Người giữ hồn phố Hoài - Kỳ 4: Nhớ phố qua từng nét vẽ

03/01/2015 05:08 GMT+7

Ngang qua rạp Hội An, người dân và du khách ấn tượng khi thấy tấm bảng hiệu viết tên phim sắp chiếu theo phong cách cổ điển, giản dị nhưng đầy nghệ thuật. Phố cổ vào những năm 1960, các tấm biển như thế được treo nhiều nơi.

Ngang qua rạp Hội An, người dân và du khách ấn tượng khi thấy tấm bảng hiệu viết tên phim sắp chiếu theo phong cách cổ điển, giản dị nhưng đầy nghệ thuật. Phố cổ vào những năm 1960, các tấm biển như thế được treo nhiều nơi.

Người giữ hồn phố Hoài: Nhớ phố qua từng nét vẽ
Cụ Trần Giáp Quyền từng nổi danh một thời tại phố cổ Hội An - Ảnh: Hoàng Sơn 
Vẽ tranh truyền thần cho vua
 
BÁN TRANH TRUYỀN THẦN 7 TRIỆU ĐỒNG
Trong sự nghiệp vẽ tranh truyền thần của mình, cụ Mỹ Hội nhớ nhất là lần bán bức ảnh Ông lão với hình ảnh một cụ già quắc thước, đẹp lão cho một vị khách người Pháp với giá 7 triệu đồng. Hồi ấy, số tiền đó là một tài sản rất lớn. Sau này, cụ còn bán rất nhiều tranh cho khách Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Khi về già, mắt mờ tay run, cụ không vẽ tranh được nữa nhưng “máu nghề” vẫn chảy trong huyết quản. Cụ thường bày giấy, cọ, mực tàu để viết thư pháp.
Lấy hai bút danh với hai nơi hành nghề khác nhau nhưng nhắc đến cái tên Trịnh Cán và Mỹ Hội, người am hiểu nghệ thuật truyền thần ở Huế và Hội An vào những năm 1950, 1960 đều biết đó là cụ Trần Giáp Quyền (88 tuổi, trú tại đường Trần Phú, TP.Hội An) - người đầu tiên mở tiệm vẽ tranh truyền thần, vẽ bảng hiệu tại phố cổ.
Cụ Quyền bước chân vào nghệ thuật từ năm 1942 nhờ sự chỉ dạy và truyền thụ của hai người anh rể. Năm 1950, cụ cùng người anh rể mở tiệm vẽ tranh với bút danh Trịnh Cán tại đất cố đô.
“Năm 1956, vua Bảo Đại từ Đà Lạt về Huế. Ông bảo tôi vẽ bức tranh truyền thần cỡ lớn cho đại gia đình. Tôi cũng vẽ một bức cho Đức Từ cung. Hồi đó, sau khi xem tranh xong, vua Bảo Đại rất ưng ý và cho tôi nhiều lời khen”, cụ Quyền kể. Cụ Quyền cũng từng vẽ một bức tranh truyền thần cho vua Thành Thái trong một lần vị vua này trở về Huế sau thời gian dài bị lưu đày. Cũng có lần, cụ Quyền phóng to bức ảnh Nam Phương Hoàng hậu cùng hai người con bằng cọ vẽ. Nhưng đáng nhớ nhất là lần cụ vẽ viên trung tướng người Pháp. “Tôi được mời đến vẽ tranh truyền thần cho ông ta, cũng khá căng thẳng. Thế nhưng khi tôi về đến nhà, viên tướng đã cho lính đến mời đi ăn tiệc tại khách sạn Morin (Huế) vì tranh quá đẹp”, cụ Quyền nhớ lại.
10 năm ở Huế, đến năm 1960, cụ Quyền đưa vợ con về Hội An sinh sống và lập tiệm vẽ tranh truyền thần với bút danh Mỹ Hội. Rồi cụ Quyền chuyển sang vẽ bảng hiệu. Để tạo được uy tín với nhà buôn tại Hội An, bảng hiệu của họ không phải đơn giản chỉ là chữ Quốc ngữ. Nhiều nhà buôn người Hoa còn đòi hỏi song ngữ Việt - Hoa để tấm bảng vừa sinh động vừa thu hút khách. Cũng nhờ giỏi chữ Hán khi còn trẻ nên chuyện vẽ bảng hiệu song ngữ không thể làm khó cụ.
Tấm bảng hiệu ở rạp Hội An
Trong ký ức cụ Quyền, Hội An vào những năm 1970 là thời kỳ hưng thịnh của nghề buôn thổ sản. Đó là những năm tháng cụ miệt mài vẽ bảng hiệu và đi treo cho tiệm buôn các mặt hàng đó. Một thời gian sau, cụ Quyền tiếp tục dấn thân vào nghề vẽ poster, pa nô cho rạp chiếu phim.
Những bộ phim có poster nhỏ xíu bằng bàn tay như: Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Cuốn theo chiều gió… đều do một tay cụ pha màu, phóng to để treo lên quảng cáo. Nói đến đây, bao nhiêu cảm xúc xưa cũ lại ùa về, mắt cụ Quyền rưng rưng: “Thế hệ chúng tôi khi nhìn những tấm poster đó lòng lại thấy rạo rực lạ lắm. Vì thiếu thốn địa điểm giải trí nên cứ nghĩ đến cảnh được đi xem phim là vui như trẻ con”.
Thi thoảng dạo qua phố, gặp những bức tranh hơi cũ một tí, cụ Quyền lại nhớ đến những bức tranh tốc họa mà ngày xưa cụ đã vẽ bằng than chì. Rồi ngang qua rạp Hội An, thấy những nét chữ ngày xưa cụ dùng để vẽ bảng hiệu được một người có nghề họa lên, lòng cụ lại nao nao nhớ phố xưa. Người già sống bằng ký ức đã đành, người trẻ mỗi lần đi qua rạp phim, khi thấy những dòng chữ vẽ tựa đề đó mà chân bước không rời.
Ở Hội An bây giờ còn không nhiều người có thể vẽ một cách “có hồn” những nét chữ như thế. Có lẽ sau thế hệ như cụ Quyền, người vẽ lên những nét chữ bay bướm đó chỉ còn số ít như anh Trịnh Mỹ (cán bộ Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam). Anh là người hơn 20 năm qua gắn bó với công việc họa tựa phim lên tấm biển treo trước rạp Hội An.
“Nếu đưa lên máy in ra bạt thì mọi thứ trở nên đơn giản. Nhưng do đặc thù là khu vực A phố cổ, cần hạn chế in theo lối hiện đại nên nhiều năm qua, tôi là người trực tiếp làm công việc vẽ tên phim”, anh Mỹ nói. Để thực hiện một bảng hiệu đẹp đòi hỏi phải có năng khiếu và niềm đam mê thực thụ. Tùy tựa phim mà mỗi biển hiệu được anh Mỹ chọn những loại chữ khác nhau, miễn sao đảm bảo tính thẩm mỹ. “Mỗi lần tôi vẽ lên bảng tên một bộ phim mới, nhiều du khách trong và ngoài nước lại đứng bên cạnh để xem. Họ thích thú và đưa máy ảnh lên chụp lưu niệm vài tấm. Có lẽ không riêng gì miền Trung mà cả nước chỉ còn rạp Hội An giữ được tấm biển vẽ tựa. Làm công việc này, tôi cũng thấy hạnh phúc vì thêm chút sức mọn để phố cổ thêm cổ và đẹp hơn”, anh Mỹ cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.