Người chữa lành ngàn trái tim đau

27/02/2012 10:05 GMT+7

GS.TS Bùi Đức Phú được nhiều người biết đến với biệt danh “bàn tay vàng phẫu thuật tim VN”. Ông và cộng sự đã thực hiện thành công hơn 8.000 ca mổ tim, mang lại niềm vui cho hàng ngàn gia đình.


GS.TS Bùi Đức Phú với một bệnh nhân được mổ tim thành công - ảnh: B.N.L

“Nghệ sĩ” của trái tim

GS.TS, Thầy thuốc nhân dân Bùi Đức Phú, quê gốc Hà Tĩnh, nhưng sinh ở Phú Yên và có hơn nửa phần đời học hành, gắn bó với Huế. Tên tuổi của ông gắn liền với sự nghiệp mổ, điều trị bệnh tim. Nhưng ít ai biết ông cũng là người chơi đàn ghi ta và hát nhạc Nga rất hay. Có lẽ tâm hồn nghệ sĩ trong ông chính là nguồn cảm hứng để ông không ngừng sáng tạo và "tác phẩm" của người nghệ sĩ này chính là hàng ngàn trái tim đau đã được chữa lành.

Ngay sau ca mổ ghép tim đầu tiên thành công, ông đã tâm sự với chúng tôi: “Không phải chỉ có niềm vui của ca ghép tim thành công mà niềm vui lớn nhất với chúng tôi đó là đã có một chàng trai tìm thấy lại phần đời tươi trẻ để trở về với vợ con.  Khi triển khai đề tài ghép tim, có rất nhiều bệnh nhân đã được đưa vào danh sách chờ ghép tim, nhưng do thiếu nguồn tim hiến nên nhiều người đã không thể chờ đợi. Hằng ngày, chúng tôi đã rất đau đớn khi phải chứng kiến những bệnh nhân của mình chết dần chết mòn nhưng không thể nào cứu được. Chúng ta được học hành, được xã hội phân công với nghề nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, nhưng trước những bất lực ấy chúng tôi vô cùng tự ái. Tại sao thế giới người ta làm được mà mình lại không? Tất cả những trăn trở ấy là động lực khiến chúng tôi quyết tâm phải đạt được thành tựu trên lĩnh vực này”. GS.TS Phú nhớ lại: “Để có được thành tựu hôm nay cũng cần phải quay trở lại thời gian từ những năm 1986. Thời điểm đó, được sự giúp đỡ của Bệnh viện Việt-Ðức, tôi đã cùng đồng nghiệp bắt đầu thực hiện nhiều ca mổ tim kín và chuẩn bị kế hoạch để thực hiện mổ tim hở tại BVT.Ư Huế. Tháng 4.1999, lần đầu tiên tại khu vực miền Trung, một ca mổ tim hở cho người bệnh bị hẹp động mạch vành liên thất trước, bắc cầu động mạch vành là một ca bệnh rất khó thời điểm ấy đã được mổ thành công".

Thành công này đã mở ra triển vọng cho nhiều người bệnh tim ở khu vực. Từ đó đến nay, Trung tâm Tim mạch BVT.Ư Huế đã tiến hành hơn 8.000 ca mổ tim. Đầu năm 2011, GS.TS Bùi Đức Phú cũng đã chủ trì và thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên cho bệnh nhân Trần Mậu Đức, từ người cho chết não với ê kíp y bác sĩ của BVT.Ư Huế.

Mong giúp dân nhiều hơn

Năm 1995, bác sĩ Bùi Đức Phú bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp. Năm 2009, được Hội đồng chức danh nhà nước công nhận giáo sư. Hiện là ĐBQH khóa XIII; Giám đốc BVT.Ư Huế; Phó chủ tịch Hội Ngoại Khoa VN; Chủ tịch Hội phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực VN; Ủy viên Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư.

Bên cạnh công việc chuyên môn, GS.TS Bùi Đức Phú được bầu làm ĐBQH khóa XIII. Thời điểm ông ra ứng cử, tôi hỏi, đang là một chuyên gia mổ tim, hàng năm cứu được hàng trăm bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần, bây giờ ứng cử vào Quốc hội, nếu trúng cử chắc chắn công việc sẽ rất bận rộn và điều đó sẽ giảm thời gian dành cho chuyên môn?

GS.TS Bùi Đức Phú tự tin rằng: “Nhiều năm qua, tôi đã dành nhiều thời gian để đào tạo được một đội ngũ y tế có tay nghề cao ở BVT.Ư Huế và đang rất yên tâm để giao phó trọng trách trực tiếp cứu chữa bệnh cho họ. Tôi làm bác sĩ phẫu thuật, nếu ngày nào cũng mổ một ca và 100% ca mổ đều thành công, thì mỗi năm cũng chỉ cứu chữa khoảng 365 người. Nhưng nếu trở thành ĐBQH, được góp cả công sức, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn từ hơn 36 năm làm việc trong ngành y để xây dựng pháp luật với các cơ chế vận hành đảm bảo minh bạch, công bằng và hiệu quả, chắc chắn sẽ có nhiều đóng góp hơn cho nhân dân".

GS.TS Phú tâm sự thêm: “Một nền y tế công bằng và hiệu quả phải được xem xét trên ba mặt: hiệu quả về khám chữa bệnh và phòng bệnh; hiệu quả về đầu tư nguồn lực và hiệu quả cả về mặt xã hội nhân văn (tức là tính công bằng). Chúng ta đã nhanh chóng phát triển ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị, nhưng người nghèo - người rủi ro cao về sức khỏe lại  không được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ đó, thì nền y tế cũng được xem là không hiệu quả. Trong thực tế, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn thách thức do ngành y tế nước ta còn chậm đổi mới, còn lúng túng cả về nhận thức và xây dựng cơ chế hoạt động, đặc biệt là cơ chế tài chính nên chưa phát huy tính chủ động sáng tạo của các đơn vị y tế cũng như của cán bộ y tế, chưa huy động đầy đủ nguồn lực xã hội để vừa thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, công bằng trong chăm sóc sức khỏe, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển hệ thống y tế trong nền kinh tế thị trường”.

Điều trăn trở nhất và là mối quan tâm hàng đầu của GS.TS Bùi Đức Phú là làm thế nào nối kết các thế mạnh về y tế trên địa bàn tỉnh nhà để xây dựng Trung tâm Y học cao cấp ngang tầm khu vực và quốc tế, tiến tới khai thác dịch vụ y tế chất lượng cao, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động trẻ trong tỉnh Thừa Thiên-Huế bằng cách phát triển các hình thức du lịch khám chữa bệnh, khai thác các dịch vụ đi kèm, đào tạo nguồn nhân lực y tế...

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.