Người còn đây đó - Truyện ngắn của An Nhiên

15/11/2015 13:49 GMT+7

Đó là một kiểu công viên nội bộ, rộng rãi và rợp mát ban ngày, thoáng đãng và nhiều gió vào buổi tối. Khi ấy, người từ các căn hộ be bé xinh xẻo của khu chung cư gần đấy đổ ra đi bộ, tập thể dục, coi như một dạng dạo phố bình dân và quen thuộc.

Đó là một kiểu công viên nội bộ, rộng rãi và rợp mát ban ngày, thoáng đãng và nhiều gió vào buổi tối. Khi ấy, người từ các căn hộ be bé xinh xẻo của khu chung cư gần đấy đổ ra đi bộ, tập thể dục, coi như một dạng dạo phố bình dân và quen thuộc.

Tiền thuê một căn phòng nhỏ xíu ở khu này cũng không phải là quá đắt đỏ để một người đàn ông đơn độc như tôi phải lăn tăn nhiều. Dễ thôi mà, một chỗ ngả lưng, nơi đặt chiếc xe máy chân đi và hai cái thùng xốp giữ lạnh loại to, là đủ. 
Những buổi tối bình yên ấy, tôi hay gặp Ngần trong chiếc quần lửng dạng ôm màu tối, áo thun gọn gàng, chân mang giày thể thao, đi bộ nhiều vòng cùng chồng. Nhà Ngần cùng dãy phố với “nhà” của tôi. Khu này len lén bình bầu vợ chồng Ngần là cặp đôi hạnh phúc nhất. Chồng Ngần hơn cô chắc phải chục tuổi, có cái đầu hói và chiếc bụng tròn to của mẫu đàn ông thành đạt, làm chủ gia đình.
Nhìn Ngần, tôi cứ băn khoăn rằng, tại sao một phụ nữ mảnh mai, xinh xắn dường ấy, còn trông mong thân hình đúng chuẩn thế nào nữa, mà lại phải siêng năng luyện tập hằng tối như này?
Nhìn hai người, tôi thường bật cười, thoải mái không cần kềm nén. Có lần Ngần vui vẻ hỏi: “Anh cười đểu bức tranh biếm họa nhà Ngần chứ gì”. Chả là ông chồng đã gần năm mươi tuổi, bụng chang bang, mập ú, còn Ngần thì... trông tương phản đến hài hước.
Chúng tôi hay chào nhau. Chồng Ngần có nét mặt dễ gần cùng giọng nói rổn rảng thân thiện. Rằng anh mới dọn đến khu này bán đồ uống phải không? Để vợ chồng tôi mua ủng hộ. Ờ, cô ấy đi cùng tôi cho có tụ ấy mà...
- Nếu không có vợ khích lệ và làm gương, tôi dễ gì chịu “hợp tác”. Ngần “tươi không cần tưới” trước lời yêu thương của chồng. Nụ cười của một phụ nữ dường như sinh ra để được nâng niu, chiều chuộng.
Tôi nhìn Ngần và thầm nghĩ, cô ấy hẳn phải được chồng cưng như trứng mỏng. Nhỏ nhẹ dễ thương, mái tóc đen dài cột cao, trông Ngần mong manh như một mệnh phụ phu nhân đài các thuở xa xưa. Chắc là cuộc sống ít điều phải lo nghĩ lắm nên trông cô ấy trẻ đến thế. Ngần dường như đọc được suy nghĩ của tôi nên có lần đã chủ động chia sẻ:
- Con trai lớn của chúng tôi đã xong mười hai, đang du học ở Singapore anh ạ...
Ôi trời, thật bất ngờ khi biết Ngần đã qua tuổi bốn mươi, là bà mẹ ba con, vượt cả hoàn thành nhiệm vụ. Chồng Ngần là một viên chức, người đàn ông ấy thành đạt và quả đúng như tôi nhận xét, là trụ cột kinh tế trong nhà. Trạc tuổi nhau thôi, nhưng ngôi sao số mệnh thật là quá thiên vị anh ta, dễ khiến cho người khác phải chạnh lòng...
Bẵng đi ít tháng, tôi không còn thấy hình ảnh vợ chồng họ thân thiết đi thể dục ngang qua khu này nữa. Dù thời tiết vẫn đẹp, thành phố không hề có mưa dầm dề vào buổi tối. Cảm giác văng vắng nhơ nhớ ấy khiến một người đàn ông đã qua hơn nửa đời trong cô độc thấy hoảng sợ với chính mình. Những chai nước suối, nước ngọt ướp lạnh vẫn được người ta mua đều đều, nhưng sao bản thân mình lại vẫn ngong ngóng trông thấy dáng Ngần nhỏ nhắn đang thong thả bên cạnh người đàn ông bệ vệ của đời mình... Mà lạ nhỉ, có quen thân gì đâu mà phải bận tâm cho nhọc cơ chứ?!
Chồng Ngần bị phát hiện có một khối u nhỏ trong người. Tôi được nghe kể lại như thế. Và khi tôi mạo muội đến thăm, anh đang nửa nằm nửa ngồi trên cái ghế salon dài êm mượt, vẻ cau có khó chịu. Những vui vẻ xưa kia tôi từng thấy trên mặt người đàn ông ấy dường như chưa từng tồn tại. May mà anh vẫn nhận ra tôi, gã đàn ông không cùng đẳng cấp mang danh hàng xóm của mình:
- Tôi không sao, hy vọng thế. Nụ cười gượng hiện ra trên khuôn mặt nhuốm nét mệt mỏi, khi Ngần xuất hiện với ly nước nấu bằng sả cây còn âm ấm trên tay. Cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông khác nhau mọi thứ ấy cho tôi biết rằng, nỗi lo duy nhất của anh chính là Ngần và ba “đứa trẻ” vốn quen được bảo bọc.
- Rồi sẽ ổn hết thôi, ông anh à. Tôi chạm khẽ vào cánh tay chồng Ngần khi ra về. Thấp thoáng bóng Ngần đâu đó trong căn nhà bày biện đẹp đẽ kia...
Tháng mười hai rồi, mà đâu đó vẫn còn lất phất một vài buổi tối hắt hiu ảm đạm. Tôi thường dọn hàng ra bán sớm hơn thường lệ, với hy vọng là một ngày nào đó, sẽ gặp lại hình ảnh vợ chồng Ngần vui vẻ đi dạo với nhau. Biết đâu, khi khỏe hơn chút, có thể đi đứng được anh lại tập tễnh đi bộ cùng vợ, chở vợ đi chợ. Thế nhưng, cho tận đến những ngày cuối năm, tôi mới được dịp vui mừng xen với bất ngờ:
- Ôi, sao lại thế này...
Đó là khi Ngần đẩy chồng chầm chậm dọc trên con đường có vài chiếc lá cuối thu muộn màng, ngang qua nơi tôi đặt mấy cái thùng mút chứa đầy đá lạnh của mình. Người đàn ông phong độ và thừa cân ngày nào giờ gầy đét, ngoan ngoãn ngồi lút trong chiếc xe lăn, trên đầu được đội một chiếc nón len mỏng, có lẽ để che đi mái tóc đã bị rụng trọc vì các đợt hóa trị... Ngần đưa ánh nhìn xa xót dành cho chồng, khi khẽ khàng trả lời với riêng tôi:
- Anh ấy đã bị di căn rồi...
Tôi đủ trải nghiệm trong đời để hiểu, câu nói ấy nghĩa là gì. Những buổi chiều sau đấy luôn khiến lòng tôi ước gì nó đừng bao giờ diễn ra như thế, khi thấy chồng Ngần tiếp tục được vợ đưa ra ngoài hóng gió trong bộ dạng đó. Đôi vai vốn nhỏ bé của Ngần dường như co lại trong những lo toan sắp xếp mà đời cô ấy chắc chưa từng nghĩ đến, chứ đừng nói tới chuyện phải đối mặt.
Ngần nghỉ làm vào bệnh viện chăm chồng. Căn nhà xưa luôn có người đàn bà và bọn trẻ ra vô cười nói, ông chủ nhà luôn niềm nở với hàng xóm, giờ im vắng, ảm đạm. Ngày xe bệnh viện trả anh về, Ngần bất ngờ ghé ngang một mình, e dè hỏi xem tôi có thể đến phụ cô ấy chăm sóc cho chồng mình vào những ngày cuối cùng này hay không.
Nhà Ngần hóa ra không khá giả như ban đầu tôi đã nghĩ. Mọi chi tiêu bấy lâu dựa vào người chồng. Nay Ngần tất bật xoay xở, vun vén lại nhiều thứ. Những hôm đến phụ Ngần tắm rửa, vệ sinh cho người bệnh, vài lần cùng Ngần dìu anh lên xe để đi tái khám, khiến tôi hiểu rằng Ngần dành cho chồng thứ tình cảm còn sâu đậm hơn cả tình yêu thông thường giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Đó là sự kính trọng, là nỗi thương đau, là cảm giác bất lực khi nhìn người quan trọng nhất với mình đang dần dần rời khỏi ngay trước mắt, mà không cách gì có thể níu giữ được. Có quá điên rồ không, khi đôi dịp ta ao ước hoán đổi cuộc đời dằng dặc khỏe mạnh nhưng tẻ nhạt vô nghĩa tầm thường của mình với ai kia sự sống chỉ còn được đếm bằng ngày, bằng giờ?
- Ngần ơi, Ngần ơi!
- Dạ, có em đây, anh đừng lo nhé!
Tiếng kêu yếu ớt nhưng đầy hoảng hốt của chồng dường như được Ngần hồi đáp ngay lập tức. Ngần hầu như chẳng còn có thể rời chồng ra được nửa bước nữa rồi. Ngay cả ba đứa con đã tranh thủ mọi khoảng thời gian túc trực bên giường bệnh của cha cũng không đủ để anh ấy yên lòng. Cái gì cũng Ngần ơi, Ngần ơi. Ngay cả tôi, người được thuê về để phụ chăm nom người bệnh, có vẻ cũng không thể giúp được gì nhiều, khi nỗi lo sợ mơ hồ nào đấy khiến cho chồng Ngần chỉ luôn muốn có vợ kề cận.
Những cơn đau khiến anh rên rỉ không ngớt, phải chích thuốc giảm đau liên tục. Anh trở nên nóng nảy, cáu bẳn vô cớ, không chịu ai chăm sóc, ngoài vợ. Mỗi khi đau anh chỉ kêu Ngần, anh không ăn nếu chẳng có Ngần ngồi bên. Ngần như một cái neo cho anh bíu vào phút cuối. Ngần rời đi làm việc nhà dăm phút anh cũng hoảng hốt. Ngần ngồi, nằm luôn bên anh cho anh “dựa”. Bạn bè, người thân đến thăm, chẳng cầm lòng nổi khi nhìn Ngần nằm bên anh, không khác người bệnh, xanh xao dật dờ và tuyệt vọng...
Qua tết thì anh mất. Tôi nghỉ công việc bất đắc dĩ ở nhà Ngần, trở lại là người bán nước giải khát mỗi tối cho khách đi bộ. Ít ai thấy Ngần sau khi anh mất. Ngần âm thầm đi về, chào hàng xóm bằng ánh nhìn héo hắt. Ngần bắt đầu thành trụ cột chính, vừa làm mẹ vừa làm cha với bao lo toan cho gia đình, sau nhiều năm là đàn bà hưởng phước, được chồng chiều chuộng, bảo bọc. Cuộc sống không đầy đủ như xưa, con trai Ngần bỏ học từ nước ngoài về đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Thỉnh thoảng tôi gặp Ngần đi bộ một mình trong đêm, dáng đơn độc, âm thầm. Ngần chào, cười với tôi, nụ cười vẫn héo hắt. Tim tôi tựa như ai bóp lấy, nghẹn ngào. Giá như tôi là một ai đó, với số phận khác hẳn. Giá như ông trời thương tình, cho tôi một tờ vé số. Giá như... Mà có khi, cái Ngần cần và thiếu chưa phải đã là tiền nong này nọ...
Thời gian làm tốt công việc của nó. Nỗi đau bất ngờ rồi cũng phải nguôi ngoai. Hai năm trôi qua, Ngần đi ra ngoài nhiều hơn. Người đàn bà tiểu thư được cưng chiều xưa giờ bươn bả, tính toán để nuôi sống gia đình. Thi thoảng, tôi giúp Ngần sửa lại cái đường nước ngầm bị nghẹt. Thay mấy cái bóng đèn bị cháy. Tìm người chỉnh lại cái trần thạch cao bị thấm nước rơi vỡ từng mảng. Chỉ vài chuyện cỏn con thế
thôi, và lần nào Ngần cũng gửi tôi tiền công sòng phẳng. Biết phải làm sao đây để nói một câu chối từ mà không đánh mất đi cơ hội để có thể ra vô giúp Ngần việc gì đó trong căn nhà ấy cơ chứ...
Mọi việc dần ổn. Sang nhà Ngần chơi, tôi thấy trên bàn thờ anh ngày nào cũng có hoa trái tươi, loại anh thích nhất. Tôi thắp cho anh nén nhang, thầm lén trong lòng một lời từ biệt. Ngần đã đánh son môi màu tươi trở lại, mặc áo dài hoa văn nhẹ nhàng đi làm. Trước khi rời nhà, Ngần nhỏ nhẹ “Chào anh em đi làm” với bức ảnh trên bàn thờ, một người đàn ông có nụ cười tươi, ánh mắt hóm hỉnh.
Tôi cứ nghĩ mãi, phải sống với nhau đầy vơi thế nào, để vẫn tương kính, vẫn còn trong nhau, ngay cả khi đã xa khuất. Trên đời này, cùng là phận đàn ông, tại sao có người lại được hưởng cái phần phước to lớn như thế, dù là khi họ đã dọn sang thế giới bên kia lâu rồi?
Tôi rời khu nhà ấy vào một chớm hạ. Thành phố ẩm ương như cảm giác ngập ngừng chẳng nỡ của mình. Ngần sẽ sống phần đời còn lại của cô ấy, với người đàn ông trong di ảnh theo một cách tốt nhất, như cô ấy đáng được hưởng. Và tôi, sẽ tìm một khu công viên rợp bóng nào đấy, bày mấy cái thùng mút đựng đá cục chứa các thứ nước ướp lạnh của mình, rong ruổi tạm bợ đó đây... Tôi hẳn không cần nói lời chào với Ngần và ba đứa con của vợ chồng họ. Có là gì của nhau đâu mà phải bận tâm cơ chứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.