Người nơi xa về với Trường Sa

02/05/2015 00:00 GMT+7

Vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc tưởng xa mà đã hóa gần đối với những kiều bào trở về trong không khí hòa hợp và thống nhất.

Vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc tưởng xa mà đã hóa gần đối với những kiều bào trở về trong không khí hòa hợp và thống nhất.

Chiến sĩ hải quân chơi đùa cùng thiếu nhi trên đảo Song Tử Tây -  Ảnh: Trường Sơn
1. Những ngày cuối tháng 4, Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao cùng với Quân chủng Hải quân của Quân đội Nhân dân VN tổ chức cho đại diện kiều bào ta ở nhiều nơi trên khắp thế giới đến thăm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn ở khu vực thềm lục địa phía nam. Ngoài nhà báo Etcetera Nguyễn, Tổng thư ký tòa soạn của tạp chí Vietweekly (Mỹ), tất cả những thành viên trong đoàn kiều bào đều lần đầu tiên từ nơi xa đến thăm vùng đảo xa.
Năm nay là lần thứ tư, Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Quân chủng Hải quân tổ chức đưa kiều bào đi thăm, động viên quân và dân ở quần đảo Trường Sa. Chuyến đi lần này càng mang ý nghĩa đặc biệt hơn khi 2015 là năm có nhiều ngày lễ lớn của cả dân tộc ta, trong đó có kỷ niệm 40 năm ngày tiếp quản Trường Sa và thống nhất đất nước.
Kiều bào vai kề vai với chiến sĩ Trường Sa -  Ảnh: Thủy Nguyễn
Con tàu Khánh Hòa 01 của Hải quân VN cần đến 2 ngày và 2 đêm đi từ cảng Cát Lái đến đảo Song Tử Tây, xã Song Tử, huyện Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa. Trong khoảng thời gian này, hồi hộp và háo hức là tâm trạng chung khó giấu nổi của bà con kiều bào. Ai cũng chờ mong cơ hội được tận mắt nhìn thấy và đặt chân lên vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đều đã được nghe kể rất nhiều về Trường Sa, Hoàng Sa và biển Đông. Họ đã từng nhiều lần tham gia những hoạt động chung của cộng đồng người VN ở nước ngoài thể hiện tình cảm gắn bó với đất nước cũng như ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. “Tôi mong ước được đi Trường Sa từ lâu rồi và tôi thấy mình rất may mắn khi mong ước ấy giờ đang trở thành sự thật”, câu nói này được rất nhiều người thốt lên. Một số kiều bào khác thì thể hiện tâm trạng xúc động, mong chờ theo cách riêng qua những câu hỏi liên tục “Khi nào tàu sẽ tới đảo” hay ánh mắt dõi nhìn đau đáu về phía chân trời.
2.  Nguyện ước cuối cùng cũng thành sự thật khi đoàn kiều bào hăm hở đặt chân lên các đảo nổi Song Tử Tây, Nam Yết và Trường Sa, rưng rưng ngắm nhìn các đảo chìm Đá Nam, Len Đao và Đá Lát. Bà con đã tham dự những nghi lễ chung như chào cờ, dâng hương tại nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, tượng đài các anh hùng liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ và những ngôi chùa trên đảo, gặp gỡ chiến sĩ và nhân dân ngày đêm bám vững vùng lãnh thổ “xa mà gần” này để sinh sống và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Mọi cung bậc của cảm xúc đều không còn có thể kìm nén được nữa. Sự ngỡ ngàng ban đầu về quang cảnh tươi đẹp, đầy sinh khí của nhịp sống bình thường trên đảo dần nhường chỗ cho tình cảm xúc động và thân thiết, khâm phục và tin tưởng. Và tự hào. Tự hào về đất nước phát triển và hội nhập quốc tế 40 năm sau ngày liền một dải. Tự hào về Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Tự hào là người VN. Rất nhiều người đã khóc trong thương yêu và cảm phục quân dân Trường Sa.
Chuyển quà lên đảo Cô Lin - Ảnh: Lâm Viên
Điện sinh hoạt đã tạm đủ nhưng nước ngọt vẫn thiếu. Rau xanh đã được trồng nhiều hơn nhưng vẫn còn nghèo về chủng loại và chưa thể đáp ứng được nhu cầu bình thường hằng ngày. Thời tiết lại rất khắc nghiệt. Mùa khô năm nay ở Trường Sa dai dẳng không bình thường. Cỏ trên sân khô sém. Rất nhiều người đã khóc khi tàu Khánh Hòa 01 đã đến được rất gần nhà giàn DK 1/17 và DK 1/18 nhưng không ai có thể tiếp cận vì sóng lớn. Những món quà mà đất liền gửi ra và của bà con kiều bào cho cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn đành phải được chuyển đến bằng cách nhờ một chiếc tàu của Kiểm ngư VN chuyển giúp khi sóng yên biển lặng. Đoàn văn công của Nhà hát Ca múa nhạc quân đội cũng chỉ còn có cách biểu diễn phát qua sóng radio truyền tới cán bộ chiến sĩ ở nhà giàn.
3. Những cái bắt tay, những câu thăm hỏi và những cuộc trò chuyện gấp gáp thắm đượm tình quân dân, tình đất liền với biển đảo và tình của kiều bào nơi xa với Trường Sa. Hiểu biết và nhận thức của bà con kiều bào về thực tế hiện tại ở Trường Sa nói riêng và công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước nói chung đã trở nên đầy đủ hơn và đúng đắn hơn. Nỗi lo âu về mối đe dọa từ bên ngoài đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chưa phải đã được xua tan hết, nhưng cũng nguôi ngoai đáng kể khi thấy Trường Sa vẫn hiên ngang trong thử thách và cả dân tộc luôn hướng về Trường Sa, luôn làm tất cả những gì có thể làm được vì Trường Sa, khi cảm nhận trực tiếp quyết tâm và ý chí sắt đá của bộ đội và dân trên đảo vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì Tổ quốc, vì Trường Sa mà làm tiền đồn nơi đầu sóng ngọn gió.
Bà con kiều bào nói với nhau rằng đi thăm Trường Sa đã củng cố lòng tin của mọi người về quyết tâm của cả dân tộc VN bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Và giống như mọi người VN khác, bà con kiều bào nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Rất nhiều ý tưởng về đóng góp cho Tổ quốc và cho Trường Sa được đề xuất, trao đổi sôi nổi trên đảo lẫn trên boong tàu. Rất nhiều món quà vật chất cũng như tinh thần đã được trực tiếp trao cho bộ đội và nhân dân trên đảo.
Câu hỏi đặt ra là sau chuyến đi đầy ý nghĩa này sẽ tiếp tục làm gì ở nước sở tại, làm gì để góp phần cho quân và dân ở Trường Sa có thêm điện sinh hoạt, nước ngọt và rau xanh. Những chuyện đơn giản trên đất liền nhưng lại vô cùng gian nan, thậm chí xa xỉ trên tất cả những đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa. Ai cũng suy ngẫm về những dự định sẽ thực hiện sau chuyến đi này. Hành động cụ thể cũng đã có. Từ món quà của chàng thanh niên 25 tuổi Phạm Duy Đức, hiện ở Singapore, tặng bộ đội đảo Trường Sa, bà con đã tự tổ chức quyên góp tiền mua thiết bị quan sát tầm xa cho một số đảo. Người ở nơi xa về mang theo tình cảm sâu nặng của cộng đồng người VN ở nước ngoài đối với quê hương, đất nước và Trường Sa. Và khi trở về nơi cư ngụ hiện tại, bà con mang theo về tình cảm của người trong nước, của quân và dân huyện đảo Trường Sa, đồng thời cả những suy ngẫm và chiêm nghiệm riêng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và việc làm của mình trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.