Người khuyết tật nhặt rác cho... người lành lặn !

An Dy
An Dy
14/12/2019 08:17 GMT+7

Nhóm thanh niên khuyết tật tại Đà Nẵng vốn khó khăn trong vận động, đi lại, nghe nhìn… nhưng điều đó không cản trở họ góp sức cho môi trường xanh, sạch.

Hòa Nhập Xanh, nhóm của những bạn trẻ khuyết tật ở TP.Đà Nẵng, duy trì hoạt động xã hội đều đặn hằng tuần trong gần 1 năm qua. Nhóm có 20 thành viên chính thức, 20 cộng tác viên. Họ tự trang bị giày chuyên dụng, găng tay bảo hộ, dụng cụ gắp rác, túi sinh thái tự phân hủy... để phục vụ cho các hoạt động tình nguyện của mình.

Gặp những người khuyết tật “thích” nhặt rác

Trưởng nhóm Mai Huỳnh Quốc Thống (31 tuổi) kể các thành viên trẻ đều khó khăn trong vận động, đi lại... nhưng lại có điểm chung là sống tích cực, không muốn phụ thuộc người khác. Do di chuyển khó khăn, nên các điểm nóng môi trường mà nhóm triển khai nhặt rác thường phân bổ đều ở các khu vực.
6 giờ sáng chủ nhật 1.12, tại khu vực âu thuyền Thọ Quang (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đã xuất hiện các thành viên nhóm Hòa Nhập Xanh. Một chuyến ra quân định kỳ của nhóm. Cảnh những bạn trẻ khuyết tật khó nhọc cúi xuống gắp rác bỏ vào túi, kéo lê túi rác bước đi, xoay lưng lại để hỗ trợ các thành viên khác… đã cho thấy nỗ lực lớn của họ.
Ở những điểm nóng môi trường khác cũng tương tự. Hình ảnh những chiếc xe ba bánh dừng ven đường sáng cuối tuần đã truyền cảm hứng về cuộc sống xanh, sạch đến nhiều người, nhắc họ về ý thức đối với cảnh quan môi trường… Còn đối với các bạn trẻ ấy, đó là cả nghị lực vượt qua chính mình. “Chúng tôi muốn động viên nhau rằng những việc người bình thường khác làm được thì mình cũng làm được. Thậm chí có những việc người bình thường khác làm không tốt như xả rác bừa bãi, thiếu ý thức bảo vệ môi trường… thì chúng tôi cũng có thể chung tay khắc phục được”, Đặng Thị Mỹ Trinh (37 tuổi), thành viên năng nổ của nhóm Hòa Nhập Xanh, chia sẻ.
Nguyễn Anh Thìn (31 tuổi, một thành viên của nhóm) tâm sự đôi khi những thành viên khuyết tật lại phải nhặt cả rác do… những người bình thường thải ra. “Hơi buồn, nhưng không sao! Chúng tôi cần những hoạt động tích cực để mạnh mẽ hơn trong cộng đồng của mình”, Thìn nói.
Việc thầm lặng nhặt rác, họ không chỉ tử tế với môi trường sống mà còn giúp lan tỏa, truyền thông tích cực về ý thức bảo vệ môi trường cho những người lành lặn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.