Người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm?

17/05/2008 00:52 GMT+7

Vì vẫn còn đến 6.000 người đã tham gia đề án dạy nghề và tạo việc làm sau cai nghiện chưa hết thời hạn vào thời điểm Nghị quyết 16/2003/QH11 hết hiệu lực (1.8.2008), hôm qua, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại hội trường đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết này đến 1.1.2009, khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy và Nghị quyết 16.

Đối xử thế nào với người nghiện ma túy?

Trong báo cáo gửi QH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị QH xem xét sửa đổi điều 199 Bộ luật Hình sự, theo đó không xem nghiện ma túy làâ một tội phạm hình sự. Báo cáo thẩm tra sau đó, Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cũng đặt vấn đề cho phép Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh quan điểm đối xử với người nghiện ma túy. Và đây cũng là vấn đề gây tranh cãi ở QH sáng qua.

BS Trần Đông A (TP.HCM) cùng quan điểm với Bộ LĐ-TB-XH coi người nghiện là một bệnh nhân, thậm chí cần được đối xử như với một người mắc bệnh "mãn tính", cần sự cảm thông và điều trị đặc biệt. Tuy nhiên Giám đốc Công an Hải Phòng, đại tá Trần Bá Thiều lại cảnh báo với một thái độ rất gay gắt rằng: "Sẽ là thảm họa quốc gia nếu bỏ hoặc sửa điều 199". Ông Thiều nói: "Đến một lúc nào đó, xã hội phát triển hơn, trình độ dân luật nâng lên thì có thể tính toán đến việc đối xử khác với người sử dụng chất ma túy còn bây giờ thì không". Theo ông Thiều, ở nhiều nước và ngay như Trung Quốc cũng vẫn quy định sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm và bị phạt tù từ 3-5 năm.

Quan điểm này lập tức nhận được sự đồng tình của đại tá Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông Toàn nói: "Tôi đồng ý Bắc u, Tây u coi người nghiện là bệnh nhân nhưng phải hiểu rằng điều kiện kinh tế-xã hội, dân trí của họ khác, không như ta". Theo ông Toàn, cần phải xem nghiện như một dạng tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm. "Nếu sửa điều 199 cũng giống như chúng ta thừa nhận cờ bạc và mại dâm à", ông Toàn thắc mắc. Ông Toàn đặt vấn đề, từ trước tới nay nghiện ma túy được xem là một loại tội phạm thế mà chỉ tiêu giảm 10-15% người nghiện mỗi năm cũng không làm được, "thậm chí là ngược lại". "Cần phải thống nhất quan điểm để đưa ra giải pháp hữu hiệu cho tình trạng sử dụng ma túy nếu không người nghiện sẽ "như ong vỡ tổ", ông Toàn kiên quyết.

Xử lý cha mẹ nếu để con nghiện nặng

Với con số gần 20 vạn người nghiện hiện nay trên cả nước (theo đại biểu Võ Trọng Việt (Sơn La) con số trên thực tế có thể gấp đôi), ước tính mỗi ngày sẽ có khoảng 10 tỉ đồng được "đốt" theo ma túy. Và điều này khiến các ĐBQH sốt ruột muốn tìm giải pháp giải quyết tình hình. Nhưng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy đưa ra các chế tài còn quá nhẹ, các quy định "chưa đủ đô". Ông Nguyễn Thanh Toàn muốn gia đình phải đóng vai trò đầu tiên quan trọng trong việc phòng, chống ma túy. "Con hư tại mẹ, tôi không nghĩ rằng con cái ai đó nghiện ma túy là lỗi của xã hội. Tôi đề nghị luật có điều khoản giao cho Chính phủ quy định chế tài xử lý liên đới đối với cha mẹ (trước mắt là công chức nhà nước) để con bị nghiện ma túy", ông Toàn cụ thể.

Ở một góc độ khác, ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho rằng, dự luật xác định vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc phòng, chống ma túy. "Chúng ta quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, nhà trường, Mặt trận, lực lượng vũ trang... trong phòng chống ma túy nhưng lại không có một câu nào quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp, trong khi chỉ chính quyền mới đủ lực để làm một cách hiệu quả", ông Dũng phân tích. Ông Dũng cũng đặt câu hỏi: "Vậy UBND cấp tỉnh có phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác phòng chống ma túy hay không?" Theo ông, cần phải có quy định cụ thể để "có căn cứ xử lý", nếu không chính quyền địa phương "chống ma túy cũng được mà không phòng chống cũng chẳng sao".

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.