Người đạp xích lô năm ấy

15/11/2019 08:00 GMT+7

Sau những vất vả chật vật vì công việc, mãi đến đầu tháng tư năm 1990, ước mơ vào thăm miền nam của tôi mới được toại nguyện.

Lần đầu được đi xa đi dài ngày nên tôi im lặng quan sát chứ không chủ động bắt chuyện với người ngồi bên. Dọc con đường từ Ninh Bình trở vào, phố xá leo teo, dân cư thưa thớt. Mười lăm năm đất nước hòa bình rồi mà dấu vết những hố bom chưa được xóa sạch. Lúa xanh còn mọc, đơm bông ngay trên hè quốc lộ. Những mảng rau xanh nổi từng vầng trên mặt hố bom.
Vào TP.HCM, tôi dự tính ở một tuần. Một tuần ăn ở tại nhà nghỉ công đoàn gần chợ Bến Thành, tôi thường đi bộ dọc qua các phố Cách Mạng Tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Thị Riêng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du… hay đi xích lô về các quận, các chợ khác tìm hiểu tâm tư đời sống người dân. TP.HCM mà người người ước ao ngắm nhìn và làm việc. Cảm giác đầu tiên đây là một nơi đông đúc nhưng không đẹp như tôi thường nghĩ. Nó đang xô bồ nhôm nhoam như những băng tầng mới mở ở vùng than quê tôi.

Dù có ở đâu, tôi cũng thầm chúc bác luôn ung dung, thảnh thơi, không vướng bận

Ảnh minh họa: Trác Rin

Ngay cạnh cửa nhà nghỉ phía đối diện, một bà bán nước trà. Bà ngồi trước một cái bàn con. Bên trên che chiếc ô gá vào một gốc cây. Bà bán trà nóng, trứng vịt lộn, rượu, kẹo lạc… Khi rỗi rãi, tôi thường ra uống vài ly. Mấy người chạy xích lô chờ khách cũng túm tụm. Họ cầm ly rượu đưa lên môi, ồn ào hoặc lặng lẽ tham gia chuyện phố phường. Những lúc khách gọi, họ nhanh nhẹn đặt lại ly rượu uống dở tại bàn, đưa khách đi. Bà chủ quán lại cầm mảnh giấy đậy lên, thu vào một góc. Tôi hỏi cho có chuyện:
- Bác ấy uống thế! Ngày cũng phải hết mấy chục, bà nhỉ?
- Chả bao nhiêu! Từ sáng đến giờ, từ giờ đến tối, may ra cũng chỉ hết ba đồng!
- Thế thì bác bán được bao nhiêu? Họ ngồi, lại mất chỗ của khách?
- Ờ! Buôn bán thì phải vậy! Nhiều khi họ ngồi không. Khách không có lấy đâu ra mà trả! Giúp đỡ nhau là chính. Ai mà không khó khăn!
Từ đấy, tôi bắt đầu để ý đến mấy bác xích lô. Một bác đứng tuổi ở Cần Giờ lên Sài Gòn chạy vạy kiếm tiền. Vợ đau yếu và năm đứa con đang ăn học ở quê. Định đi đâu, tôi chỉ gọi bác. Sau vài lần quen mặt chả cần thỏa thuận giá trước, tôi lên xe, nói địa chỉ rồi trả sau. Nếu công việc chỉ cần nửa tiếng là bác ngồi đợi.
Hôm ấy trời đã muộn, tôi về Nguyễn Hữu Cảnh. Bác đưa tôi đi ngang đường quận 3 và quận 5 thì một đứa bé quãng mười tuổi phóng xe đạp từ ngách nhỏ lao ra. Bác đã tránh nhưng đường đông. Đứa bé xô vào ngay trước mặt tôi, ngã lăn ra. Tôi chưa kịp xử trí, bác đã quặt xe vào góc đường, đỗ lại, chạy đến bên cháu bé, đỡ nó dậy. Đứa bé mặt xanh xám. Cánh tay thõng thượt. Bác vội gọi một bạn nghề dặn dò một vài câu. Người mới đến đưa tôi về. Bác kéo xe lại, đưa cả xe cả cháu vào bệnh viện. Toàn bộ sự việc xảy ra trong vài phút. Đứa bé sai hoàn toàn. Không một lời kêu ca, than trách. Bác làm việc ấy như một sự đương nhiên khiến tôi bất ngờ, không giấu được niềm kính trọng.
Sau khi đi miền Tây hơn một tháng, tôi lại trở về thành phố và ở chính nhà nghỉ trước. Tối hôm ấy, tôi xuống chỗ bà bán nước đã thấy bác xích lô đang chờ khách. Mãi mới mời được bác chén trà. Nhớ lại chuyện trước, bác ung dung:
Năm ấy, bác đã hơn sáu mươi ! Tôi  tròn bốn mươi. Tôi đi miền Đông, về miền Tây, qua lại TP.HCM nhiều lần, nhiều dịp nữa nhưng không có điều kiện trở lại nơi cũ. Sự đổi thay ở đây được tính từng ngày. Bao nhiêu chuyện buồn vui mà tôi chứng kiến trên thành phố lớn nhất cả nước cũng không làm tôi quên cách ứng xử tuyệt vời của bác xích lô cách đây ba mươi năm. Khi tôi viết dòng này, nếu còn sống, người đạp xích lô năm ấy chắc cũng ngơi nghỉ vui vẻ với cháu chắt chắt. Dù có ở đâu, tôi cũng thầm chúc bác luôn ung dung, thảnh thơi, không vướng bận.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.