Người dân Hy Lạp: ‘Chúng tôi không còn cách nào khác’

14/07/2015 09:28 GMT+7

(TNO) Athens vừa đạt được thỏa thuận cứu trợ với các chủ nợ quốc tế. Người Hy Lạp hiện giờ khốn khổ, nhưng đành cam chịu. “Chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi không còn cách nào khác”, CNN dẫn lời một người dân chia sẻ.

(TNO) Athens vừa đạt được thỏa thuận cứu trợ với các chủ nợ quốc tế. Người Hy Lạp hiện giờ khốn khổ, nhưng đành cam chịu. “Chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi không còn cách nào khác”, CNN dẫn lời một người dân chia sẻ.

Ông Giorgos Chatzifotiadis ngồi khóc bên ngoài Ngân hàng Trung ương Hy Lạp hôm 3.7. Ông đã đi hết 4 ngân hàng nhưng vẫn không rút được tiền - Ảnh: AFP
Hôm 13.7, Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đã tìm được tiếng nói chung. Athens có thêm 96 tỉ USD tiền cứu trợ, song đổi lại là các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Hy Lạp không có nhiều sự lựa chọn.
CNN cho hay những người dân ở gần tòa nhà Quốc hội tại Athens thể hiện sự cam chịu sau thông tin trên. “Không ai vui mừng, nhưng chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi không còn cách nào khác”, anh Aris, 28 tuổi nói.
Ông Theodore Papadimitriou, 63 tuổi, cũng có cùng phản ứng. Ông không hài lòng với thỏa thuận trên, nhưng điều này vẫn tốt hơn là phải từ bỏ đồng euro.
Reuters thì dẫn lời Marianna, 73 tuổi, nói: "Đây là một chiến thắng, nhưng nó lại là "chiến thắng kiểu Pyrros" vì điều kiện rất khắc nghiệt". Chiến thắng kiểu Pyrros là thành ngữ dùng để chỉ một thắng lợi với những tổn thất có tính hủy diệt  phe chiến thắng. Thắng lợi đó cuối cùng cũng dẫn đến thất bại.
Nhiều người khác cho rằng đây là một cái kết sáng hơn viễn cảnh rời eurozone. Song họ cũng lo lắng về những biện pháp cải cách kinh tế khó khăn phía trước.
Người được hưởng lương hưu xếp hàng chờ đợi bên ngoài Ngân hàng Trung ương Hy Lạp - Ảnh: Reuters
"Người dân đã chịu đựng 5 năm qua và bây giờ sẽ còn nhiều điều nối tiếp. Điều này khiến mọi việc trở nên khó khăn với chúng tôi. Không nghi ngờ gì, chúng tôi muốn ở lại. Nhưng đâu là điều kiện cho việc này?", Marianna nói.
Virginia, 27 tuổi, cho hay cô nghĩ châu Âu đã yêu cầu Hy Lạp nhượng bộ quá nhiều. “Tôi tin rằng chúng tôi thuộc về eurozone, nhưng tôi không tin đó là một thỏa thuận công bằng”.
Nhiều người khác thì đặt nghi vấn về khả năng thực hiện cam kết cải cách của chính phủ. Stergios Dratsas, 55 tuổi, giáo viên trường trung học cho biết: “Người dân đã trải qua quá nhiều biện pháp khắc khổ. Tôi không biết liệu họ có thể tiếp tục chịu thêm nữa hay không”.
Dratsas nói thêm ông biết các học trò của mình có những ý tưởng về sự độc lập của Hy Lạp. Họ không thích các nguyên tắc do chủ nợ quốc tế đặt ra cho đất nước mình sau khi Athens nhận hai gói cứu trợ trước trị giá khoảng 258 tỉ USD.
Mong mỏi và thái độ đó của người dân Hy Lạp là yếu tố khiến Thủ tướng Alexis Tsipras lên cầm quyền vào đầu năm nay.
Hiện tại, Hy Lạp đã “quay về với thực tại”, ông Dratsas nói, “Thủ tướng đã đánh giá thấp phản ứng và các quy tắc quản lý cộng đồng châu Âu. Ông ấy cố gắng thay đổi luật… và giờ là lúc đất nước trả giá cho sai lầm của ông”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.