Người gắn bó với thanh niên

08/03/2011 15:17 GMT+7

Đã gần 35 năm trôi qua, cho đến giờ nhiều cựu cán bộ Đoàn vẫn còn nhớ hình ảnh giản dị, tác phong sâu sát, nhanh nhạy và một tư duy chặt chẽ, sắc sảo của Đặng Quốc Bảo khi anh về công tác ở Trung ương Đoàn (8.1977).

Trước đó, anh là một vị tướng, Hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật quân sự trong 8 năm (1968-1976). Sau khi được Đại hội lần thứ IV của Đảng (12.1976) bầu làm Ủy viên BCH T.Ư Đảng, anh được điều động làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp một thời gian, rồi được Bộ Chính trị phân công về T.Ư Đoàn công tác.

Chỉ trong một thời gian không dài, anh đã nắm bắt được những vấn đề cơ bản của công tác thanh niên. Tháng 1.1978, dưới sự chủ trì của Đặng Quốc Bảo, Hội nghị lần thứ 25 của BCH T.Ư Đoàn khóa III đã quyết định phát động phong trào “3 xung kích làm chủ tập thể” trong đoàn viên, thanh niên cả nước và tổ chức “Lực lượng thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Cuộc vận động “Toàn Đoàn tham gia xây dựng Đảng” do T.Ư Đoàn phát động từ tháng 3.1979 đã góp phần tăng thêm sức chiến đấu của Đảng, làm cho thanh niên thấy rằng họ có một chức năng thiêng liêng - kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng. T.Ư Đoàn còn phát hiện và kịp thời tổ chức cuộc gặp mặt biểu dương những tấm gương ngoan cường của tuổi trẻ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.


Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đặng Quốc Bảo (thứ tư từ phải qua) trong những ngày nóng bỏng tháng 4.1979 tại Lào Cai - Ảnh: tư liệu gia đình

Về đánh giá thanh niên - một vấn đề mang tính thời sự lúc bấy giờ, anh đã đứng vững trên lập trường, quan điểm của Đảng, nêu cao bản lĩnh và tính chiến đấu để đấu tranh với các quan điểm sai trái, nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất của thanh niên.

Đầu năm 1980, trên một tờ báo lớn của T.Ư có đăng một bức tranh châm biếm vẽ một thanh niên để tóc dài đến Sở Lao động thành phố xin việc làm. Tại đây, một cán bộ đã lạnh lùng buông một câu nói với người bạn trẻ đó: “Hãy về sở thú”. Đặng Quốc Bảo suy nghĩ nhiều về bức tranh này. Rồi anh tìm gặp tổng biên tập báo để bày tỏ thái độ không tán thành với bức tranh đó.

“Đồng chí Đặng Quốc Bảo là con người trung thực. Vì lợi ích cách mạng, đồng chí dám phê phán. Những bài phát biểu của đồng chí Đặng Quốc Bảo đều góp phần phát triển lý luận cách mạng. Đặc biệt đồng chí có công đào tạo một thế hệ mang 3 đặc tính. Đó là tâm huyết, độc lập sáng tạo và mang trong mình khả năng mầm mống của sự phát triển”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Tôi đã được tháp tùng anh đến thăm và làm việc ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Sơn La, Lai Châu… Còn nhớ tối hôm ấy, tại hội trường ĐH Sư phạm Huế, hàng trăm bạn trẻ đã im lặng, chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời của vị thủ lĩnh thanh niên. Họ vỗ tay nhiệt liệt khi anh Bảo nói những lời đi thẳng vào gan ruột của họ: “Nếu chúng ta đối xử công bằng với tuổi trẻ, đến với họ bằng tình thương, sự độ lượng và lẽ phải, không định kiến, không phỉ báng, biết tôn trọng nhân cách, khát vọng của họ thì tuổi trẻ sẽ có lòng tin, thấy được cái đúng, nhận ra cái sai và một khi có sai sẽ sửa chữa nhanh chóng. Ở đây quá trình giáo dục trở thành quá trình tự giáo dục”.

Mặc dù cuộc đời anh có lúc gặp phải sóng gió lao đao, thậm chí bị thiệt thòi, nhưng anh vẫn say sưa làm việc, giữ vững niềm tin vào chân lý. Rồi anh được Bộ Chính trị tin tưởng, bổ nhiệm làm Trưởng ban Khoa giáo T.Ư Đảng, được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992). Dù thời kỳ đó và sau này nghỉ hưu, không còn trực tiếp làm công tác Đoàn nữa, nhưng anh vẫn luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Vừa mới năm ngoái, anh nhận xét: “Dối trá, hư danh, ích kỷ… là những nguyên nhân gây ra các tiêu cực trong xã hội. Rất tiếc là giới trẻ tiếp thu những thói xấu này nhanh quá, bị ảnh hưởng thụ động nhiều quá nên nhiều thanh niên dễ hư”. Anh khẳng định: “Mỗi con người sinh ra đều có sức kháng cự lại với những điều xấu. Làm thế nào để khả năng kháng cự đó trong mỗi con người ngày càng được tích tụ đầy lên. Hãy làm cho mỗi thanh niên tự chế được các liều thuốc kháng cự. Hãy dạy cho họ cách tự tay tiêm liều thuốc này vào cơ thể mình”.

Năm 2011 này, anh Đặng Quốc Bảo bước sang tuổi 85. Dù đã qua tuổi “cổ lai hy”, nhưng “chất” thanh niên vẫn còn rất rõ trong phong cách sống và làm việc, trong cách giao tiếp của anh. Chả thế mà có lần anh nói vui với chúng tôi: “Mình là lão thành “trẻ” mà”.

Nguyễn Huy Thông (*)
(*) Nhà văn, nguyên phóng viên Báo Tiền phong (1972-1988)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.