Người Mỹ gốc Á trước mối lo bị tấn công

19/03/2021 07:00 GMT+7

Vụ xả súng giết hại 8 người tại các spa ở TP.Atlanta (bang Georgia) khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á phẫn nộ và lo ngại giữa lúc những vụ tấn công nhắm vào họ gia tăng.

Nghi phạm Robert Aaron Long (21 tuổi) đã bị bắt và truy tố tội giết người sau những vụ xả súng tại 3 cơ sở spa và mát xa ở TP.Atlanta hôm 16.3, khiến 8 người chết, trong đó có 6 phụ nữ châu Á.
Người phát ngôn cảnh sát Jay Baker hôm qua cho biết: “Nghi phạm Long nói động cơ tấn công không phải vì phân biệt chủng tộc và tự mô tả là một kẻ nghiện tình dục”, theo AFP. Nghi phạm Long còn khai với cảnh sát rằng anh ta đã thường xuyên lui tới các tiệm mát xa trước đây và lần này xả súng để trả thù, “chống lại sự cám dỗ mà bản thân muốn loại bỏ”.
Vụ xả súng xảy ra trong bối cảnh các vụ tấn công người Mỹ gốc Á gia tăng vì kỳ thị trong đại dịch Covid-19. Các nhà hoạt động nhân quyền và cả bà Jen Psaki, người phát ngôn của Nhà Trắng, cho rằng việc cựu Tổng thống Donald Trump thường xuyên dùng từ “vi rút Trung Quốc” gây Covid-19 đã góp phần làm gia tăng những vụ tấn công người Mỹ gốc Á.

Nhà Trắng: Bằng ngôn từ, ông Trump góp phần làm trầm trọng nạn kỳ thị người gốc Á

Tổng thống Joe Biden cũng đã lên án bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á và khẳng định ông thấu hiểu mối lo ngại của cộng đồng gốc Á sau vụ xả súng ở Atlanta.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ và tổ chức bảo vệ quyền lợi người Mỹ gốc Á cho rằng vụ xả súng ở Atlanta xuất phát từ sự kỳ thị, theo Reuters. “Bạo lực mang động cơ phân biệt chủng tộc phải được định nghĩa như thế nào? Chúng ta phải chấm dứt bào chữa hoặc đổi tên nó thành rối loạn tâm lý hay nghiện tình dục”, nghị sĩ Mỹ gốc Hàn, bà Marilyn Strickland nói.
Ngay trước khi vụ xả súng ở Atlanta xảy ra, tổ chức Stop AAPI Hate (Mỹ) công bố dữ liệu từ ngày 19.3.2020 - 28.2.2021 cho thấy có 3.795 vụ kỳ thị người gốc Á ở Mỹ, bao gồm quấy rối bằng lời nói miệt thị, phỉ báng, xúc phạm, chửi bới và hành hung.
Stop AAPI Hate cho biết hơn 40% nạn nhân là người gốc Hoa, 15% là người gốc Hàn, 8,5% là người gốc Việt và 8% là người gốc Philippines. Đa số nạn nhân là phụ nữ và con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều người gốc Á không lên tiếng tố cáo.
Trả lời Thanh Niên, một số du học sinh VN ở Mỹ bày tỏ lo ngại về tình trạng kỳ thị người gốc Á. “Tôi cũng như một số người bạn gốc Á khác tự trang bị bình xịt hơi cay để phòng thân. Tuy nhiên, cách tốt nhất nên tránh xa nếu có ai đó đến gần với biểu hiện hoặc lời nói mang tính kỳ thị”, nữ sinh viên Nguyễn Hà Trang tại Đại học Columbia (bang New York) cho biết.

Kì thị người gốc Á lên cao, khu phố Tàu New York lập nhóm "dân phòng" giám sát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.