Người dân quê tôi đi tảo mộ

Phạm Đức
Phạm Đức
10/02/2021 13:07 GMT+7

Đối với người dân quê tôi - xã Khánh Thành (H.Yên Thành, Nghệ An), đi tảo mộ cuối năm không chỉ đơn thuần thể hiện lòng tôn kính với ông bà tổ tiên, mà còn để giáo dục cho con cháu truyền thống gia đình, dòng tộc.

Về quê khi tết Nguyên đán Tân Sửu đã cận kề, tôi thấy các khu nghĩa trang ở xã Khánh Thành trở nên ấm áp hơn bởi nhang khói nghi ngút và dòng người vào ra.
Những nấm mồ vốn lạnh lẽo, cỏ mọc phủ kín vì ít người lui tới, nay được quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Như nhiều vùng miền khác trên cả nước, phong tục tảo mộ dịp cuối năm được người dân quê tôi gìn giữ suốt bao đời nay.

Con cháu dòng họ Lê Văn thắp hương xin phép tổ tiên để sửa sang lại khu mộ

Ảnh Phạm Đức

Cùng con cháu dọn dẹp lại khu mộ tổ của dòng họ Lê Văn, cụ Lê Văn Sen (76 tuổi, ngụ thôn Văn Tập, xã Khánh Thành), cho biết tảo mộ là phong tục truyền thống tốt đẹp của cha ông và nay vẫn được con cháu trong dòng họ giữ gìn.
“Năm nào cũng vậy, từ 27 tháng Chạp trở đi là ở nghĩa trang này có rất đông người dân đi tảo mộ. Họ ra đây dọn dẹp vệ sinh khuôn viên, lăng mộ và thắp hương mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết. Dòng họ chúng tôi cũng thế, năm nào con cháu cũng tập trung rất đông ra đây sửa sang lại khu nghĩa trang, mồ mả cho ông bà. Đây cũng là dịp để người còn sống thể hiện lòng thành kính, sự quan tâm với người đã khuất cháu ạ!”, cụ Sen nói.

Cỏ mọc xung quanh các phần mộ được cắt dọn

Ảnh Phạm Đức

Là con dâu dòng họ Lê Văn, chị Nguyễn Thị Liên (38 tuổi) bảo năm nào chị cũng theo chồng ra nghĩa trang để tảo mộ. Tôi thấy chị Liên cùng các nàng dâu trong dòng họ phụ trách việc cắt cỏ, còn công việc lau chùi mộ tổ, sửa sang lại các phần mộ do cánh đàn ông đảm nhiệm.

Các phần mộ trở nên ấp áp hơn nhờ khói hương nghi ngút

Ảnh Phạm Đức

“Việc hương khói cho ông bà tổ tiên bên chồng cũng là trách nhiệm của các nàng dâu. Suốt 1 năm qua, tổ tiên đã phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt nên việc tảo mộ cũng như để thay lời cảm ơn với người đã khuất. Đây là nét đẹp truyền thống của quê hương và dòng tộc nên con cháu lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay”, chị Liên tâm sự.

Phong tục tảo mộ dịp cuối năm được người dân vùng quê Nghệ An gìn giữ từ bao đời nay

Ảnh Phạm Đức

Nói thêm truyền thống tốt đẹp này, ông Lê Văn Sơn, Tộc trưởng dòng họ Lê Văn, dùng 2 câu thơ thay cho việc giải thích: “Cây tốt tươi nhờ gốc. Người phúc lộc nhờ nguồn”.
Ông Sơn bảo với tôi, phần âm thịnh thì phần dương mới làm ăn phát tài, cho nên hàng năm con cháu phải trở về đây, để nhớ đến cội nguồn, gốc gác của ông cha. Việc tảo mộ cũng là dịp giáo dục cho con cháu truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên để lại.

Hoa tươi được người dân để trước các phần mộ

Ảnh Phạm Đức

Ghé thăm khu nghĩa trang của người Công giáo ở xóm Mỹ Khánh (xã Khánh Thành), tôi cũng thấy có nhiều lọ hoa tươi được để trước các phần mộ ghép gạch đá rất đẹp. Bà con giáo dân ở đây vào những ngày cận Tết cũng ra khu nghĩa trang để tảo mộ. Người công giáo còn dành ngày mồng 2 Tết để tổ chức một thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn ông bà tổ tiên, những người thân đã khuất.    
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.