Ám ảnh chuyến xe Tết tang thương
Rạng sáng 27 Tết, không khí ấm áp đoàn viên của mùa xuân bị xé toạc bởi tin báo liên quan đến vụ lật xe khách chở 32 người bị lật trên đường tránh Nam Hải Vân -Túy Loan (đoạn qua xã Hòa Liên, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng).
Đại úy Nguyễn Huy Linh, (Đội trưởng đội công tác chữa cháy và CHCN, PCCC, Công an TP.Đà Nẵng) nhớ như in, trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm Đinh Dậu, anh cùng các đồng đội tiếp cận hiện trường xe khách chở công nhân từ TP.HCM về quê ăn Tết tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình thì gặp nạn trên đường tránh dẫn vào hầm Hải Vân. Đập vào mắt mọi người là cảnh hoảng loạn, tiếng khóc than đau thương của những người tự thoát ra khỏi xe và sự rùng rợn giữa không gian chết chóc.
|
“Lúc tiếp cận hiện trường, cửa kính xe đã vỡ nát, nhiều người tự thoát thân. Nhanh chóng chúng tôi tiến hành ngắt hệ thống điện, tránh cháy nổ, cố định xe. Qua đánh giá sơ bộ chúng tôi xác định đã có 2 người bị đè dưới xe khách. Phương án tiếp theo là cẩu xe, cứu thi thể nạn nhân, một cô gái và một thanh niên được đưa ra. Họ còn rất trẻ…”, đại uý Linh nhớ lại.
Tại hiện trường, hành lý, quà Tết từ miền Nam và những bộ đồ mới còn nguyên tem, mạc rơi ra từ chiếc vali bị bể khiến các chiến sĩ chuyển hành lý từ chiếc xe gặp nạn ra ngoài không khỏi nghẹn ngào. “Họ về quê ăn Tết mà, đây chắc là bộ đồ Tết mua về cho đứa con cháu ở quê…”, câu nói của một chiến sĩ khiến đại uý Linh nhớ mãi.
|
|
Ngày cuối năm, khi hương Tết đã len lỏi khắp nơi, người người nhà nhà chuẩn bị đón tết. Đứng trước cảnh tượng tang thương, những câu hỏi nhau như: Tết nay ăn tết ở đâu? Có về quê ăn tết không? Khi nào về? Đã đặt vé về quê chưa?... của những người xa xứ hiện lên trong đầu đại úy Linh. Nhìn chiếc xe bị biến dạng được cẩu đứng, anh nghĩ: “Có những chuyến xe mãi mãi không về đến nhà được…”, nghẹn ngào anh cùng các đồng đội bàn giao hiện trường cho lực lượng công an địa phương. Thế nhưng, những hình ảnh đó cứ ám ảnh anh cho đến bây giờ.
Chia sẻ về những khoảnh khắc chạy đua với tử thần để giải cứu người gặp nạn, đại uý Linh không nhớ đã bao nhiêu lần đưa những tài xế rơi vào tình cảnh “sinh nghề tử nghiệp” ra khỏi cabin xe bị bẹp dúm. Dẫu biết, mọi chuyện đã rồi nhưng các chiến sĩ tham gia cứu nạn vẫn cảm thấy nghẹn ngào… về một kiếp người và đằng sau đó là vợ, con, cha mẹ.
“Đứng trước những nhiệm vụ cứu thi thể tài xế, chúng tôi đau xót, với tôi… tôi nghĩ vắng mãi bóng người cha, con cái họ từ nay sẽ khổ rồi”, anh Linh nói.
Xuyên đêm giải cứu bệnh viện
Còn nhớ, những ngày đầu tháng 12.2018, trời đổ mưa lớn kéo dài khiến trung tâm TP.Đà Nẵng chìm trong biển nước. Mưa như trút nước liên tục từ nửa đêm khiến hệ thống thoát nước bị “tê liệt”, quá bất ngờ nhiều nơi ngập sâu trong nước.
Đại úy Linh nhớ, lúc này, tầng hầm Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng là địa điểm bị “uy hiếp”. Nhận được tin báo lúc nửa đêm, Ban lãnh đạo xác định bệnh viện là nơi cần được ưu tiên hàng đầu và tầng hầm bệnh viện phải được bảo vệ vì lúc này toàn TP mất điện, nếu tầng hầm ngập thì hệ thống phát điện sẽ “chết”. Ngay lập tức, các chiến sĩ PCCC, CNCH lên đường, rẽ nước tiến thẳng đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Anh Linh cho biết, lúc tiếp cận tầng hầm đã ngập gần 1m, trong hầm có nhiều ô tô, xe máy và đặc biệt là hệ thống phát điện bị đe doạ.
|
|
“Đưa xe chuyên dụng vào triển khai hút nước, các chiến sĩ vác máy bơm cỡ lớn tiến vào tầng hầm để bơm nước ra ngoài… cứ thế chúng tôi túc trực từ khuya đến trưa để bảo vệ hệ thống phát điện. Như cấp lãnh đạo đánh giá, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ cứu người ở tình thế số lượng lớn”, đại uý Linh nói.
Cũng như nhiều người dân tại TP.Đà Nẵng, do cơn mưa lớn kéo dài ập đến lúc nửa đêm, khiến nhiều người không kịp trở tay. Nhà cửa bị ngập nước, vật dụng bị hư hỏng. Trung uý Trần Minh Quốc Khánh (Đội tham mưu tổng hợp PCCC, Công an TP.Đà Nẵng) nhận được cuộc điện thoại của vợ lúc nửa đêm báo nhà đã ngập. Lo lắng, nhưng lúc này Khánh đang thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Vội nhắc vợ và mẹ cẩn thận anh Khánh tiếp tục công việc trực đường dây nóng 114. “Gia đình lúc đó không có đàn ông ở nhà, việc di chuyển đồ đạc nặng rất khó. Tôi đã gọi nhờ một số người thân đến giúp… bản thân làm nhiệm vụ”, trung uý Khánh kể.
Nửa đêm ngày 9.12, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng ngập sâu, tại kiệt 241 đường Thái Thị Bôi (Q.Thanh Khê), một phụ nữ đang mang thai bốn tháng và hai con nhỏ bị mắc kẹt vì nước ngập sâu, chảy xiết khiến chị không thể mở cửa thoát ra ngoài. Lúc này, chồng đi làm xa, ba mẹ con phải tìm chỗ cao đứng cho khỏi ướt, rồi gọi báo công an.
Đội Cảnh sát PCCC và CHCN Công an Q.Thanh Khê lập tức có mặt, triển khai phương án tiếp cận, giải cứu thành công 3 mẹ con và đưa họ về trụ sở UBND phường để lánh nạn.
Phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Điều 5 của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, gồm những nội dung sau: Lực lượng phòng cháy và chữa cháy thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn dưới đây: - Sự cố, tai nạn cháy; Sự cố, tai nạn nổ; Sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối; Sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá; Sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà; công trình; trên cao; dưới sâu; trong thiết bị; trong hang, hầm; công trình ngầm; Sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khi có yêu cầu; Tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm; Sự cố, tai nạn tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí; Sự cố, tai nạn khác theo quy định của pháp luật… |
Bình luận (0)