Người mẹ 16 năm nhặt ve chai khắp Sài Gòn chăm con bệnh Down

20/01/2018 09:32 GMT+7

Dù cuộc sống có nhọc nhằn thế nào đi nữa, mẹ vẫn không bao giờ bỏ rơi con. 16 năm rong ruổi nhặt ve chai khắp Sài Gòn, lúc nào bà Hồng cũng chở theo cô con gái mắc căn bệnh down.

Dù có cực khổ bao nhiêu bà cũng chịu được, chỉ mong sao đứa con không may mắn của bình được khỏe mạnh, bình an.
Rong ruổi mưu sinh
Những ai hay đi ngang cầu Calmette, đoạn đổ xuống Bến Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) sẽ thấy bà Hồng (tên thật là Nguyễn Thị Hằng, 58 tuổi) ngồi cùng đứa con gái lơ ngơ của mình.
Vừa đút từng muỗng cháo, bà Hồng vừa đưa tay che cho bé Trần Thị Nga (16 tuổi) khỏi cái nắng gắt gỏng của Sài Gòn ban trưa. Đã rất lâu, nơi đây giống như một chỗ dừng chân đặc biệt của mẹ con bà.
Một ngày của hai mẹ con bắt đầu từ tờ mờ sáng. Rời khỏi chỗ ngủ tạm là một vựa ve chai, bà Hồng đặt con lên chiếc xe đạp cũ mèm rồi đi khắp Sài Gòn. Bao ve chai máng bên xe dần đầy lên cũng là lúc nắng bắt đầu gay gắt. Bé Nga thỉnh thoảng vẫn nói một vài câu gì đó vu vơ hoặc ú ớ những âm thanh vô nghĩa, nhưng bà Nga vẫn nói cười đáp lại. Càng về trưa, cô bé càng đờ đẫn ra. Bà Nga lại lọc cọc đạp xe trở về bỏ ve chai ở vựa, rồi đến chân cầu này cho bé nghỉ ngơi.
“Ban ngày người ta đập ve chai rầm rầm, không có ở được. Con bé nghe tiếng động lớn là nó sẽ nhức đầu la hét, mà cũng không bỏ nó được nên tôi mang nó theo. Đến tối mới về đó xin người ta nghỉ tạm, còn ban ngày chỉ ở ngoài đường thôi. Nhưng được cái con bé ngoan lắm”, bà Hồng vừa nói vừa lấy khăn lau mặt mày tay chân cho bé Nga.
Người mẹ 16 năm nhặt ve chai khắp sài gòn, bán máu chăm con bệnh down 1
Khi mặt trời đứng bóng, hai mẹ con bà Hồng lại trở về chân cầu Calmette nghỉ ngơi, đến tối lại tiếp tục mưu sinh
Bà Hồng sinh con lúc tuổi đã ngoài 40. Trước khi chuyển dạ, bà còn phải chịu đựng nỗi đau chồng mất vì bệnh tật. Năm đó bác sĩ dặn dò bà phải nuôi kỹ lưỡng, bà chỉ nghĩ con mình bị khó ăn khó uống gì đó. Nào ngờ vài năm sau, bé Nga bắt đầu có nhiều dấu hiệu không bình thường với chiếc đầu phình to, mắt lồ lộ ra ngoài, nói chuyện khó khăn… Lúc này bà mới phát hiện bé đã mắc bệnh down.
“Tôi sinh khó, phải sinh mổ ở Từ Dũ, rồi đâu có tiền đâu mà đóng viện phí để ẵm em bé ra. Lúc đó tôi còn tính bỏ nó vô giỏ xách xách ra nữa. May sao nhiều người biết hoàn cảnh nên giúp chút ít cho mẹ con”, bà Nga kể.
Căn bệnh “khó nuôi” này khiến bé Nga chịu đau ốm liên miên, phải thường xuyên nhập viện. Bác sĩ cũng dặn bà Hồng hễ cô bé bệnh là phải đưa vào bệnh viện, vì uống thuốc nhiều sẽ không tốt. “Trầy trật vậy mà tôi nuôi giờ nó nặng hơn tôi luôn rồi. Chở nó muốn hụt hơi”, bà Hồng nói rồi cười. Cô bé nghe mẹ nói, cũng khúc khích cười theo.
Nhặt ve chai, bán máu chăm con
Bà Hồng kể, ngày xưa cũng vì ba mẹ bệnh tật mà phải bán đi căn nhà của gia đình ở Q.4. Rồi bà lấy chồng, cuộc sống cũng chẳng khá hơn, đi thuê nhà hết chỗ này đến chỗ khác, làm đủ nghề kiếm sống. Bà sinh một cô con gái, nhưng người chồng đêm ngày rượu chè, rồi bỏ đi mất. “Tôi gửi con bé cho một người bà con nuôi khi họ ngỏ ý, vì tôi không lo được cho nó…”, bà Hồng nói mà nghẹn ngào.
Người mẹ 16 năm nhặt ve chai khắp sài gòn, bán máu chăm con bệnh down 2
Người mẹ 16 năm nhặt ve chai khắp sài gòn, bán máu chăm con bệnh down 3
Người mẹ 16 năm nhặt ve chai khắp sài gòn, bán máu chăm con bệnh down 4
Bà Hồng ân cần chăm sóc từng miếng ăn cho cô con gái của mình
Cũng vì lần đó mà khi đến với người chồng sau và sinh được bé Nga, bà Hồng đã tự dặn lòng không bao giờ bỏ rơi cô bé, dù có chuyện gì đi nữa. Rồi thì chồng bà mất trên chiếc xích lô trong một đêm mưa gió, lúc chưa kịp nhìn bé Nga chào đời. Rồi thì bé Nga không phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Một mình bà phải chạy vạy bằng đủ nghề để chăm con.

“Có người biết con bé bệnh, kêu tôi thôi cho đi cho rồi. Nếu cần thì họ giới thiệu cho những người nước ngoài cần con nuôi, tôi sẽ được một số tiền. Nhưng tôi nhất định không chịu, mình đẻ mình đứt từng khúc ruột, trong khi mình chỉ còn một mình, có con bé thủ thỉ vẫn vui. Nó thấy thương lắm, mẹ dạy gì nghe đó”, bà Hồng tâm sự.
Trong kí ức của người mẹ ấy còn có một lần đi bán máu để kiếm tiền. Vì bé Nga bệnh suốt, cứ nhập viện, thuốc thang như cơm bữa. Bà kể: “Một lần tôi nghe người ta nói muốn có tiền nhanh thì đi bán máu cho bệnh viện đi. Tôi lật đật bế con bé đi thử. Đến chỗ, họ thấy tôi có con nhỏ, họ đâu có chịu mua. Tôi đành về, cố gắng đi bán vé số, nhặt ve chai…”. Nhiều lần không có tiền đóng viện phí, bà Hồng còn bỏ bé vô giỏ xách để lén đưa con... trốn viện.
Bé Nga lớn dần trên yên chiếc xe đạp cọc cạch khắp nẻo đường Sài Gòn. Nhưng cho đến tận 10 tuổi, cô bé vẫn không thể đi đứng bình thường được. “Nó mới tự đi được mấy năm nay thôi, chứ hồi trước tôi ẵm bồng nó không. Ngày nào cũng thủ thỉ với nó, kêu nó ráng tự đi chứ mẹ ẵm hết nổi rồi. Vậy là nó ráng đi, dù tới giờ cũng còn té lên té xuống. Nhiều lần tôi khóc, nó lau nước mắt hỏi “mẹ khóc hả”, rồi nó khóc theo. Vậy là tôi đành cười, vì để nó khóc là nó sẽ bệnh”, giọng bà Hồng nghẹn lại...
Người mẹ 16 năm nhặt ve chai khắp sài gòn, bán máu chăm con bệnh down 5
Người mẹ 16 năm nhặt ve chai khắp sài gòn, bán máu chăm con bệnh down 6
Mỗi lần thấy mẹ khóc, bé Nga lại khóc theo
Người mẹ 16 năm nhặt ve chai khắp sài gòn, bán máu chăm con bệnh down 7
Hai mẹ con cùng đi nhặt ve chai, cùng thủ thỉ với nhau
Người mẹ 16 năm nhặt ve chai khắp sài gòn, bán máu chăm con bệnh down 8
Cô bé vẫn hay cười vu vơ
Bên cạnh bà, bé Nga vừa ngồi ngoan ngoãn ăn vừa nghe mẹ kể chuyện. Cô bé cầm lên miếng thức ăn đút cho bà rồi ngọng nghịu: “Ngoại, ăn đi”. Bà lắc đầu bảo bà không đói, rồi cười nói: “Coi vậy đó, nó muốn kêu gì nó kêu hà. Mà thôi, nó còn biết mình, còn thương mình là được rồi”.
Nói xong bà quay sang ôm đầu con thủ thỉ: “Sao con không sinh vô nhà giàu, ở với mẹ chi cho khổ thấy không? Còn đã lỡ rồi thì ăn xong ráng ngủ một chút, chiều mẹ con mình lại đi lượm ve chai tiếp hen”.
Con bé gật đầu lia lịa, rồi lại cười tít mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.