Người nước ngoài bất hợp pháp ở VN - Bài cuối: Nhận lao động nước ngoài không phép là bất hợp pháp

19/12/2009 23:12 GMT+7

Sau khi đăng tải loạt bài Người nước ngoài bất hợp pháp ở VN, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Tâm - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý lao động thành phố, ông Tâm cũng tỏ ra bức xúc trước vấn nạn này. Ông nói:

-  Theo quy định của Chính phủ, người nước ngoài làm việc tại VN phải thỏa mãn những điều kiện nhất định và phải có giấy phép lao động mới được làm việc. Họ chỉ làm việc ở những ngành nghề mà VN chưa thể đảm nhận được, chứ không phải bất cứ loại ngành nghề gì. Chúng tôi xin nhắc thêm là trong khi người lao động nước ngoài (NLĐNN) làm việc tại doanh nghiệp (DN), thì theo quy định bản thân DN đó cũng phải đào tạo người để thay thế NLĐNN trong vòng 2-3 năm. Đây là điểm rất quan trọng, có tính nguyên tắc, nhưng nhiều DN chưa thực hiện. Các đợt thanh kiểm tra vừa qua cho thấy, bên cạnh số đông những NLĐNN làm việc hợp pháp, cũng còn nhiều NLĐNN không có giấy phép lao động. Tôi đoán là những người này không đủ điều kiện để được cấp phép. Vì không đủ điều kiện nên DN thuê mướn họ giá rẻ hơn, nhất là trong ngành giày da. DN thường giấu chúng tôi việc này. Khi yêu cầu kiểm tra bảng lương chúng tôi mới phát hiện được. Đây là hành vi vi phạm luật lao động VN.

* Nếu sau khi xử phạt, DN vẫn tái phạm?

- Nếu vẫn tái phạm nhiều lần cụ thể là 3 lần thì chúng tôi đề nghị trục xuất lao động đó ra khỏi lãnh thổ VN. Còn với DN, nếu cố tình sử dụng NLĐNN không phép có thể bị đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh.

Qua kiểm tra chúng tôi biết có những lĩnh vực như giáo dục chẳng hạn, nhiều đơn vị thuê NLĐNN chẳng qua thấy họ… là "Tây", chưng cái "mác" đó để lôi kéo học viên chứ thực ra họ chẳng có khả năng sư phạm gì. Những lao động này thường chỉ được thuê trong vòng vài ba tháng gì đó rồi thôi. Có thể nói lâu nay các DN chưa ý thức việc thuê mướn NLĐNN phải có giấy phép. Đây là việc cần phải gấp rút chấn chỉnh.   

* Các đoàn kiểm tra vừa qua chỉ kiểm tra trên sổ sách. Nếu DN cố tình che giấu, bỏ tên NLĐNN ra ngoài sổ sách thì làm sao Sở biết được?

- Theo tôi biết các DN thuê chuyên gia lao động nước ngoài thường phải trả lương cho họ rất cao. Nếu họ bỏ tên NLĐNN ra khỏi bảng lương họ sẽ gặp bất lợi trong việc khấu trừ thuế thu nhập DN. Chỉ trường hợp DN sử dụng NLĐNN theo dạng thời vụ, lương thấp mới không đưa tên họ vào bảng lương. Tất nhiên cũng không loại trừ trường hợp NLĐNN không muốn có tên trong bảng lương để né việc phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Chúng tôi sẽ lưu ý và tìm phương cách thanh kiểm tra làm sao để không bỏ sót loại vi phạm này, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

* Ngoài các chuyên gia lao -động nước ngoài trình độ cao, TP.HCM hiện cũng thấy có rất đông lao động dạng “cơ bắp", không có nghề. Họ đang cạnh tranh ráo riết với những người lao động VN. Ông nghĩ gì về việc này ?

- Sở LĐ-TB-XH chúng tôi chỉ quản lý NLĐNN trong các DN thôi. TP.HCM hiện có nhiều dạng du khách, khách đi du lịch bằng con đường chính thức cũng có, đi qua bằng đường biên giới cũng có. Nhiều nhất là ở biên giới Campuchia - Tây Ninh. Họ chỉ cần đón xe ôm đi tránh cửa khẩu Mộc Bài chừng 50 mét là có thể vào được VN. Tôi nghe nói vậy. Phần nhiều những khách này là người châu Phi. Họ ở hết thời gian visa rồi tìm cách ở lại kiếm việc làm, làm việc gì cũng được chỉ cần có chỗ ngủ, có được hai bữa ăn thôi… Dù họ ở lại dưới hình thức nào thì cũng không đúng pháp luật VN. Kiểm tra giấy tờ của những người này là phần việc của ngành công an và việc giám sát của các tổ chức xã hội, đoàn thể. Nếu họ không có giấy tờ chứng minh, nên tìm cách đưa trả họ về nước. Những người này ở lại sinh sống với điều kiện dễ dãi như nêu trên thường sẽ không bảo đảm an ninh trật tự cho các địa phương. Một trung tâm bảo trợ xã hội của chúng tôi cũng từng tiếp nhận những người này. Tôi nghĩ những cơ sở nào chứa chấp họ vì ham tiền công giá rẻ nên lường trước việc "nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà". Khi điều đáng tiếc xảy ra, thì biết gốc gác, gia đình họ ở đâu? Tiếp nhận những người không được phép lao động tại VN cũng có nghĩa là tiếp tay cho họ ở lại VN bất hợp pháp. Thỉnh thoảng đi ngang qua Công viên 23.9 tôi vẫn thấy họ… vật vờ ở đó.

UBND quận Tân Phú: “Đa phần NLĐNN làm việc ở quận không có giấy phép lao động”

Theo lãnh đạo quận Tân Phú, trên địa bàn quận hiện có 34 DN có sử dụng NLĐNN. Phần lớn NLĐNN làm việc tại những DN này dưới danh nghĩa là chuyên gia kỹ thuật, hỗ trợ về chuyên môn, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực giày da, may mặc, nhuộm... Đa số họ không có bằng cấp, không có giấy xác nhận về “kinh nghiệm” như theo quy định của VN. Vì vậy họ không có giấy phép lao động. Hầu hết các DN sử dụng NLĐNN đều biết sử dụng NLĐNN như vậy là không tuân thủ quy định của VN (hoạt động sai mục đích nhập cảnh, lưu trú không khai báo, quá hạn visa...) nhưng DN vẫn cố tình vi phạm...

Riêng đối với số người nước ngoài mang quốc tịch các nước châu Phi vi phạm pháp luật, UBND quận Tân Phú kiến nghị TP cần có kế hoạch đồng loạt phối hợp kiểm tra, xử lý, tránh để đối tượng thay đổi nơi cư trú.

Công an TP.HCM kiến nghị: Hạn chế cấp thị thực loại D

Theo thượng tá Nguyễn Văn Anh - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM, tình hình người nước ngoài phạm pháp có chiều hướng gia tăng cả về quy mô lẫn tính chất, mức độ vi phạm.

Phổ biến là các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản. Thủ đoạn mới nổi lên là lợi dụng DN cần vốn để ký hợp đồng vay, qua đó nhận tiền phí dịch vụ nhưng không chuyển tiền, để lừa đảo chiếm đoạt; đeo bám người lĩnh tiền ngân hàng đi ô tô, gài đinh khi xe dừng và lợi dụng trong lúc chủ nhân sơ hở trộm tiền trên xe; gạ gẫm đánh bài, khống chế người rút tiền ngân hàng để chiếm đoạt... Từ tình hình nêu trên, Công an TP.HCM đã thống nhất kiến nghị Chính phủ: Cần chỉ đạo các cơ quan ngoại giao của VN ở nước ngoài hạn chế cấp thị thực loại D (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh). Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung NĐ 113/2004/NĐ-CP về việc nâng mức phạt đối với các cá nhân, DN sử dụng NLĐNN không phép, từ mức 5-10 triệu đồng lên 50-100 triệu đồng. Hướng dẫn cụ thể việc trục xuất NLĐNN làm việc bất hợp pháp. Có biện pháp chế tài đối với VPĐD đã bị rút giấy phép nhưng không thực hiện thủ tục đóng cửa. Nghiên cứu bổ sung NĐ 34/2008/NĐ-CP, NĐ 113 để khắc phục chồng chéo trong thành lập, cấp phép lao động, hành nghề của các cơ sở y tế tư nhân của người nước ngoài. Kiến nghị Bộ Công an phân cấp cho công an các tỉnh thành trong việc trục xuất NLĐNN vi phạm pháp luật; quy định việc lưu giữ người nước ngoài vi phạm luật tại các trung tâm lưu giữ.

Nguyên Thủy - Minh Nam - Đàm Huy

Nguyên Thủy (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.