Người dân tuyệt đối không tự điều trị

10/04/2020 07:16 GMT+7

Các bác sĩ, những người trực tiếp điều trị bệnh Covid -19 tại Việt Nam chia sẻ về phương pháp điều trị, đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự điều trị khi có triệu chứng nhiễm bệnh.

Bác sĩ (BS) Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho hay khoa điều trị những bệnh nhân (BN) chưa cần hỗ trợ bằng thiết bị. Tại đây, mỗi BN có một phác đồ điều trị riêng.
Các BS mỗi ngày phải hội chẩn đối với từng BN, có sự hỗ trợ của Bộ Y tế. “Việc dùng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu đều phải bàn trước. BN nhiễm Covid-19 có người chuyển bệnh rất nhanh, có người sáng vào viện, chiều đã khó thở, suy hô hấp, phải chuyển đến khoa cấp cứu... Nhiều người có biểu hiện phức tạp lại không cần chuyển đến khoa cấp cứu”, BS Mai nói. Một số BN bị tác dụng phụ của thuốc, nên cũng phải điều chỉnh phác đồ điều trị.

Kháng thể - sức đề kháng mỗi người khác nhau

Tại TP.HCM, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM là BV chuyên khoa nhiễm đầu ngành không chỉ của TP mà của cả khu vực, các tỉnh phía nam. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP, cho biết phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành phiên bản 1, sau đó sửa chữa, bổ sung phiên bản mới. Nhưng để ra được phác đồ điều trị, Bộ Y tế đã lấy ý kiến từ các nhà chuyên môn. Tại TP, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế TP đã họp các chuyên gia về truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu của các BV: Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng TP, BV Nhân dân Gia Định thảo luận và góp ý bổ sung vào các ý kiến của các chuyên gia BV Bạch Mai, BV Nhiệt đới T.Ư để hoàn thiện và ban hành.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phác đồ là hướng dẫn chung, trong quá trình điều trị từng ca bệnh, các BS luôn có những bổ sung điều chỉnh phù hợp dựa vào kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng và qua các buổi hội chẩn chuyên gia. Tức điều trị từng cá thể người bệnh chứ không “điều trị bệnh chung chung”.
Tương tự, TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết tại BV đã tiếp nhận và điều trị cho 6 ca nhiễm Covid-19. Đặc điểm chung của các BN đều trẻ, không có bệnh nền nên tương đối thuận lợi cho việc điều trị, so với BN nhiễm ở các nơi khác. “Mỗi BN có 1 cá thể hóa bệnh khác nhau, nên chúng tôi điều trị trên tinh thần theo dõi sát, xử lý kịp thời để nâng đỡ phục hồi theo từng chuyển biến bệnh khác nhau”, BS Nhân nói.
TS-BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc BV điều trị Covid-19 Cần Giờ (TP.HCM), cho biết thêm phác đồ điều trị Covid-19 hiện nay là sử dụng trên người bị Covid-19 viêm phổi nặng, suy đa tạng vì bệnh này là chưa có thuốc trị. Nhưng BN đa số là nhẹ, không có triệu chứng. Với người bệnh nhẹ, có viêm phổi thì điều trị kháng sinh phổ rộng, nếu đáp ứng tốt thì sẽ nhanh khỏi. Còn theo BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đa số ca bệnh Covid-19 dùng kháng sinh 7 - 10 ngày là ngưng nhưng có ca bệnh phải dùng đến 14 ngày. Nguyên nhân là kháng thể - sức đề kháng của mỗi người là khác nhau (BN 150, 55 tuổi, ngụ TP.HCM phải dùng kháng sinh đến 14 ngày).

Đừng nghe “bác sĩ” Google

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng chia sẻ thực trạng đáng lo ngại là một số người dân không nghe lời khuyên của nhân viên y tế mà tin vào “bác sĩ” Google vì nghĩ rằng có thể tra cứu được thông tin chẩn đoán, điều trị bệnh. Thậm chí, nhiều người dân hoang mang, lo lắng và cả tin đối với các thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội, dẫn đến những sự việc đáng tiếc thời gian qua, như tự ý thu gom tích trữ và thậm chí tự uống để phòng bệnh. “Tất cả mọi loại thuốc trên đời (kể cả cái gọi là "thuốc bổ") nếu sử dụng không đúng chỉ định, sử dụng sai liều... đều có các tác dụng ngoại ý; nặng có thể tử vong”, TS-BS Châu khuyến cáo.
Mới đây, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không mua thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin để dự phòng, điều trị Covid-19 vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng (gây phù, teo điểm vàng, rối loạn màu sắc; gây ra các rối loạn tạo máu như: mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu; gây tác dụng nguy hiểm cho tim, tăng nguy cơ đột tử...). “Hãy chờ kết quả của thử nghiệm lâm sàng hiện đang được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Không nên sử dụng bừa bãi theo cảm tính vì nguy cơ có thể cao hơn ích lợi của thuốc (trừ một số trường hợp đặc biệt)”, TS-BS Châu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.