi Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư nhập với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1995), ông xin nghỉ hưu, nhưng lãnh đạo không cho. Một lần ông Sáu Dân gọi ông đến bảo: "Nhà cửa ở đồng bằng sông Cửu Long không ra làm sao hết, "nhà đạp", "nhà đá" nhếch nhác quá. Ngân hàng thì không đủ sức vươn tới cho dân vay làm nhà. Trung ương có ý định lập một ngân hàng phát triển nhà, ông không được nghỉ mà qua đó làm trù bị". Ông từ chối, nói rằng việc đó nên giao cho Ngân hàng Nhà nước, vì cuối cùng Ngân hàng Nhà nước cũng quản lý chuyện này. Nhưng ông Sáu Dân vẫn yêu cầu: "Làm trù bị xong rồi nghỉ". Cảm phục tình cảm của ông Sáu Dân đối với dân nghèo Nam Bộ, lại nể ông Sáu Dân, ông Ba Châu nhận lời. Ra Hà Nội bàn với ông Cao Sỹ Kiêm, ông Kiêm hoàn toàn ủng hộ. Tháng 7.1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định thành lập Ban Trù bị xây dựng Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long và quyết định ông Ba Châu làm Trưởng ban, các phó ban gồm một phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước và một số quan chức khác. Lập đề án, chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, hai tháng sau, tháng 9.1997, Thủ tướng quyết định chính thức thành lập ngân hàng này và quyết định ông Ba Châu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông dùng dằng không chịu nhận, nói "Thủ tướng đã hứa rồi, chỉ làm trù bị thôi". Ông Sáu Dân bảo: "Trù bị xong, nhưng mới thành lập chưa triển khai, ông không buông được". Cuối cùng ông phải chấp hành. Ông làm đến giữa năm 1999 mới xin thôi được và xin hưu. Nhưng thời gian này Chính phủ chủ trương xây dựng khu di tích cách mạng miền Nam ở Tây Ninh, ông lại được yêu cầu làm Phó ban quản lý. Mãi đến năm 2003, khi đã 74 tuổi, ông Ba Châu mới xin nghỉ hưu được.

Làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL, người ta đề nghị trả thêm lương cho ông, nhưng ông không nhận, trừ những chi phí đi lại, công tác. Ông vẫn lãnh lương tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho đến khi về hưu, và chỉ có duy nhất khoản thu nhập đó mà thôi.

Chuyện sau này của ông Ba Châu tóm tắt là như vậy. Nhưng có một chuyện mà tôi không thể không ghi ra đây để bạn đọc hiểu hơn về con người này. Tôi không tò mò về chuyện nhà cửa, thu nhập của người khác. Nhưng đối với một người từng giữ trọng trách tham gia điều khiển hàng trăm triệu đô la phục vụ kháng chiến và đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia như ông Ba Châu thì có lẽ nhiều người tò mò muốn biết. Khi tiếp quản thành phố, dĩ nhiên cơ quan của ông Ba Châu tiếp quản rất nhiều biệt thự của chế độ cũ. Lúc làm Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn-Gia Định, ông Ba Châu đến ở tại một căn hộ trong cư xá ngân hàng cũ, ở một căn như những người khác. Ông không nhận nhà ở sang trọng, mặc dù hồi đó ông có thể làm được chuyện này.  Chỗ ở đó sau này được Nhà nước hóa giá cho gia đình ông và gia đình ông chỉ ở chỗ đó cho đến khi ông về hưu. Chỗ đó thường xuyên bị ngập nước. Mãi đến năm 2003, gia đình ông mới cho thuê dài hạn chỗ cư xá đó,  dùng số tiền cho thuê này để xây một căn nhà trên một mảnh đất mà vợ ông đã mua từ 10 năm trước ở quận Bình Thạnh, gần cư xá Thanh Đa, hồi đó giá đất còn rất rẻ.

Khi ông ra làm việc tại Ngân hàng Nhà nước, ban đầu ông ở ngay trong văn phòng. Thấy ông là Ủy viên Trung ương Đảng, là Bộ trưởng mà ở như vậy rất bất tiện, Ban Tài chính quản trị trung ương bố trí cho ông ở một phòng tại nhà khách số 8 Chu Văn An, ở đó cho đến khi xong nhiệm vụ ở Hà Nội. Ông kể, tiền lương bộ trưởng của ông hồi đó "nộp cho nhà ăn không đủ", Ban Tài chính phải trợ cấp bù thêm, thỉnh thoảng vợ ông còn phải "chi viện". Hồi đó bộ trưởng còn có chế độ tem phiếu đặc biệt, có người đề nghị ông đưa người ta bán những cái phiếu đó để có thêm một khoản tiền kha khá, nhưng ông không đưa. Ông nói: "Những cái phiếu đó bây giờ tôi vẫn còn giữ, nó còn nguyên vẹn, không mất một ô nào cả".

Trong thời gian ông ở Hà Nội, cơ quan bàn cấp biệt thự cho gia đình ông ở TP.HCM, đề nghị ông chọn hoặc là tại số 9 Võ Văn Tần hoặc 167 Võ Thị Sáu. Nhưng ông dứt khoát không nhận. Cơ quan đến đề nghị vợ ông chuyển nhà, vợ ông cũng từ chối, bảo ở cư xá này là được rồi...

(Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.