Người đưa đò ở bản làng heo hút

25/07/2014 12:00 GMT+7

Trở lại thôn Mô Nít, bản làng được xem là heo hút nhất của xã vùng cao Sơn Kỳ (H.Sơn Hà, Quảng Ngãi), tôi gặp lại già làng Đinh Văn Hộp, người đưa đò qua dòng sông Sà Lòn hùng vỹ.

Người đưa đò ở bản làng heo hút
Già Hộp kéo bè qua sông Sà Lòn - Ảnh: Phong Uy

Tôi đến Mô Nít lần đầu hồi tháng 3 năm nay, dù đã chuẩn bị trước tinh thần như một kẻ “du sơn ngoạn thủy” nhưng cũng không ngờ được đường lên Mô Nít lại gập ghềnh đến thế. Chỉ 13 km đường nhưng ngốn đến 2 giờ vừa đi xe máy vừa cuốc bộ. Tôi vừa đi vừa xót ruột khi chiếc xe máy va phải những phiến đá bự chảng trên đường, lại ngập ngừng hoang mang khi đến vùng đất lạ ở chốn núi sông hiểm trở.

Gặp một người đi đường, tôi mừng như gặp được vàng và bắt chuyện ngay. Anh bảo, đây là đường do dân buôn gỗ keo tự mở để vào Mô Nít, mùa này đi được chứ mùa mưa thì chịu, đồng bào trong đấy khổ lắm.

Con số thống kê của địa phương cho biết 100% hộ dân ở đây là hộ nghèo, trước kia từng có dự án đường Giá Gối - Mô Nít để dân làng có đường xuống trung tâm xã nhưng một nhà thầu sau khi được tạm ứng vốn đã “chuồn” thẳng khiến con đường dang dở. “Mô Nít đúng là thôn nghèo không có lối ra đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”, anh buôn gỗ keo ví von sau khi chia sẻ những nhọc nhằn khi “mò” vào chốn rừng thẳm này.

Chiều hôm đó, khi đang loay hoay tìm cách xuống núi, dân làng Mô Nít mách nước cho tôi một lối đi ít gian nan hơn bằng cách vượt sông Sà Lòn để qua đường phía huyện Sơn Tây. Đó là lần đầu tiên tôi gặp già làng Đinh Văn Hộp.

Già Hộp 65 tuổi, ông nhập ngũ năm 1968, rời chiến trường ông về lại Mô Nít và được công nhận là thương binh. Chỉ cách Sơn Kỳ một con sông nhưng bên kia xã Sơn Tân (H.Sơn Tây) lại có con đường rộng thênh. Già làng Hộp tâm sự: “Từ khi có đường bên kia, giáo viên và cán bộ đến Mô Nít thường đi vòng từ huyện khác rồi qua sông vào làng cho đỡ vất vả. Nhưng tui thấy cảnh 3 người khiêng 1 cái xe máy qua sông cực quá chừng à”.

Hình ảnh ấy đã ám ảnh và thôi thúc ông già 65 tuổi nhặt từng ruột xe cũ, bơm căng để làm ra 2 chiếc phà bằng ống tre và gỗ. Già làng Hộp tận dụng dây điện cao áp bị ngã đổ do lũ lụt để giăng dây từ bên này qua bên kia sông, kéo chiếc phà mà ông thường gọi là đò này để đưa người sang sông.

Già làng Hộp không lấy tiền người qua đò, chỉ lấy tiền xe, mỗi chuyến 10.000 đồng ít ỏi. Già làng Hộp nở nụ cười nhăn nheo: “Người Kinh đem cái chữ tới cho dân thì Mô Nít mới giàu được chứ, mình mà lấy tiền giáo viên, học sinh với cán bộ thì ai còn qua cái làng nghèo của mình được nữa”. Thế là một năm nay, ông già cứ ngồi đó bên sông và đợi khách qua đò, hôm nào đò vắng là ông già buồn thiu.

“Kéo đò cực lắm cháu ơi”, già làng nói và khoe bàn tay phồng rộp. Ông lại nheo mắt nhìn về dòng sông Sà Lòn đỏ lừ vì nước nguồn đổ xuống: “Mùa này còn kéo đò được, mùa mưa đến già phải cất đò chứ nguy hiểm lắm, ước gì có một cây cầu bắc ngang sông cháu hỉ?”.

Ngày hôm đó tôi đã gặp những người ở làng Mô Nít heo hút của già Hộp, họ cũng kể cho tôi nghe những ước mong giản dị như ông. “Ước gì có đường lên Mô Nít, không thì có một cây cầu để đi vòng qua sông cũng được”. Ước thế thôi chứ biết đến bao giờ.

Phong Uy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.